Đánh thức tiếng còi tàu 120 năm trước

07/08/2009 11:39 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Thông tin về việc sẽ mở tuyến đường sắt về miền Tây Nam bộ, mà cụ thể là tuyến TP.HCM - Cần Thơ, đã khiến tôi xúc động nhớ lại tiếng còi tàu đầu tiên trên đất Việt Nam cũng trên hướng tuyến này (Sài Gòn - Mỹ Tho) từ 120 năm trước. Tiếng còi ấy đã khai mở lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam.

1. Năm 1811, nhà sáng chế người Anh John Blenkinsop thiết kế thành công đầu tàu hơi nước đầu tiên và khi các tuyến đường sắt chạy bằng cỗ máy này hùng dũng xuyên qua các ngôi làng, các cánh đồng của châu Âu cận đại, người ta tưởng nó là con quái vật nuốt chửng vẻ yên bình của đời sống. Nhưng rồi, khi cuộc cách mạng công nghiệp ngày càng phát triển và nhất là khi nước Mỹ “khai phá miền Tây”, thì đường ray xe lửa lại trở thành biểu trưng của sức mạnh, văn minh - là cái xương sống để dựng lên cuộc sống mới trên những miền đất mới.

Chiếc đầu máy hơi nước đầu tiên do người Pháp mang đến Việt Nam chậm hơn so với thế giới khoảng 70 năm. Ngay những năm đầu đặt chân vào Việt Nam, người Pháp đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng tuyến đường sắt nối đô thị trung tâm là Sài Gòn với các đô thị khác ở Đồng bằng sông Cửu Long để hình thành nên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và trên diện rộng là nối kết các vùng kinh tế của các nước thuộc địa của Pháp bấy giờ.

Đoàn tàu đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh tư liệu

Theo Cục Văn thư Lưu trữ Việt Nam thì từ năm 1880, người Pháp đã có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Tuyến đường này nằm trong chương trình xây dựng tuyến Sài Gòn - Vĩnh Long, kéo dài đến Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc và Phnompenh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hàng hải chỉ duyệt thi công đoạn Sài Gòn - Mỹ Tho. Theo sắc lệnh ngày 24/8/1881 của Tổng thống Pháp, Thống đốc Nam Kỳ Lemyre de Viliers đã ký hợp đồng nhượng quyền xây dựng và khai thác tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho cho kỹ sư xây dựng Joret. Hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn 99 năm.

Chuyến tàu đầu tiên rời Sài gòn đến phà Bến Lức vào ngày 20/7/1885, đánh đấu sự ra đời của ngành đường sắt ở Việt Nam. Chi phí xây dựng tuyến đường là 11,6 triệu franc với tổng chiều dài là 70 km. Đến năm 1886, sau khi xây dựng xong cầu trên tuyến, tàu đã chạy thẳng từ Sài Gòn đến tận Mỹ Tho.

Tuy nhiên, kết quả khai thác tuyến đường này thời kỳ đầu là không đáng kể, phải thay đổi nhiều lần hình thức quản lý và khai thác. Theo một tài liệu nghiên cứu thì tuyến đường sắt đầu tiên này bị ngưng chạy tàu vào năm 1958. Hiện toàn bộ tuyến đường sắt này đã bị phá bỏ, hầu như không còn mấy dấu tích.

Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho có tất cả 15 ga với điểm xuất phát là ga Sài Gòn (vị trí hiện nay là Công viên 23/9) và ga cuối Mỹ Tho (vị trí hiện nay là Công viên Lạc Hồng - TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

2. Lịch sử 120 năm của ngành đường sắt Việt Nam đã thức dậy. Tuyến đường sắt từ TP.HCM về miền Tây Nam Bộ tới đây chẳng những sẽ vượt qua hành trình Sài Gòn - Mỹ Tho thuở trước mà còn về tận TP. Cần Thơ (dài gấp đôi tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho với khoảng 150km). Không những thế, nó còn đánh dấu sự xuất hiện của những thế hệ đường sắt mới nhất (dự kiến tốc độ chạy tàu từ 300- 350km/h).

Mặc dù, cũng như tuyến đường sắt đầu tiên của VN được xây dựng 120 năm trước, ngày nay cũng có những ý kiến lo ngại về hiệu quả kinh tế của nó, nhưng dù gì thì đường sắt nối về miền Tây cũng tạo nên tuyến giao thông quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh kế cho cả một vùng rộng lớn.

3. Hiện nay, mạng lưới đường sắt Việt Nam đã có tổng chiều dài 2.600 km nối liền hầu khắp các khu vực cả nước (trừ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Vươn ra quốc tế, đường sắt Việt Nam nối liền với đường sắt Trung Quốc qua hai hướng: Với Vân Nam qua tỉnh Lào Cai và với Quảng Tây qua tỉnh Lạng Sơn. Đường sắt Việt Nam cũng có tiềm năng nối liền với mạng lưới đường sắt Campuchia, Thái Lan và Malaysia để đến Singapore và tuyến đường sắt của Lào khi được phát triển.

Theo Quy hoạch hệ thống đường sắt Việt Nam đến năm 2020 (phê duyệt năm 2002) thì trong 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, các đoạn tuyến đường sắt thuộc diện được xây mới là: Hạ Long - Cái Lân; Yên Viên - Phả Lại; Đường sắt Sài Gòn - Vũng Tàu; Đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh; Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho - Cần Thơ; Đường sắt Thái Nguyên - Yên Bái; Dĩ An - Chơn Thành - Đắc Nông; Vũng Áng - Mụ Dạ; Đông Hà - Lao Bảo. Gần đây có thông tin sẽ còn mở tiếp 2 tuyến ở miền Tây Nam Bộ là đi Kiên Giang và đi Cà Mau.

Trang sử mới của ngành đường sắt đang mở ra!
 
Đông Kinh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm