Có thể quản lý rủi ro động đất!

23/05/2008 17:25 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH)- Mặc dù cho đến nay, thiệt hại về người do động đất gây ra tại nước ta là không đáng kể so với thiệt hại do các thiên tai khác như bão, lụt, hoả hoạn, v.v… gây ra, song sẽ thật là sai lầm nếu coi nhẹ các hiểm hoạ động đất.

Vấn đề thời sự cấp bách

Một số đô thị lớn và các khu công nghiệp của Việt Nam hiện nay đang nằm trên những khu vực có độ nhạy cảm cao trước những rung động địa chấn. Ngoài thủ đô Hà Nội (hiện đang nằm trên vùng được dự báo phải chịu đựng chấn động cấp 8), các khu vực dân cư và các công trình lớn của đất nước tại Tây Bắc như Điện Biên, Tuần Giáo, Lai Châu, Sơn La, v.v… có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8-9 trong tương lai. Đà Nẵng, Dung Quất và một số khu vực đô thị của miền Trung nước ta cũng nằm trong vùng có thể chịu ảnh hưởng chấn động động đất tới cấp 7.

Như vậy, có thể thấy đối với Hà Nội, TP.HCM, và cả nước nói chung vấn đề quản lý rủi ro động đất cần được đặt ra một cách chính thức, được triển khai rộng rãi và càng sớm càng tốt. Để làm tốt công việc này, trước mắt cần gấp rút triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ theo định hướng đánh giá rủi ro động đất cho các khu vực đô thị thuộc địa bàn thành phố, nhằm đưa ra các giải pháp tốt và thiết thực cho vấn đề quản lý rủi ro.


TS Nguyễn Hồng Phương (người đứng giữa)


Cần nhấn mạnh rằng, việc hoạch định và đầu tư cho các chiến lược giảm nhẹ thiệt hại do động đất gây ra đang trở thành một vấn đề thời sự rất cấp bách tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Quan trọng hơn, các chiến lược này cần phải được hoạch định và thực hiện ngay khi động đất chưa xảy ra, nếu không muốn phải trả giá hơn rất nhiều lần cho các hoạt động ứng cứu trong quá trình xảy ra động đất hay các hoạt động tái thiết và phục hồi sau động đất.

* Đối phó như thế nào?

Các kết quả của đề tài nghiên cứu rủi ro động đất ở Hà Nội, mặc dù mới ở mức độ thử nghiệm, nhưng cũng đã khẳng định một thực tế đáng lo ngại về mức độ thiệt hại mà cộng đồng đô thị sẽ phải gánh chịu nếu có động đất xảy ra ở Hà nội. Để có những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại do động đất tại Hà nội, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

Trước mắt, Hà Nội cần có những chính sách cụ thể để hướng dẫn và hỗ trợ các hoạt động của cộng đồng đô thị nhằm đối phó với sự cố động đất trong hai thời kỳ: trước và sau khi xảy ra động đất.

1. Những biện pháp áp dụng trước khi xảy ra động đất có thể kể ra bao gồm:
- Xây dựng các chiến lược giảm nhẹ tổn thất do động đất gây ra cho cộng đồng : các chiến lược này có thể bao gồm kế hoạch khôi phục lại những nhà cửa đổ nát do động đất, soạn thảo và ra các quy định về việc sử dụng đất thích hợp trong các vùng nhạy cảm động đất (trượt đất, hoá lỏng nền đất), thành lập và hiệu chỉnh các quy phạm kháng chấn trong xây dựng, v.v...;

- Lập kế hoạch đối phó với những sự cố bất ngờ chẳng hạn xác định những đường giao thông dự phòng trong trường hợp gián đoạn do động đất, tổ chức các diễn tập, các khoá huấn luyện về các biện pháp phòng ngừa động đất hay ứng cứu những nạn nhân động đất;

- Dự đoán trước tính chất và quy mô của các hoạt động ứng cứu và phục hồi bao gồm việc xác định các khu vực sơ tán, các dịch vụ y tế cần thiết, xác định mức độ ưu tiên đối với hệ thống cấp thoát nước trong quá trình khôi phục các khu dân cư, v.v...

2. Những biện pháp áp dụng sau khi xảy ra động đất bao gồm:

Xây dựng các Dự án đánh giá tác động kinh tế để thu hút các nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và quốc tế căn cứ vào những thiệt hại kinh tế trực tiếp do động đất gây ra đối với cộng đồng;
Thúc đẩy những hoạt động cứu hộ khẩn cấp bao gồm các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân, phát hiện và chữa trị kịp thời những người bị thương, cung cấp nơi trú ẩn cho những người bị nạn, kiểm soát và dập tắt hoả hoạn sau động đất, sửa chữa khẩn cấp các hệ thống đường ống thiết yếu phục vụ dân sinh;
Vạch các kế hoạch tái thiết dài hạn bao gồm các mục tiêu tái thiết dài hạn, các kế hoạch phát triển kinh tế đa ngành thích hợp cho toàn thành phố, xác định các nhu cầu thiết yếu về nhà ở, áp dụng các điều luật và quy định về kế hoạch hoá và sử dụng đất, v.v...

* Đưa động đất vào chiến lược quản lý đô thị

Cần xây dựng và sớm triển khai thực hiện một Chương trình quản lý rủi ro và giảm nhẹ thiệt hại do động đất gây ra cho thành phố Hà nội trên cơ sở sử dụng các kết quả đánh giá độ rủi ro động đất. Mục đích chính của Chương trình là giúp cho cộng đồng đô thị có sự chuẩn bị sẵn sàng và có khả năng đối phó với hiểm họa động đất ở nhiều mức độ khác nhau, từ việc loại trừ, giảm nhẹ, chuyển đổi đến đón nhận rủi ro. Chương trình này phải được thực hiện lâu dài trong toàn bộ chiến lược quản lý đô thị của Thành phố và trong tương lai sẽ được áp dụng mở rộng cho phạm vi quốc gia. Muốn vậy, cần phải chú trọng vào những việc như:

- Nâng cao kiến thức về giảm nhẹ thiệt hại do động đất và chất lượng các ứng dụng thực tiễn. Chương trình hỗ trợ các nghiên cứu chuyên sâu của các viện nghiên cứu quốc gia và các tổ chức tư nhân để khắc phục những thiếu hụt về kiến thức và tạo cơ sở kỹ thuật cho các văn bản hướng dẫn trước tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng, kiểm định và nâng cấp. Chương trình cũng hỗ trợ những sự trao đổi thông tin nhằm nâng cao ý thức về sự phát triển của công nghệ giảm thiểu thiệt hại do động đất ở trong và ngoài nước.

- Hỗ trợ những nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chuẩn, các quy phạm kháng chấn và nâng cấp các ứng dụng về thiết kế và xây dựng công trình. Chương trình hỗ trợ các nghiên cứu sửa đổi định kỳ các tiêu chuẩn xây dựng và quy phạm kháng chấn. Chương trình cũng hỗ trợ những nghiên cứu sau khi động đất xảy ra để bổ sung những dữ liệu về thiệt hại nhà cửa và thương vong do động đất ở nước ta.

- Cập nhật, hiệu chỉnh và xuất bản tập bản đồ độ nguy hiểm động đất cho lãnh thổ Việt Nam và khu vực Biển Đông. Kết hợp cả các số liệu thực và các phương pháp xác suất trong việc thành lập bản đồ. Xây dựng tập bản đồ độ nguy hiểm động đất cho các quận và thành phố Hà Nội.
 
TS địa chất Nguyễn Hồng Phương
Nguyễn Mỹ (lược ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm