Chuyện Vũ Công Lập: Một người của Tương Dương

30/03/2013 15:20 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tương Dương là huyện miền núi, nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, giáp với Lào. Cứ nghĩ rằng xa, nhưng hóa ra rất gần. Dẫu còn nhiều vất vả, nhưng phong cảnh thật đẹp. Đặc biệt, chúng ta có thể gặp nơi đây những người rất yêu mảnh đất quê hương của mình. Một trong những con người đó là ông Lương Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy.

Tương Dương trở nên gần gũi hơn chính là nhờ đường Hồ Chí Minh. Chạy một mạch thẳng từ Hà Nội, mất khoảng 5-6 giờ ô tô là đã tới nơi. Gần hơn nhiều so với trước đây, nếu chạy qua Vinh, vì từ Vinh lên đến Tương Dương cũng mất khoảng 200 cây số. Đã gần, đường lại tương đối thoáng đãng, và phong cảnh rất đẹp.

Cuối năm 2011, đi một vòng các tỉnh miền núi phía Bắc, từ Hà Giang vượt Quản Bạ qua Đồng Văn, ghé Cao Bằng rồi xuôi Bắc Cạn về Hà Nội, được đứng dưới cột cờ Lũng Cú, được qua cao nguyên đá Đồng Văn, thấy cái hùng vĩ của Mã Pì Lèng và thưởng thức cái bao la của hồ Ba Bể, những cảm xúc của chuyến đi ấy thật thiêng liêng. Đi Tương Dương lần này cũng vậy, dẫu chưa có nhiều địa danh nổi tiếng, nhưng gặp cảnh và gặp người đều là những ấn tượng không thể quên. Sao trong bản đồ du lịch còn chưa có chuyến đi nào về đây?

Huyện vùng xa

Tương Dương là đất đồng rừng. Thắng cảnh nổi tiếng nhất là rừng xăng lẻ (bằng lăng), một khu rừng nguyên sinh hiếm hoi nằm ngay ven đường quốc lộ, trải dài 2 km, diện tích 60 ha. Dưới tán cây xăng lẻ là những bụi sa nhân, một loại cây thuốc quý nhiều công dụng, quả mọc từ gốc, lá hái về tắm cho trẻ sốt phát ban hết sức linh nghiệm. Đứng dưới những cây bằng lăng thân trắng và thẳng, mọc cao vút, tay cầm một bó sa nhân, ông Lương Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương ao ước: “Nếu phát triển thêm về giao thông, dịch vụ và tuyển chọn thêm những thắng cảng khác, chắc sẽ có nhiều người đến với Tương Dương”. Nhiều người đến thì sẽ không còn vắng vẻ, là có du lịch và có cả đầu tư, tiền đề cho sự phát triển.


Bí thư Huyện ủy Tương Dương, ông Lương Thanh Hải

Những câu chuyện về Tương Dương, ông Hải có rất nhiều, nhất là những câu chuyện liên quan đến lịch sử và truyền thống. Những số liệu về Tương Dương ông cũng thuộc lầu lầu, nói hàng giờ không chán, và khi ông nói đến những số liệu đó, bao giờ cũng thấy hiện lên cuộc sống thực của người dân huyện nhà. Dân ở đây cũng mê bóng đá lắm, trận Sông Lam Nghệ An hòa Sài Gòn FC trên sân Thống Nhất 2-2, các bạn Tương Dương thỉnh thoảng lại gọi điện vào, vì dù xem tường thuật trên tivi, nhưng vẫn muốn nghe thêm lời bình luận bên ngoài về đội bóng của mình, họ hồi hộp vì đội nhà bị dẫn 1-2 cho tới phút 90 và muốn nghe những lời trấn an.

Thế nhưng, khi hỏi Tương Dương có phát triển bóng đá không, thì ông Hải nhẹ nhàng lắc đầu: “Cả huyện có 281.626 ha, rừng đặc dụng chiếm 50.000 ha (trong đó có rừng xăng lẻ), rừng phòng hộ cỡ 104.000 ha, khoảng 100.000 là rừng sản xuất. Cả huyện chỉ có 680 ha ruộng nước. Nhìn chung là thiếu đất bằng”. Vì vậy không phát triển bóng đá mạnh mẽ được, nhưng bù lại, thể thao ở Tương Dương không tồi: Họ có đội bóng chuyền là vô địch Nghệ An năm 2011. Sân bóng chuyền ở đây khá nhiều, có những sân làm đẹp như sân quần vợt ở Hà Nội, trang bị cả đèn để có thể đánh đêm. Phát triển thể thao cũng như phát triển kinh tế, phải tùy theo điều kiện cụ thể, và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể tạo ra sức mạnh.


Rừng cây xăng lẻ - rừng nguyên sinh ngay bên đường quốc lộ

Phụ trách Văn phòng Tương Dương là anh Quang Văn Đặng, tốt nghiệp Đại học TDTT khóa 31, và anh học chuyên về bóng chuyền. Không có gì ngẫu nhiên cả.

Huyện miền núi Tương Dương có một loài cây đang được tìm kiếm rất nhiều hiện nay: Cây báng. Khác với những cây báng đầu tiên tìm ra ở Hòa Bình hay vùng đất Sơn Tây cũ, báng Tương Dương mọc khá tập trung. Tháng 3/2012, Huyện ủy và UBND huyện Tương Dương đã thu thập và cung tiến về Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) 185 cây báng rất khỏe để trồng quanh lăng mộ các vua nhà Lý. Trên đường đi quanh huyện thăm các vùng có nhiều cây báng, Bí thư Lương Thanh Hải kể tiếp câu chuyện về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, về công thần Đoàn Nhữ Hài, những người đã mở mang và bảo vệ bờ cõi nước Việt ngay trên mảnh đất này. Nghe chuyện mà cứ như cảm thấy xấu hổ, vì có quá nhiều điều thuộc về lịch sử của mình mà mình không biết.

Chiều sâu lịch sử

Ông Hải kể: “Chúng tôi vẫn nói với nhau: Lý Nhật Quang là Chủ tịch tỉnh đầu tiên của Nghệ An, bởi năm 1041 ông được Lý Thái Tông phong làm Tri châu ở mảnh đất này. Ông là hoàng tử thứ tám của Lý Thái Tổ, nhưng là hoàng tử đầu tiên sinh ở kinh thành Thăng Long. Cùng với hoàng tử thứ ba và thứ năm, ông được điều vào xứ Nghệ, chuẩn bị căn cứ, tích lũy lương thảo, luyện binh rèn chí để mở rộng bờ cõi, giữ vững biên cương. Lý Nhật Quang được phong Uy Minh Vương, vừa là nhà quân sự, chính trị và kinh tế. Sau ông mất ở Đô Lương, và đền thờ chính ở đấy gọi là đền Quả.

Ở Tương Dương, Lý Nhật Quang có công chiêu dân, lập ấp, phát triển kinh tế, dân tình nhiều thế hệ đều thờ phụng ông”. Sách viết rằng, Uy Minh Vương đã đạt đến “tầm cỡ một nhà chiến lược, vừa an dân, vừa tạo dựng tiềm năng, thế mạnh để giữ vững bờ cõi”. Năm 1057, Lý Nhật Quang tạ thế. Hiện nay ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa có hơn 50 đền thờ ông. Đền thờ ở huyện Tương Dương nằm ven dòng sông Lam.


Trồng báng ở lăng vua nhà Lý

Với cây báng, với đền thờ Uy Minh Vương, Tương Dương có sự gắn bó mật thiết với Đền Đô, với lăng vua nhà Lý, với Đình Bảng. Hôm về thăm đất tổ nhà Lý, sau khi khi dự lễ dâng hương, trồng và tưới cây, ông Lương Thanh Hải đã nói với cụ Nguyễn Thạc Kim, Phó Ban quản lý Đền Đô: “Chúng tôi ở xa, không thể thường xuyên tưới tắm, chăm sóc cho cây mới trồng. Vậy xin nhờ các cụ trông nom giúp, để cây lên khỏe, sau này thành công viên, thành rừng, để con cháu chúng ta xứng đáng với các bậc tiền nhân”. Một kế hoạch khác nữa ông Hải: Nhân dịp lễ tạ ơn Bụt vào ngày 19- 21 tháng giêng năm Qúy Tỵ 2013, Tương Dương sẽ lại tiến cây báng về trồng ở đền Quả (Đô Lương), đền thờ chính của Lý Nhật Quang.

Tương Dương cũng là nơi khởi nguồn của sông Lam, dòng sông tượng trưng cho cả Nghệ An. Ở vùng này (cửa Rào) có một doi đất đặc biệt, ở đó hai con sông Nậm Nơn và Nậm Mổ nhập lại làm một, và dòng sông hòa chung đó chính là sông Lam. Trên mảnh đất yên tĩnh và độc đáo này có đền Vạn, nơi thờ công thần Đoàn Nhữ Hài (1280-1335). Đoàn Nhữ Hài làm quan 3 triều vua Trần (Nhân Tông, Anh Tông và Minh Tông), là danh thần và danh tướng, hy sinh trong cuộc chiến với quân Ai Lao năm 1335.

Hiện nay huyện Tương Dương tổ chức lễ hội hàng năm vào ngày 21 tháng Giêng (âm lịch) ở đền Vạn. Vào dịp này, có bắc một cây cầu bằng tre, làm đúng theo bức ảnh Võ An Ninh chụp năm 1938, khi vua Bảo Đại thời đó ra viếng đền. Đấy cũng là một phong tục, một truyền thống độc đáo của mảnh đất này, nơi có rừng, có sông, có đền thờ mang đậm dấu ấn lịch sử. Và trên mảnh đất ấy, có những con người của ngày hôm nay.

Người Tương Dương

Huyện Tương Dương có nhà máy thủy điện Bản Vẽ, lớn nhất khu vực Bắc Miền Trung hiện nay. Hồ chức nước có dung tích 1,9 tỷ m3, dài tới 80 km nhưng rất hẹp nên nhìn sâu hun hút như một dòng sông. Ống dẫn nước từ hồ đổ vào tua-bin có chiều dài tới 700m. Nhà máy có công suất 320 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 160 MW. Người Tương Dương tự hào về Bản Vẽ, một công trình được thi công bằng công nghệ hiện đại bậc nhất, nghe nói là cùng công nghệ với thủy điện Sơn La.

Ông Lương Thanh Hải    
Sinh năm 1962
Tốt nghiệp Đại học năm 1983, Thạc sĩ năm 2000, ngành Toán.
Tốt nghiệp lớp A20 cao cấp lý luận chính trị, HV CTQG HCM (2003-2004)
Công tác tại ngành giáo dục: Giảng dạy 1983-1992, Phòng Giáo dục 1992-2001
2001-2009: Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch huyện
Từ 2009 đến nay: Bí thư Huyện ủy Tương Dương, Nghệ An.

Đứng trên mặt đập chắn nước cao 205m, Bí thư Lương Thanh Hải trầm ngâm: “Các anh có ít thời gian nên mới chỉ thăm được vùng trung tâm, chứ chưa đến được vùng xa. Tiền đề phát triển thì có rồi, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều lắm. Nhân dân, nhất là trẻ em còn vất vả lắm”. Tương Dương thuộc số 62 huyện nghèo của cả nước. Dân số cỡ 70.000 người, đa phần là người Thái, phân bố thưa thớt (7 người/km2). Trong 13 xã, có tới 3 xã chưa có đường ô tô, chưa có điện và điện thoại. Cả huyện hiện chỉ có 2 trường phổ thông trung học, nên các em học hành rất vất vả. Đường lên trường huyện trung bình là hơn 30 km, nơi xa nhất lên đến 140 km. Để vượt hẳn lên còn là một chặng đường dài.

Bản thân gia đình ông Hải gắn bó với Tương Dương từ nhiều đời nay. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm Thái Nguyên, ông trở về Tương Dương công tác: 9 năm làm giáo viên, 9 năm sau công tác tại Phòng Giáo dục, rồi chuyển qua làm lãnh đạo huyện, đi học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh rồi về làm Bí thư Huyện ủy. Gắn bó với đất đai, quen thuộc với con người, ông tâm sự: “Khi còn công tác, có thể đi đây đi đó tùy theo điều động của tổ chức, nhưng khi nghỉ ngơi rồi, nhất định tôi về sống ở mảnh đất Tương Dương”. Nhiều cán bộ Tương Dương nay về công tác ở Mặt trận Tổ Quốc hay Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, khi gặp nói chuyện vui trong kỳ nghỉ cuối tuần về quê, cũng đều khẳng định sự trở về như vậy.

Tương Dương hiện nay có một đội ngũ cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản. Ngoài ông Hải, anh Đặng đã nói ở trên, còn có chị Lò Thị Hướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, chị Lục Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ, đã học xong Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn... Họ đều rất trẻ, tươi tắn, và “chúng tôi đều là học sinh của thầy Hải hồi ngồi trên ghế nhà trường ở Tương Dương”. Khi kết lại một khối, họ tạo nên đội hình của huyện miền núi Tương Dương ngày hôm nay. Chắc bí thư Lương Thanh Hải gặp nhiều thuận lợi, vì ông bắt đầu từ công tác đào tạo con người.

Đến Tương Dương chỉ một ngày mà đã hiểu đất, hiểu người nơi đây đến mức ra về thấy nhớ, và thầm mong sớm được quay trở lại. Đấy là may gặp được những con người của Tương Dương, như ông Lương Thanh Hải và các anh các chị khác, những người thực sự thuộc về mảnh đất này.

Vũ Công Lập

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm