Chuyện chưa kể nơi hầm chỉ huy

22/12/2012 07:59 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 20/12 vừa qua, di tích Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu, thuộc quần thể khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đã chính thức được mở cửa đón khách tham quan. Khu di tích là nơi họp bàn kế hoạch tác chiến cũng như phát ra những lệnh quan trọng quyết định "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 40 năm trước.

TT&VH xin ghi lại kí ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến- Bộ Tổng tham mưu về những ngày đêm đặc biệt ấy tại căn hầm chỉ huy:

Hà Nội không bất ngờ!

Sau những tiên liệu của Bác Hồ, từ khoảng 5 năm trước khi B-52 vào Hà Nội, ta đã chuyển quân và khí tài vào Vĩnh Linh tập đánh B-52. Ngày 28/6/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với tư lệnh Lê Văn Chi để bàn về hiệp đồng đánh B-52 tại miền Bắc. Ngày 14/11 năm đó, tướng Văn Tiến Dũng tới sở chỉ huy Quân chủng Phòng không Không quân thông qua kế hoạch đánh B-52. Ngày 6/12 một cuộc họp với các địa phương đã được tổ chức về kế hoạch sơ tán người và làm công tác phòng không.

Trong khi đó, Mỹ cùng lúc dùng "liên hoàn kế" hòng khiến ta tin rằng chúng sẽ không dùng B-52 đánh phá miền Bắc: Tổng thống Nixon gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rõ Hiệp định Paris coi như đã hoàn chỉnh, tất cả chỉ chờ các bên đặt bút ký. Kissinger tuyên bố trước công chúng "hòa bình trong tầm tay". Đồng thời, 22/10/1972 Mỹ ngừng ném bom từ cầu Hàm Rồng.  

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, kể về giờ phút xác thực B-52 bị tiêu diệt trên bầu trời Hà Nội

Song kế nghi binh của chúng bất thành. Trong "Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên phủ trên không", ta đoán chính xác được máy bay B-52 đánh Hà Nội trước 36 tiếng. Khoảng 8h ngày 17/12, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã thông báo ra lệnh cho chúng tôi luôn sẵn sàng ở trong tư thế chiến đấu cao. Trưa ngày 18, Bộ Tổng tham mưu nhận được thông tin của quân báo là có máy bay trinh sát của địch đang quần thảo trên bầu trời miền Bắc và máy bay đó có điện báo về căn cứ là: Thời tiết miền Bắc tốt. Đây là một dấu hiệu để ta đoán được rằng địch đang có sự chuẩn bị tấn công ta.

16h ngày 18/12/1972, Cục quân báo, Bộ Tổng tham mưu báo có tin nhiều tốp B-52 đã cất cánh tại sân bay đảo Guam (nằm ngoài khơi Thái Bình Dương). Ngoài ra, trên bầu trời có máy bay địch đang tiến hành quá trình tiếp dầu trên không tại không phận của Philippines. Vì máy bay B-52 từ các căn cứ của Mỹ muốn bay đến Việt Nam thì thường phải tiếp dầu trên không, nên đây là biểu hiện rất rõ ràng rằng máy bay B-52 đang trên đường đến tập kích Hà Nội.

Đến khoảng 16h30' Phó Tổng tham mưu Phùng Chí Tài từ sân bay Gia Lâm đã về sở chỉ huy (dưới chân cột cờ Hà Nội) chỉ thị cho tôi phải "ở lì" tại sở chỉ huy trực. Ông còn thông báo thêm rằng đồng chí Lê Đức Thọ đã về Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với cuộc đàm phán Hiệp định Paris đã bị ngưng lại. Rồi đồng chí Tài khẳng định với tôi: Chắc chắn chúng sẽ đánh Hà Nội!

Đến 18h40', đài radar phòng không tại Nghệ An báo có nhiều tốp B-52 đang bay dọc sông Mekong để tiến ra Bắc. Không còn nghi ngờ gì, Mỹ sẽ dùng B-52 đánh phá miền Bắc.

Sau khi thu thập và phân tích các nguồn tin, ta đã đoán chắc rằng khoảng 19h30' máy bay B-52 sẽ tiến đến Hà Nội. Đúng 19h tôi đã báo Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng xin phép được kéo còi báo động sớm để quân dân Hà Nội chuẩn bị nghênh địch. Tổng Tham mưu trưởng đồng ý. Ngay sau đó, Tổng Tham mưu trưởng sang Ban tác chiến để thông báo và chỉ huy trực tiếp.

Xác B-52 rơi giữa cánh đồng Đông An

Đến 19h10' tôi đã báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã chỉ thị cho tôi sau khi báo động khẩn cấp, phải thường xuyên cập nhật tình hình… Tôi làm nhiệm vụ ấn còi báo động đầu tiên cho Hà Nội. Khi nhận nhiệm vụ, tôi tiến về bức tường bên phải sở chỉ huy, nơi đặt còi báo động. Mướt mải mồ hôi giữa ngày Đông, tôi chạnh nghĩ Hà Nội- thủ đô yêu dấu lại đứng trước một phen thử lửa ngặt nghèo. Chẳng nghĩ ngợi lâu, tôi nhấn mạnh còi báo động. Còi báo động trên nóc tòa nhà Quốc hội tại Ba Đình rền vang như tiếng kèn xung trận. Ngay sau đó, đồng loạt 15 còi báo động cỡ lớn rải khắp thành phố cũng vang lên. Hà Nội đã sẵn sàng.

Tiếng còi báo động vang trước 25 phút là một thành công đầu tiên trong cuộc chiến 12 ngày đêm. Gần nửa tiếng báo động đủ để cho đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn, lực lượng bộ đội tập trung cao độ, sẵn sàng chiến đấu.

Tính bất ngờ có vai trò rất lớn trong các cuộc tập kích bằng không quân. Còn nhớ, chính nước Mỹ bị thiệt hại nặng nề bởi cuộc tập kích bất ngờ, chóng vánh của phát xít Nhật năm 1941 tại Trân Châu Cảng. Cũng lại là Mỹ, bất ngờ dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki cuối thế chiến thứ II (1945), hay năm 1967, Isarel cũng bất ngờ tập kích Ai Cập.... Mỹ ý thức rất cao điều này nên chúng cũng định lặp lại một cuộc dội bom bất ngờ làm tê liệt Hà Nội.

Tuy nhiên, đến 19h45' ngày 18/12/1972, khi B-52 bắt đầu trút bom xuống Hà Nội, thủ đô đã chuẩn bị tất cả đợi giặc.

Rưng rưng nhìn xác B-52

Ngay khi B-52 "ghé" Hà Nội, pháo ta đã đáp trả đỏ trời. Nhưng 10 phút rồi 20 phút trôi qua, bom thù đã dội song chưa có chiếc B-52 nào bị quật ngã. Lòng người như lửa đốt, căn hầm D67 của Bộ Tổng tham mưu lúc đó không khí nặng trịch. Trời lạnh tê mà ai nấy đều vã mồ hôi ngóng tin.

20h18’ vọng quan sát trên cột cờ Hà Nội báo tin gấp: có B-52 rụng rồi. Cháy to lắm, ở hướng Bắc! Căn hầm  D67 đang im ắng bỗng òa lên những thanh âm hạnh phúc. Mọi người ôm chầm lấy nhau sung sướng, nghẹn ngào.

Nhưng cũng ngay sau đó, Bộ Tổng tham mưu cũng chỉ thị không được vội đưa tin. Tất cả phải bình tĩnh chờ xác minh chính xác. Tôi nhận được lệnh phối hợp cùng Quân chủng Phòng không Không quân, chuẩn bị một trực thăng Mi-8 để sáng sớm ngày 19/12 tới khu vực có máy bay rơi để xác minh. Đêm 18 hôm đó dài dằng dặc, chúng tôi đều trằn trọc chờ sáng…

Sáng sớm ngày 19, tôi cùng các đồng chí Phùng Thế Tài, Lê Văn Tri- Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân và đồng chí Lê Tư, Trưởng phòng Quân báo của Quân chủng Phòng không Không quân đến cánh đồng, xã Phù Lỗ (Đông Anh, Hà Nội). Chúng tôi đã thấy hàng trăm bà con vẻ mặt vui mừng, đứng trên xác chiếc máy bay bị rơi. Mất không nhiều thời gian, đập vào mắt chúng tôi là biển hiệu B-52 G. Chúng tôi nhìn chiếc máy bay, rồi bất thần nhìn nhau, rưng rưng niềm vui tột cùng. Vậy là "con ma" B-52 uy hiếp cả thế giới đã thực sự bị đánh gục tại Hà Nội.

Liền sau đó, sáng 19/12, ta tổ chức họp báo quốc tế để thông báo thông tin trên. Đêm 18 ta còn hạ được thêm 2 máy bay B-52 khác nâng tổng số máy bay bị hạ trong ngày đầu của cuộc chiến là 3 chiếc.

Sau đó, chúng ta đã tiêu diệt B-52 thế nào, cả thế giới đều đã biết.

Phạm Mỹ (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm