Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nổi bật trong tuần từ 26-30/8/2013

31/08/2013 09:20 GMT+7 | Thế giới


Trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên; quy định mới về Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; lao động xuất khẩu bỏ trốn bị phạt đến 100 triệu đồng;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 26-30/8/2013.

Trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 52/2013/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ trợ cấp thâm niên trong lương hưu.


Theo đó, đối tượng áp dụng Quyết định này là nhà giáo nghỉ hưu đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Nhà giáo nêu trên được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ 3 điều kiện.

Thứ nhất, có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên.

Thứ hai, nghỉ hưu (kể cả trường hợp chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu) trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011.

Thứ ba, đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp đang tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật bảo  hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Quy định mới về Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

Chính phủ ban hành Nghị định 96/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Tàu cảnh sát biển đa năng DN 2000. Ảnh: QĐND

Theo Nghị định mới ban hành, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam; tôn trọng và tuân thủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về quản lý Nhà nước đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Cũng theo Nghị định, cụm từ "Cục Cảnh sát biển" được thay đổi thành "Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển"; "Cục trưởng Cục Cảnh sát biển" thay đổi thành "Tư lệnh Cảnh sát biển".

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu có hình quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội; kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp và được ghi riêng một mục trong tổng kinh phí hoạt động của Bộ Quốc phòng.

Tư lệnh, Chính ủy, Phó Chính ủy và các Phó Tư lệnh Cảnh sát biển do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nghị định 96/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/10/2013.

Gian lận đo lường trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng đã được Chính phủ ban hành, hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.


Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng phương tiện đo bị sai, bị hỏng hoặc không đạt yêu cầu về đo lường hoặc sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép; tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Đối với một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng chứng chỉ kiểm định (Giấy chứng nhận kiểm định hoặc dấu kiểm định, tem kiểm định) giả mạo; không thực hiện kiểm định phương tiện đo trong thời hạn quy định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; làm thay đổi cấu trúc kỹ thuật, đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo; tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt thiết bị của phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép; hoặc có hành vi gian lận khác về đo lường khi bán xăng dầu thì sẽ bị phạt tiền từ 35-50 triệu đồng.

Lao động xuất khẩu bỏ trốn bị phạt đến 100 triệu đồng.

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.

Ngoài phạt tiền, người lao động vi phạm còn bị buộc phải về nước; cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm hoặc 5 năm...

Quy định mức phạt hành chính về kinh doanh bảo hiểm

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, trong đó quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm với mức phạt lên tới 100 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi giải quyết bồi thường cho khách hàng chậm theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Yêu cầu người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trả thù lao, hay các quyền lợi vật chất khác trái pháp luật trong quá trình giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm; thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.

Đối với hành vi gian dối, giải mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm đã nhận bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì sẽ bị phạt tiền từ 90-100 triệu đồng.

Tổ chức phong trào thi đua chào mừng Đại hội MTTQVN

Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII là sự kiện chính trị quan trọng, là dịp tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi về kinh phí, cơ sở vật chất cùng các điều kiện khác để MTTQ Việt Nam tổ chức tốt Đại hội các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong công tác thông tin đối ngoại; chỉ đạo Đại sứ quán và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tạo điều kiện để kiều bào hướng về Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII.

Đồng thời phối hợp lựa chọn, giới thiệu nhân sự là đại diện kiều bào tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội; coi trọng công tác tuyên truyền trong nước và thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, về MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị ở nước ta, về chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Hỗ trợ di dân, tái định cư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân sẽ xây dựng

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu đất được bố trí tái định cư theo Quy định này, nếu nhận đất ở tái định cư mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận đất ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền bằng với khoản chênh lệch đó.

Quyết định cũng quy định cụ thể đối tượng hỗ trợ, đơn giá, diện tích cho suất tái định cư tối thiểu. Trong đó, diện tích hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu cho hộ gia đình, cá nhân được bố trí 1 nền tái định cư là 200 m2.

Hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư theo quy định mà tự lo chỗ ở (tự nguyện và có cam kết không nhận nền đất tái định cư) thì được hỗ trợ một khoản tiền bằng suất đầu tư hạ tầng tính cho một hộ gia đình tại khu tái định cư tập trung.

Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ (nhiều cặp vợ chồng) cùng chung sống trong căn nhà bị giải tỏa, đủ điều kiện tách hộ hoặc có nhiều hộ gia đình có quyền sử dụng trong một thửa đất ở bị thu hồi, thì mỗi hộ gia đình được giao 1 lô đất có thu tiền tại khu tái định cư do UBND tỉnh Ninh Thuận quy định, phù hợp với quy hoạch tái định cư (không được hưởng hỗ trợ khoản chênh lệch theo quy định).

Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân còn được hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm;...

Xây dựng Đề án đưa Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho tiến hành song song xây dựng 2 Đề án phân loại đô thị Huế và Đề án đưa tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương và cơ chế đặc thù đối với đô thị Thừa Thiên Huế.

Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế.

Đồng thời rà soát, hoàn chỉnh nội dung các Đề án, đề xuất cụ thể về áp dụng cơ chế đặc thù cho việc thành lập đô thị Thừa Thiên Huế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy nhanh các dự án thành phần đảm bảo tiến độ thủy điện Sơn La-Lai Châu.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La-Lai Châu yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thành phần đảm bảo tiến độ dự án thủy điện Sơn La-Lai Châu.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành hồ sơ quyết toán dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La trước ngày 30/6/2014. Đối với dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, cần hoàn thành các hạng mục, dự án thành phần trực tiếp phục vụ sản xuất trong năm 2013; hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng toàn bộ các dự án thành phần trong năm 2014; đồng thời hoàn thành quyết toán Dự án di dân tái định cư trong năm 2015.

Đối với dự án thủy điện Lai Châu, Phó Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành khối lượng công việc, cung cấp thiết bị đáp ứng tiến độ phê duyệt; thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng công trình; lập và phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thực hiện di chuyển các hộ dân đến nơi tái định cư, bảo đảm đáp ứng tiến độ chung của dự án thủy điện Lai Châu.

Xử lý nghiêm việc tập kết, mua bán than trái phép.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cần tập trung giảm tồn kho, bảo đảm việc làm, tiếp tục chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho người lao động cũng như thực hiện tốt công tác bảo đảm môi trường trong sản xuất.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh có liên quan kiểm tra các bãi tập kết, mua bán than trái phép, đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Vinacomin xem xét, tổ chức lại các đầu mối thu mua than trôi, than phát mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, theo hướng giảm đầu mối.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong quy hoạch điện VII đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện rà soát, điều chỉnh vị trí địa điểm nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện, đáp ứng các yêu cầu về môi trường, cảnh quan.

Rút kinh nghiệm việc nắn dòng sông Hồng khi chưa được cấp phép.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thi công công trình nắn dòng chảy sông Hồng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan rút kinh nghiệm trong việc chậm xử lý hồ sơ liên quan đến cấp phép xây dựng công trình trên, bao gồm cả công tác chuẩn bị hồ sơ dự án, phối hợp trong xử lý thủ tục thỏa thuận, cấp phép xây dựng công trình.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội rà soát quy định về thủ tục, quy trình thỏa thuận, cấp phép xây dựng, đảm bảo thuận lợi, thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đồng thời kiểm tra trong quá trình thi công, đảm bảo công trình được thực hiện theo đúng thỏa thuận, giấp phép xây dựng của cấp thẩm quyền, không gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ.

Theo Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm