Chuyện ăn chia phía sau những ê kíp viết sớ thuê ở Hà Nội

28/02/2013 11:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hết chia lô, bán chữ giờ lại đến đấu thầu thuê thầy về bán sớ, và đấy là lý do vì sao người ta thấy ở những lễ hội đầu năm càng ngày càng “chợ”.

Khi những ngày lễ chính đầu năm ở phủ Tây Hồ kết thúc, cũng là lúc thưa dần những dịch vụ ăn theo và những thầy viết sớ cũng dần vắng bóng. Vắng vì hết một mùa lễ hội khách không còn “ăn chơi” nữa, và vắng vì các thầy sớ cũng lại khăn gói về quê, kết thúc một mùa làm thuê cho chủ thầu.

Chuyện đi mướn người bán chữ không còn lạ, giờ đây “có tiền thuê thánh hiền cũng được”. Cứ như thế chữ thánh để đến được với các đền thờ, miếu mạo đã qua không biết bao nhiêu cầu và mỗi cầu lại mỗi giá khác nhau.



Các bàn viết sớ thuê trải dài con đường vào phủ Tây Hồ

Buôn có hội, bán có phường, những người viết sớ giờ đây không đơn lẻ bàn ai người đấy dựng, chỗ ai người đấy giữ nữa. Chuyện viết sớ thuê qui củ hơn, qui củ tới mức người ta có cả một “ê kíp” làm nghề “bán chữ kiếm tiền” này.

Gọi là “ê kíp” kể cũng không ngoa, bởi ở phủ Tây Hồ có hẳn một chủ thầu đứng lên đấu thầu chỗ ăn, chỗ ở và chỗ làm việc cho các thầy, để rồi hợp tác cùng có lợi, chủ thầu bao ăn bao ở, các thây viết sớ ăn phần trăm: “Ở đây có khoảng 20 thầy, năm nay các thầy xuống viết sớ đông hơn mọi năm. Nhà cô phải bỏ ra 30 triệu/năm để thuê chỗ cho các thầy ngồi và mỗi gói thầu có thời hạn 3 năm, hết 3 năm thì lại đấu lại” - cô Liên, chủ thầu cho biết.


Chỗ ở tạm bợ của các thầy được nhà thầu dựng lên

Phần lớn là thầy cao tuổi, đến từ các tỉnh khác nhau và nhiều nhất từ khu vực Hà Tây, ở trong khu túp lều lụp sụp do chủ thầu dựng lên tạm bợ và chớp nhoáng trong tháng ăn chơi, hơn nữa còn để tiết kiệm chi phí. Lễ hội thì thời vụ, các thầy cũng từ thời vụ mà ra, thế nên cũng không có mấy ai hiểu cho sâu cho kín kẽ chữ thánh nhưng vẫn bán chữ như thường.

“Thầy mới học được 2 năm, cũng chưa thạo hết. Mọi năm thầy viết ở chùa Hương, năm nay là năm đầu tiên thầy ngồi ở đây. Mỗi bộ cho 3 ban như thế này giá 60 nghìn, thầy viết thì được hưởng 12 nghìn còn lại là ông Đường chủ thầu” - thầy Lưu vừa viết sớ vừa chia sẻ.


Sớ dâng lên phủ nằm bừa bộn khắp giường

Xét về mặt xã hội thì nghề viết sớ được gọi là nghề tự do, mang tính tự quản. Nhưng cũng chính vì nghề tự do mà người ta nghĩ ra đủ thứ để kiếm lời. Và thế là cứ năm này qua năm khác, cái sự mua chữ nó lại hiển nhiên hơn bao giờ hết, hợp mua vừa bán, để rồi ngày một nhiều những túp lều lụp sụp, những chủ thầu đứng lên kinh doanh chữ thánh và kinh doanh cả thầy sớ, thầy đồ.

Người ta trách, người ta buồn vì những nét đẹp xưa cũ không còn được vẹn nguyên nữa. Nhưng người ta vẫn đấu nhau để được miếng đất kiếm cơm còn những thầy viết sớ, hay những ông đồ họ có tài, có tâm nhưng cũng cần tiền. Mà tiền lại càng cần hơn khi họ cũng chỉ là người đi làm thuê.

Phương Trần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm