Chuyện về hai người lính tuổi “thất thập” hát từ chiến tranh tới hòa bình

13/06/2011 11:02 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong chương trình Ẩm thực kháng chiến diễn ra vào ngày 7/6 vừa qua, có hai ông lão mặc bộ quân phục đã bạc màu, say sưa hát những bài hát cách mạng và giới thiệu cho nhiều du khách, các bạn trẻ những món ăn của bộ đội ta khi “trèo đèo, lội suối”.

Chúng tôi gặp ông Mai Thanh Sơn (77 tuổi) và Lê Kỳ Quang (78 tuổi) tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3, TP.HCM đúng lúc hai ông đang hòa âm, phối khí một bài hát trong chương trình văn nghệ thường xuyên cho các em học sinh của nhà trường. Được biết, ông Quang đang mắc căn bệnh ung thư và nhiều năm qua luôn phải xạ trị. Nhưng bệnh tật không khuất phục được niềm đam mê ca hát của ông.

Gian khổ mà vui

Khi nhắc đến những năm tháng chống Mỹ cứu nước, bác Sơn, mái tóc bạc phơ, dáng người phốp pháp, cười lớn và nói: “Vào năm 1954, chúng tôi công tác tại đoàn văn công của Sư đoàn 330 tại tỉnh Thanh Hóa. Nói tóm lại, nơi đâu có bộ đội là nơi đó có tiếng đàn, tiếng hát của chúng tôi”.


Ông Quang (bên trái) thể hiện hát bài Anh bộ đội là đẹp hơn cả


Bác Sơn cao hứng: “Nói về chương trình Ẩm thực kháng chiến, bảo tàng mời 2 bác đến tham gia là coi như trúng... “tủ”. Ngoài món ăn “cá lóc nướng trui”, 2 bác ca hát đến khi hết chương trình. Có người nói, “chà, sao 2 ông lão này sung quá cỡ”! Đó là chất của người lính cụ Hồ mà”.

Rồi họ say sưa kể về những ngày tháng mà đoàn văn công chia thành những tốp nhỏ để đến các binh đoàn trên khắp chiến trường ác liệt phục vụ chiến sĩ. Ông Quang hồi tưởng lại: “Hai chúng tôi cùng anh em đi khắp chiến trường, trên vai đeo khẩu súng AK và vác cây đàn guitar, mandolin hoặc banjolin. Còn ngay thắt lưng, là nồi niêu, xoong, chảo các loại và sau lưng là chiếc ba lô và anh lính nào cũng phải làm anh nuôi cả”.

“Đồ hộp, gạo mà đơn vị cấp không đủ cho những chuyến hành quân dài ngày trên rừng Trường Sơn, thế nhưng củ chụp, củ mài, măng rừng, đủ loại rau rừng, cua, cá suối... luôn là “người bạn” đồng hành của chúng tôi trên đường ra mặt trận. Tuy gian khổ nhưng làm đời lính vui lắm, tôi còn nhớ khi anh em đi qua con suối bắt được vài con cua, con cá, mọi người đều chờ đến chiều khi màn sương dày đặc thì bắt đầu đốt lửa nướng cá kiểu bộ đội, để máy bay địch không phát hiện khói từ bếp lửa” - Ông Quang kể.

Ông Sơn lại tiếp lời: “Thế mới có món ăn “cá lóc nướng trui” trong chương trình Ẩm thực kháng chiến chứ. Nhưng cá lóc nướng trui cũng chỉ là tái tạo lại thôi, làm sao bằng món “cá lóc suối nướng” được, thịt cá chắc, ngọt, vảy cá dày, ngon thơm ngào ngạt. Nói chung là bắt được con nào, làm món nướng luôn tiện lợi nhất trong lúc ấy. Nhưng thiếu nhất, thèm nhất là 2 món: thuốc lá Tam Đảo và nước trà, chúng tôi lấy lá rừng phơi khô để hút thay thuốc lá, lấy lá cây sim rừng phơi khô thay vì lá chè. Thời ấy, lúc nào trong thùng đàn banjolin cũng có bộ ấm trà, khi nào cần cứ mở mặt thùng đàn và lấy ra sử dụng thôi. Ngoài ra, bác vẫn còn giữ những cái muôi để xào thức ăn mà bác làm từ xác vỏ máy bay địch”.


Chiếc áo mưa bộ đội và những cái muôi làm từ xác máy bay Mỹ


Sẽ hát cho đến khi không còn sức nữa

Hai người cựu quân nhân say sưa kể chúng tôi nghe, dù có gian khổ đến bao nhiêu đi chăng nữa nhưng thực sự trong suy nghĩ của những người lính cụ Hồ không bao giờ “ngán” điều đó. Nhưng lúc buồn đau nhất khi chứng kiến những đồng đội của mình hi sinh bởi bom đạn của quân thù. Những người chiến sĩ văn công như tuy không trực tiếp đối đầu với kẻ thù bằng súng đạn, nhưng các bác cũng đánh đồn giặc bằng tiếng hát của mình. Ông Quang kể: “Năm bác 16 tuổi, còn ở Tiểu đoàn 410 ở Cần Thơ từ năm 1950, bác đánh đồn giặc bằng cách hát cho các anh bộ đội nghe để hun đúc tinh thần chiến đấu”.

Ngày ấy, theo hai ông Quang, Sơn thì các chiến sĩ giải phóng thích nhất là bài Anh bộ đội là đẹp hơn cả, ông Sơn thì đệm đàn mandolin, ông Quang hát. Kể dứt lời, ông Quang hát cho chúng tôi nghe chính bài hát đó, tuy đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng giọng hát vẫn toát lên sự mạnh mẽ, hào sảng của người lính cụ Hồ.

Sau giải phóng, ông Sơn chuyển về Sở Giao thông Vận tải TP.HCM làm việc, ông Quang về làm cho Nhà hát Trần Hữu Trang và vẫn theo nghiệp văn công. “Tuy bác về làm ở Sở Giao thông Vận tải nhưng bác vẫn yêu ca hát. Vào năm 1997, các bác gom lại được vài chục người đã từng công tác tại đoàn văn công để thành lập cựu văn công Sư đoàn 330. Sau đó các bác đi đến các đơn vị để hát cho các chiến sĩ nghe” - Ông Sơn tâm sự.

Nói về căn bệnh ung thư đang mang trong người, ông Quang khảng khái: “Tôi vẫn thường được các trường học mời để nói chuyện và hát cho các cháu học sinh nghe về thời chiến đấu oanh liệt. Chỉ còn có sức lực thì tôi vẫn còn hát để cống hiến cho cuộc đời thêm tươi đẹp”.

Khi chia tay chung tôi, ông Sơn nói về ước mơ lớn nhất của mình lúc này: “Bác đã từng nói với bác Quang, tôi chuẩn bị dàn âm thanh, đàn guitar và một chiếc mô tô, 2 anh em mình đi đến nhiều vùng sâu, vùng xa để hát cho đồng bào mình nghe”.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm