Cửu vạn chợ đêm (Kỳ 1)

30/08/2009 08:37 GMT+7 | Thế giới

Công việc vốn không của đàn bà

0h, đã bước sang ngày mới, những bước chân vội vã, tiếng í ới gọi nhau của dân “cửu vạn” chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM đã vang lên xua tan sương lạnh. Những giọt mồ hôi lăn dài trên trán mấy chị bốc xếp thuê, đủ biết mức độ công việc nặng nhọc của họ. Những người phụ nữ ấy đang phải gồng mình mưu sinh, lấy đêm tối làm ngày.

Cuộc sống của bóng đêm

Chợ đầu mối Thủ Đức vào lúc 20h tối, khung cảnh xung quanh còn khá tĩnh lặng đối với một chợ “chuyên” về đêm. Dọc hai bên lề đường, những chiếc xe chở hàng đến sớm đang “thoải mái” nghỉ ngơi sau chặng đường dài và được các bác tài “de, đậu” trật tự theo một hàng thẳng tắp. Trong chợ rải rác khắp nơi, từng nhóm bốc xếp ngồi tụ họp “tán gẫu” với nhau về chuyện đời, chuyện nghề và đủ mọi thứ chuyện để giết thời gian, chờ đến giờ làm việc, thường bắt đầu từ 21h30. Và một số người lại tranh thủ “đánh một giấc” trên cái giường dã chiến là chiếc xe đẩy, mặc cho sương lạnh, muỗi chích.

Chị Lâm Ngọc Hương, người hơn 20 năm trong nghề bốc xếp


Chúng tôi lân la đến bắt chuyện với một chị ngồi trên chiếc xe đẩy với hai càng bóng loáng nước “xi” do được bàn tay cầm nắm lâu ngày. Chị đang loay hoay lau chùi đôi ủng cao su của mình, sau phần chào hỏi, biết chúng tôi là phóng viên nên có lẽ câu chuyện đời, chuyện nghề của chị cũng dễ dàng bộc bạch.

Chị tên là Nguyễn Thị Thủy, quê ở Tiền Giang, chị làm bốc vác hàng khi mới 18 tuổi. Chị bùi ngùi kể lại: “Chẳng thể trả lời vì sao lại đến với nghề này nữa. Mà tôi chỉ biết rằng, nhà nghèo, kiếm tiền để sống và ngót nghét hơn 20 năm theo nghề này. Chồng tôi cũng là bốc xếp của hàng Đơn Dương”. Hai vợ  chồng làm nghề bốc xếp, nhà có 2 đứa con, đứa lớn 17 tuổi, đứa nhỏ 14 tuổi. Cả 2 con đều đang đi học, đối với chị việc lo cho con cái ăn học là quan trọng nhất. Chị Thủy tâm sự: “Có những lúc, cả 2 vợ chồng đều bệnh nhưng đứng trước áp lực tiền học, tiền trường của 2 đứa nhỏ và tiền ăn, tiền ở của gia đình, đành phải cố sức mà làm”.

Xe hàng đã về, chị Thủy chào chúng tôi để bắt đầu công việc bốc xếp của mình. Chị nhanh chân ùa vào nhóm người bốc xếp theo thứ tự mà cò (người ghi số lượng hàng bốc vào chợ) lần lượt đẩy hàng vào cho chủ. Trong tổ bốc xếp của chị Thủy, cũng có mấy chị cùng trạc tuổi trung tuần như chị. Mỗi người mỗi hoàn cảnh,  có chị thì nặng gánh nuôi con 1 mình vì nhiều lý do khác nhau, có chị thì kín kẽ, im lặng không muốn nói về mình và chỉ cố làm tròn công việc nhưng chúng tôi nhận ra các chị đều có một nét tương đồng: Đối với các chị, đã từ lâu, đêm là cuộc sống của mình!
       
Nặng nhọc với nghề

Bước chân thoăn thoắt, nhanh nhẹn đằng sau là chiếc xe đẩy chồng chất hàng hóa với trọng lượng hơn 200kg, những công nhân bốc xếp ghì chặt đôi tay vào cần xe đẩy và kéo thật nhanh vào trong chợ. Mỗi đêm, mỗi công nhân bốc xếp kéo từ 8 đến 10 tấn hàng. Thật kỳ lạ, chị em phụ nữ ở đây làm việc chẳng thua kém gì những gã đàn ông khỏe mạnh.

Hàng được bốc xếp chuyển từ xe vào trong vựa


Đêm chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Thủ Đức, thật bất ngờ khi thấy có chị bụng mang dạ chửa mà vẫn kéo hàng như bao người khác. Nghề dạy nghề, trong cái nghề bốc xếp này, qua tìm hiểu của chúng tôi, không phải chỉ có sức khỏe mới có thể đẩy được một lượng hàng với trọng lượng lớn. Mà cần phải có tư thế đúng thì mới có thể kéo đi được, chị Lâm Ngọc Hương, theo nghề này trên 20 năm kể: “Những ngày đầu tham gia đội bốc xếp không còn nhớ bao lần tôi bị xe đẩy hàng nhấc bổng người lên, chiếc tay cầm của xe đập vào mặt, vào ngực, gãy tay trong lúc làm việc. Đó là tai nạn thường xảy ra của những người làm nghề bốc xếp như chúng tôi. Khó khăn nhất đối với cánh phụ nữ là vì công việc quá nặng nhọc, một đêm phải di chuyển trên dưới 50 lần đẩy hàng nên về đến nhà cả thắt lưng bị đau nhức, người mệt mỏi. Tuy có vất vả nhưng vì cuộc sống miếng cơm, manh áo thì phải cố gắng để làm”.

Chồng chị trước đây cũng làm nghề bốc xếp, sau này đi theo xe tải nên thường xuyên vắng nhà. Chỉ còn lại chị và con gái ở trong căn nhà nhỏ tại Q.1, TP.HCM cách chợ đầu mối Thủ Đức gần 30 km. Có những đêm đi làm, nhìn thấy những gia đình đầm ấm, quây quần bên nhau mà lòng chị “quặn” lại. Chị Hương tâm sự: “Tôi và chồng tôi đến với nhau cũng từ cái nghề này. Bây giờ chỉ còn mình tôi bám trụ lại, âu thì cũng là cái nghiệp rồi. Mỗi đêm trước khi đi làm, tôi gửi con gái sang nhà bà ngoại để yên tâm hơn”.

Tò mò, chúng tôi xin chị cho nâng thử xe đẩy, vừa cố sức nâng lên chưa kịp ghìm tay thì 2 cần xe đẩy đã bật tung lên cao do trọng lượng của hàng quá lớn. Suýt nữa 2 cánh tay bị bẻ ngược. Mấy công nhân bốc xếp được một trận cười nghiêng ngả.

2h sáng, trời lạnh, âm thanh vọng ra từ chợ đầu mối Thủ Đức vẫn sôi động, tiếng bước chân huỳnh huỵch, tiếng nói cười, la hét, những vựa trái cây sáng choang ánh đèn, tiếng gõ lốc cốc của người bán hủ tiếu mì, các xe hàng vẫn nhanh chóng ra, vào đề “xả” hàng xuống vựa. Biết bao những mảnh đời bám víu vào ngôi chợ này để mưu sinh cho cuộc sống. Bên cạnh những công nhân bốc xếp “chính quy” của chợ còn có những công nhân bốc xếp tự do và còn có những mảnh đời khác bám chợ.

(Kỳ 2: Nghề "hot" về đêm)

Phan Vũ – Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm