14/11/2012 11:26 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Hôm nay, 14/11 lãnh đạo TP Đà Nẵng tiến hành họp để nghe báo cáo phương án xây dựng điểm du lịch tại đỉnh đèo Hải Vân vốn được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan”. Con đèo dài gần 20km là đòn gánh nối Huế và Đà Nẵng nói riêng, miền Bắc và miền Nam nói chung.
Trên đỉnh đèo, du khách tha hồ ngắm cảnh trời biển và căng tràn lồng ngực với không khí trong lành, cỏ cây khoe sắc... Đây là một danh thắng lớn nhưng hiện vẫn "bỏ hoang" kể từ khi hầm đường bộ Hải Vân khánh thành.
Trở lại cung đường lên Hải Vân quan
Con đường ngắn nhất từ Đà Nẵng ra Huế và ngược lại là qua hầm Hải Vân. Còn đối với người ưa xê dịch, dù xa hơn, vất vả hơn, thậm chí là nguy hiểm hơn nhưng người ta vẫn chọn đường đèo, để chinh phục, để thưởng ngoạn và thêm những trải nghiệm.
Con đường uốn lượn, với hàng loạt những ngôi miếu bên đường, khiến tôi không khỏi cảm giác ớn lạnh. Thế mà 25 năm nay, hai người đàn ông “trấn” ở hai đầu đèo, ngày ngày vẫn hương hỏa, chăm sóc cho từng ngôi miếu: Nam Hải Vân có ông Thọ, Bắc Hải Vân có ông Bừa. Gắn bó với rừng núi 20 năm trời, thiếu trăm bề nhưng họ bảo “ai ăn rau quả rừng, uống nước suối Hải Vân đều không muốn xa nữa”.
Khách du lịch thích thú với vẻ đẹp tự nhiên của Hải Vân
Đường lên đỉnh đèo uốn lượn, gối đầu lên nhau đằm thắm như người tình dài vạn thế kỷ, những khúc cua đột ngột như giận như hờn. Lau lách hai bên đường đua nhau ngả mình theo gió. Lên đèo, du khách sẽ quên đi cái nắng nóng của miền Trung. Thời tiết đẹp như Đà Lạt, chẳng thế mà có cặp tình nhân đã đến đây tìm nơi chụp hình cưới cho mình.
Hải Vân giản dị với những bông hoa nhỏ li ti ven đường, với đàn bướm đủ các loại màu sắc. Đối lập với vẻ đẹp mong manh ấy là những vách đá dựng cheo leo tựa mình vào núi. Những phiến đá phẳng lì “trơ gan cùng tuế nguyệt” là đặc sản của đèo. Bất kỳ một ai đi qua, những người bạn, đặc biệt là dân phượt đều mong muốn khắc tên lưu dấu mình trên Hải Vân quan hùng vĩ.
Nếu ai đó từng tới vùng cao thích thú hình ảnh những người đàn ông lướt khướt bên đường sau phiên chợ tình thì tới đèo Hải Vân sẽ ấn tượng với bóng áo bạc màu của người tiều phu.
Nghề nghiệp chính của người dân trên đèo Hải Vân là "đi củi". Tôi gặp anh Nguyễn Văn Sơn mồ hôi nhễ nhại đang ngồi nghỉ bên đường với bó củi: “Nhà mình đi củi mấy đời rồi, một ngày được 5 vác thế này, bán hết được 80 nghìn, thế mà không đủ nuôi con cái”.
Đứng trên đèo, nhìn về thành phố, những ngôi nhà cao tầng nhỏ bằng gang tay, thành phố chìm sau làn nước biển xanh ngắt màu trời. Giọt mồ hôi rơi trên má người tiều phu khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Rõ ràng, Hải Vân có tiềm năng du lịch thế này, sao phải để người dân khổ thế?Vẻ đẹp hoang sơ
Cả hai chục cây số “đẹp từng xen-ti-met”, chỗ nào du khách cũng có thể dừng chân ngắm cảnh, chụp hình, nhưng chỗ đậu xe lý tưởng nhất là đỉnh đèo. Ngày không nắng, sương bao phủ khắp, đứng cách nhau vài bước chân đã không thấy mặt. Cảm giác trời với đất gần nhau trong gang tấc.
Đỉnh đèo, theo hướng từ Nam ra Bắc, bên phải là di tích lịch sử từ năm 1952 “Chiến thắng đồi Nhất”, bên trái là hơn chục hàng quán. Di tích lịch sử oanh liệt thời chống Pháp nằm vẻn vẹn vài dòng trên tấm bia, mà chỉ người Việt mới đọc được. Những bức tường với vết găm của bom đạn quằn quại với rêu phong và sự tàn phá của thời gian. Nằm trong lau lách, di tích càng trở nên hoang sơ đến lạ.
Chiếc xe du lịch từ Hội An vừa dừng lại, hàng chục khách du lịch nước ngoài ào ra. Những triền lau trắng xóa vạt rừng khiến họ reo lên thích thú và kéo tay nhau chạy đến chụp hình. Nhìn từ trên đỉnh đèo, con đường mỏng manh như sợi chỉ trang điểm cho núi rừng, tiếng sóng biển hung dữ bỗng hiền hòa êm dịu.
Đối Nhất - di tích lịch sử đang bị thời gian tàn phá |
Đứng trên đỉnh Hải Vân, biển mênh mông vô tận chỉ như một cái ao mà du khách là Thánh Gióng. Sắc xanh nối tiếp sắc xanh. Xanh của biển, của trời vô cùng là thế nhưng cũng bị màu xanh “muôn ngàn cây lá khác nhau” của rừng lấn át. Từ đây, du khách có thể hoàn toàn bao quát được hết Huế và Đà Nẵng.
Chị Mary đến từ Australia nói: “Vợ chồng tôi đã đi nhiều nơi nhưng hiếm thấy ở đâu đẹp trong trẻo như Hải Vân. Tôi biết đến nó trên mạng, giờ tận mắt chứng kiến thấy hoành tráng hơn nhiều”.Cùng đoàn với Marry, anh John thêm vào: “Đoàn muốn ở lại trên đèo vài ngày để tận hưởng không khí trong lành mà không có chỗ ăn ở. Nếu có nhà hàng hay khách sạn trên này thì nên thiết kế cho nó hòa hợp với thiên nhiên, theo kiểu “nhà rừng”.
Thi sĩ đỉnh đèo
Từ khi hầm Hải Vân mở ra, đèo ít người qua lại, người buôn bán trở về quê cũ. Những hộ còn trụ lại với đèo phải là người có tình yêu tha thiết với núi rừng Hải Vân. Đỉnh đèo có tất cả 15 hàng quán sơ sài với vài đồ lưu niệm của xứ khác, vài lon nước ngọt, phong kẹo... không đủ mời gọi ai. Ngay sau khi nghe thông tin Đà Nẵng sẽ xây dựng điểm du lịch trên đỉnh đèo, những người bán hàng tụ tập nháo nhác hỏi: “Thật là như thế à? Tốt quá rồi”.
Chợt nhớ, ở đâu đó nơi đỉnh đèo này, có nhà thơ Lại Phiền Hà, chúng tôi tìm ông. Tiếp chúng tôi dưới bóng cây si, “cư sỹ” lãng du nổi tiếng Lại Phiền Hà lại nhìn xa xăm: “Người ta đang cãi nhau vì giành khách kìa. Không khí trong lành, tâm hồn trong sạch đang thiếu quá vì miếng cơm manh áo”.
Phiền Hà kể: "Mình đang làm khu “Vườn Thanh” cho khách tham quan miễn phí. Chỗ ấy có góc nhìn tuyệt đẹp, tha hồ khỏi bị “phiền hà”. Cây cảnh đã trồng được nhiều rồi”. Việc sẽ có điểm du lịch ở đây, nhà thơ bảo, ông đã đoán trước được chuyện này rồi.
Ra về, “cư sỹ” Hải Vân tặng chúng tôi tập thơ: “Mai em về ngắm Hải Vân tỏa sáng/ Đèo mây xanh nhiều những làn xe”.
Hồng Thúy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất