Chắn voi bằng hàng rào điện

25/04/2012 10:46 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Sự xung đột giữa đàn voi với dân cư sống quanh vùng đệm Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa tỉnh Đồng Nai đã đến mức báo động. Hiện Khu bảo tồn đang chuẩn bị phương án xây dựng hệ thống lưới điện để ngăn voi. Thế nhưng đó có phải là một phương án khả thi về lâu dài?

Khu bảo tồn có tổng diện tích tự nhiên là hơn 100 nghìn ha, voi rừng ở đây đang đứng trước nhiều mối đe dọa như: vùng phân bố bị thu hẹp, sinh cảnh xuống cấp, thiếu thức ăn, các hồ nước và điểm muối khoáng đã bị con người xâm lấn… Những nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng xung đột giữa voi với người.

30km hàng rào điện

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Trưởng phòng BTTN và Hợp tác, Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Hiện nay, ở các Khu bảo tồn tại châu Phi và ngay cả nước láng giềng Campuchia đã áp dụng việc cài đặt các hàng rào điện dùng hệ thống năng lượng mặt trời để xua đuổi các đàn voi rừng về phá hoại mùa màng, đồng thời không làm nguy hại đến đàn voi và đảm bảo ý nghĩa bảo tồn các loài động vật hoang dã, quý hiếm trú ngụ và sinh sống trong các khu rừng thiên nhiên”.

Chính vì vậy, dự án xây dựng hàng rào điện để ngăn chặn sự xung đột giữa người và voi hoang dã là vấn đề cần thiết và mang tính khả thi cao. Nhất là trong tình trạng xung đột ngày càng nghiêm trọng vì quần thể voi rừng ở tỉnh Đồng Nai được đánh giá là quần thể dễ quan sát trong tự nhiên và ngày càng ít thân thiện với con người hơn so với trước đây.


Con voi ngà lệch thường xuyên phá rẫy và không sợ sự xua đuổi của người dân

Theo ông Hảo, hàng rào điện này sẽ dùng nguồn điện thế cao từ 800 - 1000 V/10mA chỉ gây giật, hoảng sợ nhưng không gây chết động vật hoang dã và ngay cả con người do dòng ampe thấp < 12mA. Dọc hàng rào điện sẽ gắn khoảng 1.500 biển báo nguy hiểm và 8 cửa ra vào để lực lượng kiểm lâm và người dân có thể đi lại được.

Theo kế hoạch, dự án hàng rào điện bảo vệ voi dài hơn 30km (gồm 20km hàng rào cố định và 10km hàng rào di động) được xây dựng tại những khu vực thuộc xã Phú Lý, Mã Đà - vùng hoạt động của voi và là nơi có nhiều xung đột giữa người với voi trong thời gian qua.

Tính khả thi ở chỗ, với bản năng của động vật hoang dã nói chung và của loài voi là không đi qua các khu vực đã từng bị điện giật do hàng rào điện ngăn chặn. Do vậy việc áp dụng hàng rào điện chặn hướng voi về phá hoại mùa màng và xung đột với con người là một biện pháp tích cực đang được áp dụng.

Mặt khác, ông Hảo cho biết thêm: “Bảo vệ được các loài động vật hoang dã khác sống trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt không bị tác động của người dân địa phương. Từ đó bảo tồn được nguồn gene tự nhiên phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học của các ngành. Đồng thời, sau khi khu Trung tâm du lịch Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ đi vào hoạt động, khách tham quan sẽ đứng ngoài hàng rào để tận mắt thấy các loài động vật hoang dã sống và sinh hoạt tại ngôi nhà của chúng là Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa tỉnh Đồng Nai”.

Đến nay, dự án đã được tỉnh Đồng Nai cấp toàn bộ kinh phí 9 tỷ đồng để thực hiện và dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành. Hiện dự án này đang trong giai đoạn khảo sát và giải phóng mặt bằng. 

Cây xoài bị voi nhổ tung rễ sau khi ăn trái

Chỉ hiệu quả 10 năm

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa tỉnh Đồng Nai nhìn nhận: “Sự xung đột chỉ bắt nguồn bởi vì chúng đang quay trở về mái nhà xưa mà thôi. Bởi lẽ Khu BTTN là khu rừng có địa hình bằng phẳng và chính là nơi xưa kia quần thể voi Đồng Nai sinh sống. Sự lấn chiếm của con người, chiến tranh… đã đẩy đàn voi phải di trú nơi khác. Ngày nay, cảnh quan Khu BTTN đã ổn định, việc trở về và gây ra sự xung đột với người dân là một điều dễ hiểu”.

Nhưng giải quyết bài toán xung đột này lại hoàn toàn không đơn giản. Ông Hảo cho biết: “Đã từng có phương án di dời đàn voi rừng đi nơi khác, nhưng hoàn toàn thất bại vì nhiều nguyên nhân khác nhau như không có diện tích rừng đủ lớn và phù hợp cho đàn voi sinh sống, kinh phí để di dời một đàn voi là không nhỏ”.

Còn phương án di dân đi ra khỏi vùng voi hoạt động cũng không phải là biện pháp khả thi, vì nhiều nơi trên thế giới đã bị thất bại khi voi luôn mở rộng phạm vi hoạt động đến các địa bàn dân cư, hay nói cách khác vùng hoạt động của voi là khó có thể xác định được giới hạn. Chúng rất thích các nương, rẫy của nông dân bởi đây có nguồn thức ăn phong phú.

Do vậy, ông Trần Văn Mùi, cho biết: “Phương án lưới điện chỉ có hiệu quả 10 năm. Trong thời gian đó, chúng ta phải có phương án tổng thể, đồng bộ để tiếp tục bảo toàn và phát triển quần thể voi. Theo kinh nghiệm ở các nước, chỉ sau một thời gian, những con voi sẽ tìm cách vượt qua hàng rào điện này vì chúng là một loài động vật khôn ngoan”.

Theo ông Mùi, một việc cần làm ngay là lập Dự án “Bảo tồn voi Đồng Nai” từ nay đến năm 2020 do Sở NN & PTNT làm chủ, trong đó có sự hợp tác tích cực của Khu Bảo tồn, Vườn Quốc gia Cát Tiên… Bởi lẽ, sẽ có nhiều hoạt động, dự án cùng triển khai một lúc, lúc ấy dự án lưới điện chỉ là một phần nhỏ trong dự án bảo tồn.

“Do việc triển khai dự án bảo tồn voi chưa thực hiện được vì nhiều vướng mắc, nhưng đứng trước sự xung đột kéo dài và có nguy cơ biến mất những cá thể voi còn lại, chúng tôi đã tách dự án lưới điện để làm trước và đó xem là một giải pháp trước mắt” - Ông Mùi nói.

Hàng rào điện bao bọc xã Phú Lý

30km lưới điện ngăn voi sẽ được bố trí bao bọc toàn bộ xã Phú Lý ngăn với bầy voi trong khu bảo tồn. Hệ thống điện sẽ được thiết kế làm 9 trạm cung cấp điện qua tấm pin năng lượng mặt trời, sử dụng bộ kích điện từ bình 12V. Nguồn điện này sẽ chạy qua các dây kẽm được bố trí cách mặt đất 70cm đến 2,5m. Khi voi chạm vào các dây điện này sẽ bị giật bắn ra, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng của chúng cũng như con người.

Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm