Đất học cũng... bỏ học!

23/05/2008 17:25 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH)- Danh sách những vấn đề “nóng” của ngành giáo dục thời gian gần đây lại thêm một gạch đầu dòng nữa về chuyện học sinh (HS) bỏ học. Về một số vùng đất học như Nam Định, Nghệ An mới thấy nhiều trường và địa phương lo “sốt vó” về chuyện HS quay lưng với chữ...

Đầu vào” ít hơn “đầu ra”! Vào đầu năm học 2007 - 2008, số học sinh các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông (THPT) ở Nam Định có gần 1.500 HS bỏ học. Theo Sở GDĐT Nam Định thì số HS bỏ học vào đầu năm học 2007 - 2008 nhiều hơn năm học trước. Nguyên nhân bỏ học chủ yếu là do HS có học lực yếu kém dẫn đến chán học.

So với đất học Nam Định, số HS bỏ học ở Nghệ An cao gấp gần chục lần. Phó Chánh văn phòng Sở GDĐT Nghệ An Đào Công Lợi cho biết, số HS bỏ học sau khai giảng năm học 20 ngày lên đến hơn 10.700 HS; trong đó, có hơn 1.000 HS bổ túc, còn lại hơn 9.000 HS phổ thông. Vào huyện Quỳ Châu, Nghệ An những ngày đầu tháng 4, chúng tôi được Trưởng phòng GD huyện Võ Thị Lộc cho hay, trong số 40 trường các cấp thì chỉ có duy nhất 1 trường cấp 3. Chỉ là 1 trường cấp 3 nhưng trước mắt huyện cũng không mở thêm bởi HS không chịu đi học.

Bà Lộc dẫn dụ: Năm học 2006 - 2007 số HS tốt nghiệp lớp 9 của huyện dao động từ 1.000 - 1.200 HS, nhưng số vào học THPT chỉ chiếm 50% (khoảng 600). Ông Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú - trường cấp 3 duy nhất của huyện Thanh Lương bộc bạch: số HS vào lớp 10 năm học 2007 - 2008 giảm 1 lớp so với năm học trước, nhưng còn muốn giảm nữa vì chất lượng đầu vào thấp quá.


Để bọn trẻ đi học đều đặn không phải là chuyện dễ

Hai năm gần đây, số HS bỏ học dao động từ 75-80 HS, tăng gần gấp đôi so với trước. Trung bình mỗi khối 10, 11, 12 có 20 em bỏ học. Số HS bỏ học chủ yếu do học yếu. Bà Lộc cho biết: Riêng xã Châu Hoàn cách huyện 40 km, số hộ nghèo chiếm hơn 60%, nhiều nhà cơm không đủ ăn thì nghĩ gì đến chuyện học (!). Dùng kẹo để... dỗ học sinh đi học! Theo chân Hiệu trưởng và các giáo viên Trường Tiểu học Châu Bình 2, chúng tôi đến điểm trường tại Bản Thung Khạng, xã Châu Hoàn chiều 9/4.

Vào đến điểm trường chúng tôi phải ngồi sau xe máy nhảy “hip-hop” hơn 1 tiếng đồng hồ. Đường đất đỏ khó đi. Chốc chốc lại va những “ổ voi” lởm chởm những tảng đá chòi ra sau mỗi đợt mưa rào. Vừa điều khiển xe máy, phó hiệu trưởng của trường vừa giải thích “đường giờ đã dễ đi hơn, trước xe máy cũng bó tay”. Rồi chị chỉ cho tôi những đoạn đường do chính tập thể giáo viên của trường đắp để đi lại. Điểm trường có 5 lớp rải đều từ lớp 1 đến lớp 5. 100% HS là người dân tộc. Chị Dương Thị Lệ giáo viên chủ nhiệm lớp 5E của trường kể: “mặc dù HS bản Thung Khạng đến trường được miễn phí hoàn toàn tiền học hành, sách vở.

Nhưng nhiều HS phải vận động mãi mới tới lớp. Thậm chí nhiều gia đình ỷ hết cho nhà trường chuyện ăn học của con. HS đói bụng đi học là chuyện thường. Trước đây, để HS đỡ đói bụng mỗi cán bộ, giáo viên của trường tự trích 15.000 đồng tiền lương/ mỗi tháng hỗ trợ bữa ăn cho các cháu. Từ tháng 3 trở lại đây mỗi tháng trường nhận 5 triệu đồng từ huyện, do một doanh nghiệp tài trợ, để cải thiện phần nào bữa ăn trưa cho các cháu. Từ khi có khoản tiền hỗ trợ ấy các cháu đến trường không bị đói nên không có HS bỏ lớp. Còn điểm Trường Tiểu học Châu Bình 2 tại bản Thung Khạng, để “giữ chân” HS tới lớp, giáo viên thường tích kẹo, bánh... trong tủ.

Giờ tan học ca sáng cùng kèm theo lời hứa “ chiều đến lớp cô sẽ chia kẹo cho các con...”. Nhờ kẹo, các cháu HS vùng cao háo hức đến trường hơn. Để kéo HS trở lại lớp, những thầy cô giáo nơi đây không quản đường sá xa xôi, lặn lội vài chục km đường đồi núi để vận động trò trở lại với chữ. Thậm chí, có giáo viên những ngày nghỉ trong tuần cũng vào tận bản để bồi dưỡng cho HS thoát cảnh “ngồi nhầm lớp”... Nam Định, Nghệ An là những nơi nổi tiếng về đất học. Những tấm gương hiếu học của những thầy đồ ngày xưa chẳng lẽ không còn giúp gì được cho địa phương và những học sinh bỏ học ở nơi đây?

  Nguyễn Hiền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm