'Đại án' 9.000 tỷ tại Ngân hàng Xây dựng: Đề nghị y án sơ thẩm 25 bị cáo

10/01/2017 17:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục Phiên xét xử phúc thẩm vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), ngày 10/1, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 25 bị cáo.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, hậu quả thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam từ những sai phạm của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Án sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ đối với các bị cáo, vì vậy cần giữ nguyên hình phạt.

Đối với kháng cáo của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh), đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo liên quan đến trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn trong vụ án, sửa án sơ thẩm theo hướng thu hồi số tiền ông Danh đã chuyển cho ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) 500 tỷ đồng, bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) hơn 130 tỷ đồng, bà Trần Ngọc Bích (đại diện nhóm Tân Hiệp Phát) 119 tỷ đồng để giao Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, đảm bảo khắc phục hậu quả.


Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/12/2016. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Đối với kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích về việc không đồng ý thu hồi 5.190 tỷ đồng và đề nghị giải chấp 13 sổ tiết kiệm, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng không có cơ sở chấp nhận, đề nghị bác yêu cầu này. Viện Kiểm sát cũng đề nghị cấp phúc thẩm bác các kháng cáo về thu hồi tài sản của bà Quách Kim Chi (vợ ông Danh); bác đề nghị̣ hủy các quyết định khởi tố vụ án đối với Hội đồng quản trị, thành viên trong Hội đồng tín dụng của Ngân hàng Đại Tín và quyết định khởi tố đối với bà Hứa Thị Phấn.

Đáng chú ý, theo đại diện Viện Kiểm sát, trong vụ án này, Trần Ngọc Bích, Trần Quý Thanh cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, sau đó cho Phạm Công Danh vay lại là giúp sức tích cực cho ông Danh rút tiền từ Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Việc cấp sơ thẩm chưa xem xét vai trò đồng phạm của bà Bích, ông Thanh là bỏ lọt hành vi phạm tội.

Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét trách nhiệm của ông Trần Quý Thanh và Trần Ngọc Bích với vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam 5.190 tỷ đồng. Ngoài ra, Viện Kiểm sát kiến nghị cấm xuất cảnh đối với các đối tượng liên quan đã bị khởi tố trong vụ án và các cá nhân đã bị đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tại tòa.

Theo bản án sơ thẩm, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, ông Phạm Công Danh đã mua lại cổ phần của nhóm cổ đông Phú Mỹ và lên nắm quyền kiểm soát, tái cấu trúc Ngân hàng Đại Tín khi đang làm ăn thua lỗ (âm vốn 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế trên 6.000 tỷ đồng) và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Nắm quyền tại ngân hàng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án ( ngày 26/7/2014), dưới sự điều hành của Phạm Công Danh, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã bị âm vốn hơn 18.000 tỷ đồng. Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 30 năm tù giam, tính từ ngày 29/7/2014; buộc bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường hơn 6.000 tỷ đồng cả gốc và lãi cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt các bị cáo Phan Thành Mai 22 năm tù, Mai Hữu Khương 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết 19 năm tù. 32 bị cáo còn lại phạm tội " vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" hoặc "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” lĩnh mức án thấp nhất là 3 năm tù treo (thời gian thử thách 5 năm) đến cao nhất là 9 năm tù giam.

Sau phiên tòa sơ thẩm, 25 trong tổng số 36 bị cáo kháng cáo đối với bản án sơ thẩm và 18 người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Ngày 27/12/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, theo kháng cáo của các bị cáo và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa dự kiến diễn ra đến ngày 25/1/2017.

TTXVN/Nguyễn Chung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm