Chuyện làng cụ Bá Kiến

08/01/2014 10:12 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sau “Làng Vũ Đại ngày ấy” lên phim, người dân làng của Chí Phèo, Thị Nở, của lão Hạc, cụ Bá Kiến phần nào đổi khác. Kinh tế khá giả hơn, biết làm du lịch hơn nhưng cũng có phần mệt mỏi hơn bởi cái tiếng cụ Bá để lại.

"Phá" du lịch vì cái tiếng cụ Bá

Căn nhà còn lại của cụ Bá Kiến nằm sâu bên trong làng Vũ Đại. Không lớn và hoành tráng như bạn có thể tưởng tượng về một con người có tiếng giàu có, căn nhà nhỏ hơn rất nhiều những ngôi nhà cổ mà bạn có thể bắt gặp ở các làng quê Bắc bộ. Đón khách luôn là một người phụ nữ đã đứng tuổi, người nhận chăm nom di tích còn lại cuối cùng trong câu chuyện Làng Vũ Đại ngày ấy mà mọi người vẫn hay kể.

Thực ra thì chẳng mấy người thích cái cách mà người phụ nữ đó được đào tạo để kể lại chuyện đời cụ Bá bởi nó cũng đều đều, trầm trầm như bao câu chuyện khác người ta vẫn nghe ở các khu di tích. Chỉ khi cái giọng trầm trầm đó dừng lại, sự sôi nổi của bà mới trở lại và đó mới là những câu chuyện không có trong sách được kể.

“Anh có thấy cái biển di tích nhà cụ Bá đổ nghiêng đổ ngả ở đầu ngõ không?  Có người phá đấy. Cơ bản thì chả ai có liên quan đến cụ Bá muốn cái di tích này tồn tại vì nó gắn liền với cái tiếng áp bức dân nghèo. Ấy vậy nên cứ có cuộc họp nào về du lịch, về cái chuyện làng Vũ Đại... thì quay đi quay lại chả còn mấy ai liên quan đến nhà cụ ngồi dự”, bà Xuân kể.

Ngay cả cái nhà còn lại này của cụ Bá, người ta cũng không muốn ai vào thăm dù nó chẳng còn là sở hữu riêng của người nhà cụ Bá. Sau khi có quyết định biến căn nhà cuối cùng này thành điểm thăm quan, phía Sở VH, TTDL tỉnh đã bỏ ra hơn 700 triệu để mua lại và biến nó thành sở hữu Nhà nước. Thế nhưng đó chưa phải là khoản tiền cuối cùng. Cứ thi thoảng bà Xuân lại phải mua cái khoá mới, sửa lại cái cổng, viết lại tên biển hướng dẫn… vì chả biết ai cứ nhỏ keo vào ổ khoá, xoá chữ ở biển hướng dẫn, đạp đổ hết cái này đến cái khác.

“Tôi nào có tiền công xá gì đâu. Khách đến thăm quan nghe tôi kể chuyện, hướng dẫn... thì cho đồng nào hay đồng đó. Thỉnh thoảng lại có người mua ủng hộ nồi cá kho. Thế mà tiền cứ phải bỏ ra để làm những việc lặt vặt kia cũng mệt lắm” -  bà Xuân chia sẻ.

Chợt nói đến cái nồi cá kho, bà Xuân tự hào, mình là người bán cá kho rẻ nhất ở làng này. Có người bán giá 600-700.000 đồng. Riêng bà chỉ bán 400.000 đồng/niêu. “Tôi chỉ bán nhỏ lẻ cho khách đến thăm nhà cụ Bá kiếm đồng ra đồng vào thôi chứ chả làm giàu được từ nghề kho cá này”, bà nói về cái nghề kho cá vậy.

Giàu nhờ kho cá và... kể chuyện

Làng Vũ Đại 1 tháng trước Tết vẫn khá im lìm. Khói cá kho chỉ thoang thoảng ở vài ngôi nhà có tiếng làm nghề này. Giờ vẫn chưa phải cao điểm mùa làm cá kho của người dân nơi đây.

Mới chỉ nổi tiếng vài năm trở lại đây, món cá trắm đen kho niêu đất của làng Vũ Đại nhanh chóng được cả nước biết đến bởi khá dễ ăn và thuận tiện trong dịp Tết. Xuất phát từ một món ăn thường ngày, người dân làng Vũ Đại bắt đầu bán ra chợ và mở rộng thị trường ra các làng xóm khác.

Nhưng dấu mốc quan trọng nhất cho nghề bán cá của làng xuất phát từ một cậu sinh viên công nghệ, vốn là cháu họ của cụ Nam Cao. Thấy bố mẹ bán vất vả, cậu sinh viên ĐH Công nghệ, con ông Trần Bá Luận lập một website nhỏ, quảng bá trên mạng. Hiệu quả gần như tức thì, chỉ sau 1 tháng, số lượng cá kho niêu đất xuất lên thị trường Hà Nội tăng chóng mặt. Tận dụng lợi thế này, gia đình mở rộng ra thị trường cả nước. Và cho đến thời điểm này, cứ vài ngày, gia đình ông Luận lại xuất vài trăm niêu đi khắp các tỉnh và siêu thị. Với cái giá thấp nhất là 300.000 đồng, cao lên đến 700.000 đồng/niêu, không ít gia đình ở đất này đổi đời nhờ nồi cá kho.

Không chỉ phổ biến được món ăn truyền thống của người dân, gia đình ông Luận cũng bắt kịp thời khi tổ chức cả các chương trình “kể chuyện làng Vũ Đại”. Rất đông đoàn khách đến đây, phần vì mua cá, phần vì muốn nghe những câu chuyện tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết về làng Vũ Đại, về anh Chí, cô Nở, lão Hạc và đặc biệt là về cụ Bá Kiến, người vẫn còn để lại ác cảm với người đọc truyện nói chung và người nông dân nói riêng.

Nhưng những câu chuyện như vậy không hẳn đã là hay khi nó không được một bộ phận người dân làng Vũ Đại chấp nhận, nhất là phía con cháu của cụ Bá. Họ thường lảng tránh những sự kiện văn hoá, những lễ lạt của làng nếu sự kiện đó có liên quan đến “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Và dường như chỉ còn con cháu của cụ Nam Cao, của anh Chí, cô Nở... là hào hứng, là còn sống được nhờ chuyện xưa, tích cũ.

Làng Vũ Đại (Làng Nhân Hậu xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam) nằm cách Hà Nội hơn 100km. Làng ngoài được biết đến bởi được lên phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" mà còn được nhắc nhiều khi phát triển nghề kho cá trắm đen xuất đi cả nước.

Cá kho niêu đất thực tế là một món ăn mùa đông, dạng dự trữ lương thực của bà con nông dân Bắc bộ. Cứ vào mùa lạnh, khi đến mùa giáp hạt, thức ăn không phong phú như mùa khác, lại vướng vào những ngày Tết, người ta thường kho kỹ nồi cá, làm thịt đông, giò chả, bánh trưng... vừa là để ăn Tết, vừa là tiện để được lâu.

Cách kho cá khá đơn giản. Có nơi chỉ chặt to, kho mặn, nêm thêm tiêu, ớt để dễ bảo quản. Có nơi cầu kỳ hơn, lót một lớp giềng, gừng, hoặc dưa chua ở đáy nồi, kho cá thật kỹ với thịt ba chỉ kèm theo một lượng nước xâm xấp. Cá sẽ được kho khoảng 10-12 tiếng với chủ yếu là than của củi và chấu. Nồi cá ngon là phải có miếng cá khô, chắc, thơm mùi giềng, ngậy mùi mỡ, xương cá mềm…

Thực tế món ăn này vẫn được nhiều nông dân Bắc bộ nấu để dùng vào mùa đông. Tuy nhiên họ không coi là đặc sản để bán. Hơn nữa, thời buổi sống gấp, ít người còn nấu được món truyền thống như hiện nay, việc làng Vũ Đại kho cá bán ra cả nước cũng giống như chuyện công chức nhà nước đi làm về ra chợ mua giả cầy nấu sẵn về cho chồng uống rượu mà thôi.

C.M.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm