Chờ trưng bày “thi hài” voi Krông

25/06/2012 14:13 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cái chết bi thảm của voi Krông tưởng như đã được khép lại bằng một kết thúc có hậu- khi Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam quyết định tiếp nhận và trưng bày “thi hài” của chú voi này. Thế nhưng, phương án ấy lại đang gặp khó khăn vì những lý do rất... trời ơi!

Trước đó, ngày 8/6, cái chết của voi Krông đã gây nên nhiều nuối tiếc, cũng như thắc mắc của dư luận về việc chăm sóc động vật tại công viên Thủ Lệ. Kể từ năm 1990, chú voi này đã được đưa về nuôi tại địa chỉ này và trở thành một phần gắn chặt với ký ức của trẻ em Hà Nội trong suốt hơn 20 năm qua. Bởi vậy, với mục đích lưu giữ hình ảnh của voi Krông, quyết định của Bảo tàng Thiên nhiên VN đã nhận về sự hưởng ứng khá tích cực...



Bộ da của voi Krông đang được phơi tại Bảo tàng

Không có chuyện “nướng” 800 triệu đồng

Tại Bảo tàng Thiên nhiên VN, theo ghi nhận của TT&VH, bộ da của voi Krông đang được căng rộng trên một khoảng sân gạch, kèm theo đó là hơn 3 tạ muối và phèn chua được xát đều để làm sạch. Ngoài ra, hơn một tạ xương của Krông cũng đã được lọc và đưa vào phòng xử lý hóa chất để tiệt trùng bằng nhiều công đoạn khác nhau.

Trên lý thuyết, voi Krông khi trưng bày sẽ gồm 2 phần đặt cạnh nhau: khung xương và tiêu bản bằng da nhồi, có hình dạng và kích thước hệt như Krông khi còn sống.

Trao đổi với TT&VH, TS Phạm Văn Lực - Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên VN rất bức xúc trước một số thông tin cho rằng việc “phục chế” tiêu bản voi Krông “ngốn” hết số tiền gần 800 triệu đồng. Theo lời ông, số tiền mà Bảo tàng bỏ ra chưa đầy 1/8 con số này, trong đó chủ yếu nằm ở các khoản xử lý hóa chất và đắp “cốt” cho voi.

“Từ lâu, cách nhồi trấu, nhồi bông không còn được áp dụng bởi những nhược điểm lớn trong khâu bảo quản” - ông Lực giải thích. “Theo cách làm hiện đại, một bộ “khung” bằng chất dẻo chuyên dụng sẽ được đúc bằng kích thước chuẩn của Krông, rồi phần da đã thuộc sẽ được “dán” vào để tạo nên một tiêu bản đẹp và hoàn chỉnh. Tất cả mất khoảng 6 tháng”.

Được biết, theo quy định hiện hành, từ 2007 các vườn thú, tòa án, hải quan, viện kiểm sát, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã... trên toàn quốc có trách nhiệm hợp tác và cung cấp mẫu vật (chết bệnh hoặc bị tịch thu từ những đường dây buôn bán trái phép) cho Bảo tàng Thiên nhiên VN . Ngoài việc tiếp nhận các mẫu vật này, mỗi năm Bảo tàng được cấp 300 triệu đồng cho công tác bảo quản, sưu tầm và chế tác. Tuy nhiên, hiếm khi cơ quan này nhận được những mẫu vật còn hoàn chỉnh như “thi hài” Krông vừa qua.

“Theo nguyên tắc, các động vật chết tại vườn thú đều phải mổ để xác định lý do tử vong trước khi bàn giao. Bởi vậy, rất nhiều xác động vật chuyển tới trụ sở chúng tôi đã bị mổ phanh hoặc cắt rời chân và rất khó dựng tiêu bản” - ông Lực cho biết - “Krông là trường hợp hiếm hoi mà Bảo tàng cùng công viên Thủ Lệ có kế hoạch phối hợp từ trước: chúng tôi trực tiếp mổ xác voi giúp họ theo cách riêng để giữ được bộ da”.



Một tiêu bản voi nhồi đang được Bảo tàng gia công theo hợp đồng với một công ty du lịch

 “Áo gấm” có “đi đêm”?

Đáng nói, hiện phía Bảo tàng Thiên nhiên VN vẫn đang lúng túng trong việc tìm... vị trí đặt tiêu bản voi Krông sau khi hoàn thành. Lý do đơn giản: suốt 8 năm kể từ khi thành lập vào 2006, đơn vị này vẫn chưa hề có đất xây dựng và hiện đang phải “tá túc” trong một dãy văn phòng do Viện Khoa học & Công nghệ VN cho mượn tạm.

“Những tiêu bản động vật không thể đặt ngoài trời. Tuy nhiên, căn phòng có thiết bị chuyên dụng của bảo tàng hiện đang ở tình trạng quá tải và rất khó để đặt một tiêu bản lớn như voi Krông. Bởi vậy, sau khi xử lý bộ da của Krông, rất có thể chúng tôi phải tạm thời bảo quản nó kho và chỉ tiến hành làm tiêu bản sau khi có bảo tàng” - TS Phạm Văn Lực cho biết.

Thực tế, trong một số bài viết trước đây, TT&VH đã nhiều lần nhắc tới “nghịch cảnh” của Bảo tàng Thiên nhiên VN. Trong hơn chục năm (kể từ trước khi chính thức thành lập), đơn vị này được UBND TP Hà Nội cấp đất 3 lần. Và cũng đủ 3 lần, các kế hoạch này lại bị thay đổi vì những lí do liên quan tới quy hoạch. Thậm chí, Bảo tàng hàng năm vẫn phải trả lại cho Nhà nước khoản tiền 1 - 1,5 tỷ đồng được cấp để đo vẽ đất đai xây dựng mặt bằng, xây tường rào... bởi viện không có đất để tiến hành những công việc này.

Không chỉ có voi Krông, hiện Bảo tàng Thiên nhiên VN đang sở hữu một lượng mẫu vật cực kì quý hiếm với hơn 300 thanh ngà voi, hơn 20 sừng tê giác, hàng chục tiêu bản nhồi của hổ, vượn, trĩ, đại bàng... Thế nhưng, bởi chưa có cơ sở hạ tầng, kho tư liệu này vẫn ở trong cảnh “áo gấm đi đêm” và không được mấy người biết tới.

“Chúng tôi đang chờ những thông tin mới nhất về việc được UBND TP. Hà Nội cấp cho 10 đến 15ha đất tại xã Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai). Nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, phía Bảo tàng sẽ lập tức khởi công xây dựng khu trưng bày sinh thái để đón khách tham quan”- ông Lực cho biết thêm.

Có nghĩa, sau khi qua đời,  phải một thời gian rất dài nữa, chú voi Krông mới có thể được “tái sinh” trước cặp mắt du khách?

Chiêu Minh



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm