Đại tá Đoàn Hoài Trung: Nghe Đại tướng nói về 'quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời'

05/10/2013 09:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong quãng đời làm báo, Đại tá Đoàn Hoài Trung hiện là Trưởng đại diện Phát thanh - Truyền hình Quân đội tại TP HCM được nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần gặp Đại tướng, ông đều lưu giữ những ấn tượng sâu sắc về phong cách giản dị, trí tuệ minh mẫn và tấm lòng đôn hậu của Người.

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu bài viết của Đại tá về lần gặp gỡ đầu tiên với Đại tướng:

Vị tướng và những người lính

Tôi còn nhớ như in lần gặp đầu tiên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là ngày 5 tháng 1 năm 2004, khi tôi còn đang là phóng viên đại diện báo Phòng không - Không quân tại TP.HCM. Tôi đã đến gặp ông Hoàng Xuân Tùy, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn của mặt trận Điện Biên Phủ để nghe ông kể về những ngày chiến đấu, thì được biết 3 giờ chiều Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ có cuộc gặp mặt với Ban Liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP.HCM. Tôi vội xin phép ông cho được cùng đi gặp mặt. Được ông Tùy đồng ý, tôi sung sướng vô cùng, từ bao lâu nay tôi đã mong ước được gặp Đại tướng. Tôi vội chuẩn bị máy ảnh, máy quay phim để ghi lại hình ảnh buổi gặp mặt. 


Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi đến nhà khách Chính phủ khá sớm và tề chỉnh trong bộ quân phục Phòng không - Không quân. Tưởng là người đến sớm nhất, ai ngờ trong phòng tiếp khách của Đại tướng đã có rất đông các cựu chiến binh ngồi đợi. Chưa đến 3 giờ chiều, Đại tướng xuất hiện cùng phu nhân. Đại tướng hơi gầy, nhưng khỏe. Đại tướng giơ tay chào, các chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa ùa đến vây quanh Đại tướng. Những cái bắt tay nồng ấm, những nụ cười rạng rỡ như làm căn phòng màu xanh ấm lên. Ai cũng muốn đến gần Đại tướng để được chụp ảnh, được chúc sức khỏe Đại tướng. 

Ông Hoàng Xuân Tùy - Trưởng Ban Liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP HCM đã thay mặt anh em tặng Đại tướng bức sơn mài, có chân dung Bác Hồ và trích thơ Tố Hữu:

“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Vinh quang Hồ Chí Minh/ Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi…”.

Rất nhiều hình ảnh của Đại tướng với các cựu chiến binh được tôi ghi lại. Bỗng Đại tướng vẫy tay gọi tôi và nói: “Các đồng chí phóng viên lại đây chụp ảnh với tôi, các đồng chí chụp nhiều cho người khác mà chưa có ảnh cho mình”.

Tôi và anh em phóng viên mừng quá, vội đưa máy ảnh nhờ ông Hoàng Minh Phương, Phó Ban thường trực Ban Liên lạc truyền thống, chụp giúp. Tôi chạy đến bên Đại tướng, các anh em phóng viên truyền hình cũng chạy lại đứng xung quanh Đại tướng để chụp ảnh. Trong lòng tôi lúc đó dâng lên một tình cảm lâng lâng, đây là giây phút hạnh phúc của người phóng viên được đứng bên Đại tướng, vị Tổng chỉ huy đã làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Mọi người ngồi xuống, rồi lần lượt đứng lên tự giới thiệu. Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Trí Việt, nguyên là Chính trị viên một đại đội thuộc đoàn 312  đánh Điện Biên Phủ phát biểu: “Kính thưa anh Văn! Tôi là một trong những người con Nam Bộ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu như ngày đó cứ giữ nguyên phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì chắc là trong chúng tôi ngồi đây sẽ không có mặt nhiều người. Xin được bày tỏ lòng biết ơn trước quyết định sáng suốt thay đổi phương châm và cách đánh chiến dịch của Đại tướng”.

Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh tiếp lời: “Nếu lúc đó anh Văn không quyết định thay đổi phương châm, thì chưa chắc ta đã thắng Pháp năm 1954, cuộc kháng chiến có thể kéo dài hơn. Nhờ có quyết định sáng suốt ấy mà hôm nay chúng ta mới có dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt các cựu chiến binh Điện Biên Phủ ngày 5/1/2004

Đêm trắng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động kể lại: “Đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi. Người đã đi đến quyết định sáng suốt ấy chính là Bác Hồ. Bác đã trao trọng trách cho tôi trước khi lên đường đến Điện Biên Phủ: "Tổng tư lệnh ra mặt trận - Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh".

Ngày 12 tháng 1 năm 1954, tôi đến Sở chỉ huy tiền phương ở hang Thẩm Púa thì khí thế và quyết tâm của anh em trong Bộ chỉ huy chiến dịch lúc đó rất cao, các cán bộ đến gặp tôi đều hân hoan nói cần tranh thủ đánh sớm, đánh nhanh khi địch còn đứng chân chưa vững. Tôi không tán thành phương án đó, nhưng vì đây là ý kiến của đa số các đồng chí trong Đảng ủy, lại được các cố vấn Trung Quốc đồng tình, nên tôi phải tạm thời chấp nhận. Từ đó, gần như đêm nào tôi cũng dậy từ 3 giờ sáng, nắm tình hình địch do trinh sát báo cáo về và tình hình công tác chuẩn bị của ta, đặc biệt là việc kéo pháo bằng người vào trận địa.

Thực tế ngày càng chứng tỏ phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” trong 3 đêm 2 ngày là mạo hiểm, sẽ không tránh khỏi thất bại.

Tôi đã thức trắng đêm 25 tháng 1 năm 1954 để cuối cùng đi đến quyết định thay đổi phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” thành “Đánh chắc, tiến chắc".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện nhiều lần trên nhiều trang bìa sách tạp chí và sách quốc tế, trong đó 3 lần trên tạp chí Times. Lần thứ hai Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên bìa tạp chí Times vào ngày 9/2/1968. Tạp chí Times đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của Đại tướng: "Strike to win, Strike Only when Success is Certain, if it is not, then don't strike". (Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không chắc thắng thì không đánh).

Nói xong, Đại tướng chỉ tay sang phía Đại tá Hoàng Minh Phương:

Đồng chí Phương biết rất rõ việc này, vừa rồi đồng chí ấy có bài viết "Nắm ngải cứu trên đầu đồng chí Tổng tư lệnh” rất tốt trên báo Quân đội nhân dân.

Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên sĩ quan liên lạc giữa Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh, báo cáo: Báo cáo anh! Vừa rồi tôi cùng một số đồng chí có về lại Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, đã tìm được đài quan sát của Sở chỉ huy tại đỉnh núi Pú Đồn và thác nước năm xưa Đại tướng đã cùng Bộ chỉ huy chiến dịch đến chụp ảnh lưu niệm. Năm nay chúng tôi đã bàn nhau, quyết tâm góp sức mình cho lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ xứng đáng với tầm vóc lịch sử của nó.

Đại tướng nhắc nhở: “Phải tổ chức lễ kỷ niệm trong cả nước, bởi vì cả nước lúc đó dồn sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ, cả nước đã chủ động tiến công địch trên các chiến trường phối hợp ở Tây Bắc, Bắc Tây Nguyên, Thượng - Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và khắp các vùng địch tạm chiếm từ đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Liên khu 5, Cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ;  giành thắng lợi cực kỳ to lớn trong Đông Xuân 1953 -1954. Do vậy, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là kỷ niệm thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc sau 9 năm kháng chiến chống Pháp”.

Nói đến đấy, Đại tướng nghẹn ngào, lấy khăn mùi xoa lau nước mắt. Cả căn phòng im phăng phắc, nhưng lòng mọi người tràn đầy xúc động. Im lặng hồi lâu, Đại tướng nói tiếp: “Những ngày ở Sở chỉ huy chiến dịch, mỗi khi nghe tin anh em hy sinh, tôi rất đau lòng, nhưng trước ba quân phải gạt tình cảm để lo chỉ huy chiến trường”.

Cuộc nói chuyện với Đại tướng diễn ra hơn một giờ đồng hồ. Bà Song Ninh, nguyên là diễn viên đoàn văn công Tổng cục Chính trị đã từng hát cho Đại tướng và bộ đội ta ở chiến trường Điện Biên, nay bà lại hát cho Đại tướng nghe bài Tình ca Tây Bắc...

 Lần gặp đầu tiên ấy đầy ắp trong tôi  hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những giọt nước mắt khi nhắc đến sự hy sinh của đồng đội. Ông không chỉ là một vị tướng tài ba mưu lược làm khiếp đảm quân thù mà còn là một vị tướng nhân từ hết lòng yêu thương chiến sĩ, vì ông chính là vị tướng từ nhân dân mà ra. 

Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đoàn Hoài Trung (Đại tá, Nhà văn)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm