Chú Sáu Dân - Người con ưu tú của vùng đất Vĩnh Long

14/06/2008 21:38 GMT+7 | Thế giới

Là người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, trong suốt quá trình 70 năm tham gia cách mạng, chú Sáu Dân (tên gọi thân mật của bà con quê hương Vĩnh Long dành cho đồng chí Võ Văn Kiệt) đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới đất nước. Nay chú Sáu ra đi, để lại tiếc thương cho mọi người, từ cán bộ đương chức đến cán bộ đã nghỉ hưu và những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn ở tận các xã vùng sâu của Vĩnh Long.

Lễ viếng đồng chí Võ Văn Kiệt (Ảnh: TTXVN)
Đồng chí Võ Văn Tuẩn, Phó Bí Thư Huyện Ủy Vũng Liêm ngậm ngùi cho biết: “Cán bộ trong huyện thường xuyên được gặp gỡ, làm việc với chú Sáu, ai cũng học được ở chú phong cách gần gũi, bình dị và quyết đoán. Khi hay tin ông qua đời, anh em cán bộ chủ chốt trong huyện đều khóc!“. Bởi từ đây, Đảng bộ huyện Vũng Liêm sẽ mất đi một người cố vấn tận tâm, chỉ dẫn cho địa phương trong từng việc.
 
Cách đây không lâu, chú Sáu đã cùng cán bộ huyện đi khảo sát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 12/19 xã của huyện. Sau đó, chú trực tiếp góp ý với các địa phương. Chú quan tâm nhiều nhất đến công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế. Với những gợi ý của chú Sáu Dân, các xã đang tạo điều kiện để bà con thoát nghèo bằng các hình thức như phát triển đàn bò, trồng lúa chất lượng cao; vận động bà con tiết kiệm trong chi tiêu để có vốn làm ăn. Riêng hệ thống trường học, trạm y tế ở Vũng Liêm do được quan tâm đầu tư nên đến nay hầu hết đều khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của nhân dân địa phương.

Bà Đào Thị Biểu, một cán bộ đã nghỉ hưu ở tỉnh Vĩnh Long xúc động khóc khi nghe tin chú Sáu mất, vì bà biết chú Sáu từ năm 1964. Suốt quá trình mấy mươi năm qua, bà luôn nể phục chú Sáu về tài năng, ý chí và đức độ của một người lãnh đạo. Bà nhớ nhất là những năm bà là đại biểu Quốc hội của tỉnh, được chú Sáu nhiều lần chân tình chỉ bảo, phân tích cho đoàn đại biểu Vĩnh Long tình hình thế giới, tình hình đất nước và tình hình địa phương. Là người con của quê hương Trung Hiệp huyện Vũng Liêm, chú Sáu là một người con hiếu thảo với gia đình, anh em dòng họ; quan tâm, giúp đỡ hàng xóm, lánh giềng; đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển của quê hương.
 
Chị Đỗ Thị Rượu nhà ở đối diện với nhà chú Sáu tâm sự: Trước đây gia đình chị rất nghèo, mỗi lần về quê chú Sáu đều đến thăm, chỉ vẽ cho chị cách làm ăn. Nhờ vậy mà gia đình chị biết đầu tư cải tạo 4 công vườn tạp, trồng cam, trồng chanh và một số loại rau màu khác để tăng thu nhập, đời sống gia đình ngày càng khá hơn lên. Nay chị đã xây được nhà mái bằng rộng rãi, khang trang. Các hộ dân khác ở ấp Bình Phụng xã Trung Hiệp như hộ bà Hồ Thị Tân, Trần Thị Mỹ, Hồ Văn Lắm đều được chú Sáu ghé thăm và chỉ cách làm ăn mỗi khi về quê và các hộ này đều đã thoát nghèo. Là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhưng khi trò chuyện với dân chú Sáu luôn ân cần, bình dị nên ai cũng thấy chú gần gũi, thân quen. Nay nghe tin chú mất, ở quê nhà, ai cũng bật khóc.

Ông Long Kem, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Cam-pu-chia tại Việt Nam đến viếng đồng chí Võ Văn Kiệt. (Ảnh TTXVN)

Trong lễ viếng chú Sáu tại Hội trường UBND tỉnh, ngày 14/6, dù từ 8 giờ lễ viếng mới bắt đầu, nhưng đông đảo cán bộ, nhân dân, các nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo đã có mặt từ rất sớm chờ đến giờ được vào viếng chú. Chị nông dân Nguyễn Kim Thủy ở tận xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít cũng lặn lội đi cùng cha của mình đến thị xã Vĩnh Long từ sáng chờ được vào viếng chú Sáu Dân. Cha con chị khóc nức nở trước bàn thờ chú Sáu. Trong quyển sổ tang, nhiều người đã bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với chú Sáu- người anh, người chú, người lãnh đạo tài năng, đức độ. Thay mặt cho đoàn đại biểu đến viếng chú Sáu Dân, ông Nguyễn Cao Đạt, Quyền hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long đã viết: “Trường Đại học Cửu Long vô cùng thương tiếc tiễn đưa đồng chí Võ Văn Kiệt, một con người kiệt xuất, có nhiều cống hiến cho dân tộc, cho đất nước. Trường Đại học Cửu Long đặt trên quê hương của đồng chí, nguyện hết sức đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và quê hương Vĩnh Long nói riêng thành công trong sự nghiệp chung. Chúng tôi xin phép tỉnh và gia đình của đồng chí được lập quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài cho sinh viên- học sinh phổ thông trung học nghèo hiếu học của tỉnh, học bổng xin được mang tên Học bổng Võ Văn Kiệt”. Ông Trần Minh Thái, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long viết trong sổ tang: “Đồng chí Phan Văn Hòa (một tên gọi thân mật khác của đồng chí Võ Văn Kiệt)- người đồng chí, người anh, người chú vô cùng kính trọng nhưng rất đỗi thân thiết của anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Đồng chí đã kỳ vọng rất nhiều vào đội ngũ anh em văn nghệ sĩ với mong muốn anh em hãy khắc họa được những nét văn hóa, nghệ thuật của một vùng sông nước miệt vườn Nam Bộ!”

 
Theo TTXVN
 
CÁC TIN LIÊN QUAN:
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm