Chuyện những quả bom “độn giấy”

28/03/2013 07:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm trưng bày hàng trăm quả bom các loại. Mỗi quả bom mang một số phận và “kể” những câu chuyện khác nhau của nước Việt thời hậu chiến. Đặc biệt, có những quả bom mang thông điệp hòa bình của người Mỹ. Đó là những quả bom được những công nhân sản xuất thay thuốc nổ bằng giấy để không quân Mỹ rải ở những cánh rừng Trường Sơn.

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4/4), triển lãm Khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh, vì cuộc sống bình yên đã được tổ chức tại Bảo tàng Công binh (290, Lạc Long Quân, Hà Nội) từ 25/3 tới 5/4/2013.

Triển lãm... bom

Dù vẫn biết những quả bom đã rút hết chất gây nổ, song khách tham quan không khỏi rợn người. Hàng trăm hiện vật gồm những vỏ bom đen trùi trũi xếp lừng lững khắp căn phòng. “Những gì các bạn đang xem chỉ là phần nhỏ. Trong số những trái bom chúng tôi rà phá được, có những trái còn khủng khiếp hơn nhiều”- Thiếu úy Phạm Nguyễn Điệp, hướng dẫn viên của triển lãm nói.

Triển lãm được bố cục theo 5 chủ đề chính: Thảm họa bom mìn trong và sau chiến tranh; Hoạt động rà phá và xử lý bom mìn; Các chủng loại bom mìn, vật nổ; Hoạt động tuyên truyền, giáo dục về hiểm họa bom mìn và cách phòng tránh; Hợp tác quốc tế để khắc phục hậu quả bom mình trong chiến tranh.

Thiếu úy Phạm Nguyễn Điệp kể câu chuyện về quả bom lớn nhất còn sót lại sau chiến tranh

Trung tâm của phòng triển lãm là hàng chục trái bom xếp thành hình “siêu pháo đài bay” B-52 (phương tiện rải bom chủ yếu của không lực Hoa Kỳ). Trong đó, quả bom to nhất được xếp làm đầu B-52 nặng tới 6 tấn.

“Cho đến thời điểm hiện tại, đây là quả bom lớn nhất còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam. Nhiệm vụ của nó là dùng để phát quang. Một trái bom này có thể thiêu rụi 10 hecta rừng. Chúng tôi tìm thấy và rà phá được nó tại Gia Lai năm 2004. Quả bom ngoại cỡ khiến anh em công binh phải suy tính rất lâu và làm theo cách không truyền thống để xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho người dân”- Thiếu úy Điệp chia sẻ.

Theo những thông tin từ Bảo tàng Công binh, để có được những hiện vật trong triển lãm này, nhiều người đã phải hy sinh một phần thân thể và cả tính mạng mình.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ sau chiến tranh đến năm 2000, cả nước đã có hơn 100.000 người bị chết và bị thương do bom, mìn sót lại sau chiến tranh (bình quân mỗi năm khoảng 4.000 người). Còn trong quá trình trực tiếp chủ động rà phá bom mìn, vật liệu nổ, 4.178 người đã bị thương, 997 người đã hy sinh.

“Chuyện thần tiên” từ những trái bom

Tuy nhiên, rà phá bom mìn không chỉ có chết chóc. Vào một chiều Hè nắng chói trong cánh rừng Trường Sơn thâm u, các chiến sĩ công binh phát hiện ra một vệt bom chưa nổ. Như thường lệ, họ cẩn thận tháo ngòi nổ, chậm rãi rút ngòi nổ để bom không còn khả năng kích hoạt. Nhưng đến công đoạn rút chất nổ, điều kỳ lạ đã xảy ra. Trong những quả bom chỉ có toàn giấy và bìa cát tông.

Theo giải thích của thiếu úy Phạm Nguyễn Điệp, nhiều người Mỹ không muốn chiến tranh, kể cả những người sản xuất bom. Nên khi sản xuất, họ đã lén thay chất nổ bằng giấy báo vụn, bìa cát tông để bom không gây sát thương. Và có lẽ, để đánh tráo trót lọt được vậy, phải có sự đồng thuận ngầm của cả một hệ thống từ công nhân sản xuất tới những người kiểm định. Và khi những quả bom này rơi trên đất Việt Nam, nó chẳng gây hại cho ai.

Bên cạnh “câu chuyện thần tiên” về những quả bom “độn giấy”, còn có những câu chuyện diệu kỳ khác trong việc hồi sinh những vùng đất chết được nhắc lại trong triển lãm. Cụ thể, tính đến năm 2005, diện tích đất đai đã được các lực lượng dò tìm và xử lý hết bom mìn, vật nổ là hơn 44 vạn km2. Theo số liệu lưu trữ tại Bộ tư lệnh Công binh, các lực lượng vũ trang đã dò được khoảng 1 vạn tấn bom đạn, chiếm khoảng 15- 20% số bom mìn vật nổ chưa nổ. Diện tích đất đai đã được dò tìm và xử lý hết bom mìn, vật nổ, chiếm khoảng 5,9 % diện tích đất đai còn bom mình, vật nổ.

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với 80% số lượng bom chưa nổ vẫn tồn tại đâu đó trên dải đất hình chữ S này. Và hơn 90% diện tích đất đai còn vương sót bom mìn, vật nổ vẫn là những vùng đất mà con người luôn phải “sống trong sợ hãi”.  

“Để giải quyết được hết hoàn toàn số bom mìn và vật liệu nổ này, chúng ta cần hàng trăm năm nữa”- Thiếu úy Điệp chia sẻ tại triển lãm.

Hàng trăm năm, sẽ còn nhiều những mất mát, khổ đau để phủ xanh những chiến địa xưa. Nhưng cũng còn đó những “câu chuyện thần tiên” khác vẫn ủ kín trong những trái bom nơi cánh rừng đại ngàn đang chờ con người khai phá và viết tiếp. 

“Việt Nam không đơn độc”

Đó là lời khẳng định của nhiều du khách quốc tế khi đến thăm triển lãm Khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh, vì cuộc sống bình yên. Và trên thực tế, quốc tế cũng hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc rà phá bom mìn sau chiến tranh. Cụ thể, năm 1998 Chính phủ Đức đã tài trợ 600.000 USD cho công tác tháo dỡ bom mình và tái định cư cho các hộ gia đình sống trong vùng có bom mìn ở Quảng Trị. Tổng giá trị các khoản viện trợ nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ cho việc rà phá bom mìn ở Việt Nam là 7.775.920 USD. Chính phủ Nhật hỗ trợ các thiết bị rà phá trị giá 11,2 triệu USD….


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm