Còn bỡ ngỡ với phân làn giao thông

22/09/2011 09:47 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Bắt đầu từ ngày 20/9, Hà Nội thực hiện phân làn xe thí điểm hai tuyến đường: phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu. Đây là lần thứ tư Hà Nội tổ chức phân làn giao thông, ba lần trước đó là vào năm 2003 trên tuyến Kim Mã, năm 2006 trên tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt và đường Giải Phóng năm 2009. Tuy nhiên cả ba lần trên đều không thành công. Liệu lần này có đi vào vết xe đổ của những lần phân làn đường trước đó.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, việc phân làn đường sẽ được thực hiện trên năm tuyến phố trung tâm là: Kim Mã, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Bà Triệu và phố Huế - Hàng Bài. Các tuyến phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu sẽ được thực hiện trước, các tuyến phố còn lại sẽ triển khai trong những ngày sau đó.

Tại mỗi ngã tư, ngã ba không chỉ có biển báo chỉ dẫn, dải phân cách mà thanh tra giao thông cũng trực tiếp đứng đường hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng phần đường của mình.

Người dân còn bỡ ngỡ

Có mặt tại tuyến phố Bà Triệu vào sáng 21/9, trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quốc Cường, thanh tra giao thông quận Hoàn Kiếm cho biết: “So với ngày đầu tiên thì ý thức chấp hành của người dân tốt hơn. Không còn tình trạng lộn xộn, xâm lấn làn đường giữa các phương tiện”.

Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn còn khá bỡ ngỡ với những vạch sơn và biển chỉ dẫn mới. Việc chấp hành chỉ được thực hiện tốt khi có bóng dáng của lực lượng chức năng tại chốt đường có dải phân cách nhưng chưa đầy 200m sau đó, tình trạng lại hết sức lộn xộn. Xe ô tô, xe máy “vô tư” đi lấn đường của nhau. Một số xe buýt vẫn ngang nhiên chèn ép các phương tiện giao thông khác.

Người dân vẫn lúng túng với các biển chỉ dẫn phân làn đường (ảnh chụp tại phố Bà Triệu)

Đặc biệt là tại chốt giao thông 26 Hàng Bài (đoạn gần trường THCS Trưng Vương) mật độ lưu lượng giao thông lớn, khoảng cách hai làn đường lại hẹp nên thường xuyên xảy ra ách tắc. Lực lượng chức năng dù cố gắng hướng dẫn phân làn nhưng việc vi phạm, xâm lấn đường vẫn tái diễn liên tục.

Anh Nguyễn Văn Hiệp, người dân sống ở khu vực này cho biết: “Vào mỗi giờ tan tầm, học sinh lại ùa ra, đứng hết dưới lòng đường dành cho ô tô. Thêm vào đó, xe buýt lại dừng, đón trả khách tại làn đường bên phải - làn đường dành cho xe máy nên việc xâm lấn làn đường, lộn xộn và ách tắc tại đây liên tục xảy ra”.

Tại chốt 60 Bà Triệu, đoạn gần ngã ba Hàm Long, tuy mặt đường ở đây thông thoáng hơn nhưng việc chấp hành đúng làn đường theo quy định cũng hết sức khó khăn. Chị Bùi Thị Thủy (nhân viên bán hàng trên đường Bà Triệu) cho biết: “Từ biển báo chia làn đường đến ngã ba Hàm Long chỉ cách nhau chưa đầy 300m, chính vì thế khi các xe sang đường lại gây ra cảnh hỗn loạn, xe máy đi sang đường ô tô và ngược lại”.

Hầu hết trên các tuyến đường thực hiện phân làn đều tập trung nhiều nút giao cắt nên các phương tiện mỗi khi sang đường phải mở rộng vòng cua điều này rất dễ xảy ra va chạm nếu chủ phương tiện không chú ý. Việc dừng xe, đỗ xe và lấn chiếm lòng đường vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến cho việc lưu thông gặp nhiều cản trở.

Chưa xử phạt

Theo ông Nguyễn Sơn thuộc đội thanh tra giao thông quận Hoàn Kiếm tại chốt giao thông trên phố Hàng Bài: “Việc phân làn đường là điều cần thiết, vào những ngày đầu việc người dân gặp bỡ ngỡ là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hướng dẫn người dân đi đúng làn đường của mình, trong thời gian đầu chúng tôi chỉ dừng ở việc nhắc nhở, tuyên truyền để hình thành thói quen cho người tham gia giao thông, sau đó mới tính đến việc áp dụng xử lý hành chính với những trường hợp vi phạm”.

Cũng theo ông Sơn, đề án phân làn giao thông lần này có khả thi hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chấp hành của người dân.

Trao đổi với chúng tôi TS Khuất Việt Hùng (Chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT - Đại học GTVT) cho biết: “Nhìn từ khía cạnh chuyên môn, tôi cho rằng không thể áp dụng một giải pháp cho tất cả mọi đoạn đường mà cần có giải pháp phù hợp với chức năng của tuyến và đặc thù của từng dòng phương tiện.

Đối với những tuyến đường có tần suất xe buýt lớn, việc áp dụng phân làn vạch sơn mà không điều chỉnh vị trí trạm dừng xe buýt là điều hết sức khó khăn vì việc dừng, đỗ, ra vào trạm sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện xe máy.

Mặt khác với việc sử dụng diện tích đất giao thông như hiện nay thì đề án phân làn này rất khó thành công. Sử dụng đất quá manh mún, mặt phố đồng thời lại là cửa hàng, nhà ở. Trong khi đó lại không có khu dừng đỗ xe cho ô tô ra vào.

Nếu áp dụng phương pháp phân làn này thì chúng ta cần phải thực hiện tốt việc chỉ dẫn giao thông, phân làn, rẽ, quay đầu xe... có phần đường dành cho mỗi hướng.

Theo quan điểm của tôi, để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội, trước mắt chúng ta cần hạn chế sử dụng ô tô cá nhân. Về lâu dài, thì việc điều chỉnh cấu trúc sử dụng đất đô thị, vận tải công cộng và quản lý tốt nhu cầu phương tiện giao thông cá nhân của người dân”.

Hà Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm