Đá trời với giá trên trời: coi chừng mắc lừa

07/03/2013 09:41 GMT+7 | Thế giới

Sau vụ thiên thạch rơi xuống Nga ngày 15.2, trên một số trang web nước ngoài và ở Việt Nam đã xuất hiện những lời rao bán các mảnh thiên thạch này với giá từ vài chục đến 16.000 USD/mảnh. Nhiều công dụng bí ẩn được khoác cho những viên “đá trời” này để thổi giá lên cao.

Nhộn nhịp săn tìm, rao bán

Hai viên thiên thạch được một người ở Đồng Nai rao bán trên internet với giá 2 tỉ đồng! Ảnh: CTV

Theo trang tin về vũ trụ space.com, hiện có rất đông nhà sưu tầm thiên thạch đổ về khu vực Chelyabinsk của Nga tìm kiếm các mảnh thiên thạch. “Đây là sự kiện lớn nhất trong thế hệ của chúng ta. Sự kiện này rất thú vị đối với các nhà khoa học, người sưu tầm và may mắn thay, có vẻ sẽ có rất nhiều mảnh vỡ”, nhà kinh doanh đá vũ trụ Michael Farmer ở bang Arizona, Mỹ khẳng định.

Trên một trang mạng ở Nga, một mảnh thiên thạch 2cm được rao bán với giá 500 rúp (khoảng 16,6 USD) trong khi một trang mua bán trực tuyến ở Trung Quốc lại rao bán những mảnh vỡ được cho là từ vụ nổ thiên thạch ở Nga với giá tới 16.000 USD. Một trang web khác ở Anh lại rao bán với giá 6.500 bảng (khoảng 10.000 USD): “Những mảnh vỡ được một vài người bạn Nga của tôi nhặt được, mỗi viên đá nặng 10g”, người bán chia sẻ.

Trên một số trang web ở Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện thông tin bán mảnh vỡ thiên thạch là hàng xách tay từ Nga, cùng một số thiên thạch được cho là từ các vụ nổ trước đây, tuỳ kích cỡ mà có giá từ vài chục triệu đồng đến 2, 3 tỉ!

Trước cơn sốt săn tìm thiên thạch, hiệp hội Thiên thạch Anh và Ireland mới đây đã đưa ra khuyến cáo trên website của mình rằng sẽ có “một vài kẻ bán hàng vô đạo đi khắp nơi rao bán những cục đá trên mặt đất như thiên thạch”.

Nhiều nhà khoa học vũ trụ cũng lưu ý người mua: phần lớn những mảnh thiên thạch đang rao bán trên internet có thể là giả, vì những mảnh thật sẽ có số series do các tổ chức quốc tế chính thức cấp. “Ngay cả khi là những mảnh thật thì cũng nên thận trọng vì thành phần các chất trong thiên thạch có hại cho sức khoẻ hay không vẫn còn nhiều điều chưa được làm rõ”, tiến sĩ Natalie Starkey, nhà hoá học vũ trụ, ở Mỹ nói.


Dễ nhầm với đá tectit

Ông Đặng Tuấn Duy, câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết hiện ở một số tiệm kim hoàn và gian hàng trưng bày ngọc và đá quý của Việt Nam có rất nhiều loại đá được giới thiệu thiên thạch, thực ra là đá tektite (tectit). Do nhầm lẫn giữa tectit và thiên thạch, cộng thêm sự thổi phồng của một số người nên đã xảy ra một số vụ lừa bán “ngọc thiên thạch” với giá trị rất lớn, từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỉ đồng.

Ông Duy nói: “Có một số tài liệu trên internet cho rằng đá tectit chính là thiên thạch, nhưng sự thật thì đây là hai loại hoàn toàn khác nhau về tính chất và nguồn gốc. Tectit được sự đồng thuận của các nhà khoa học rằng chúng có nguồn gốc từ trên chính hành tinh chúng ta”.

Hiệp hội Thiên thạch Anh và Ireland khuyên người mua chỉ nên mua mảnh vỡ thiên thạch ở những địa chỉ có uy tín, chẳng hạn như hiệp hội Các nhà sưu tập thiên thạch quốc tế. Tiến sĩ Natalie Starkey nói: “Cách duy nhất để đảm bảo chắc chắn là phải nhìn mẫu vật dưới kính hiển vi. Hình dáng bên ngoài là một dấu hiệu tốt cho biết đó có thể là một thiên thạch, nhưng như thế vẫn chưa đủ, vẫn cần có giám định khoa học”.

Chỉ có giá trị khoa học

Theo GS.TSKH địa chất Phan Trường Thị, nguyên giảng viên khoa Địa chất đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào cho thấy thiên thạch có bất kỳ ý nghĩa nào về mặt sức khoẻ như nhiều người lầm tưởng rồi bỏ số tiền lớn ra mua về, tất cả đều là đồn thổi. “Việt Nam hiện chỉ có hai mẫu thiên thạch trưng bày ở viện Bảo tàng địa chất tại Hà Nội được tìm thấy vào năm 1924. Từ đó đến nay, chưa ai tìm thấy bất kỳ viên thiên thạch nào, do đó người Việt Nam nên cẩn thận khi nghe lời rao bán”, bà Thị nói.

Theo ông Duy, ở Việt Nam tectit có thể tìm thấy ở một số nơi như Cao Bằng, Yên Bái, nhất là vùng Lâm Đồng với số lượng khá nhiều. Các viên tectit này được bán với giá vài trăm ngàn đồng/kg, viên lớn thì mắc hơn.

“Kể cả có là thiên thạch đến từ ngoài trái đất thì cũng chỉ là các vật thể tự nhiên. Chúng chỉ có giá trị với giới khoa học vì mang một số ý nghĩa nhất định về địa chất – vũ trụ học, là vật chứng quan trọng góp phần nghiên cứu sự hình thành và phát triển của hệ mặt trời hoặc tìm kiếm dấu hiệu của nước, hoặc các điều kiện lý hoá của một hành tinh, chứ không hề mang năng lượng vũ trụ, chữa bệnh hay trừ tà... như các lời thổi phồng chủ ý đẩy giá lên tới hàng tỉ đồng bán cho những ai nhẹ dạ cả tin”, ông Duy lưu ý.

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm