Cay đắng những người phải sống cùng... nước cống giữa Ba Đình

12/03/2015 14:10 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Thời tiết Hà Nội trong gần một tuần trở lại đây trở nên khó chịu, mưa phùn rả rích gần như suốt ngày, khiến bầu không khí đặc hơi nước, còn đường sá thì lầy bùn, dấp dính. Nhưng tại một số nhà thuộc quận trung tâm của Hà Nội, mọi thứ còn kinh khủng hơn nhiều trong tiết trời khó chịu này.

Đó là tình cảnh của 12 hộ dân với 60 nhân khẩu sống tại khu dân cư có chung số nhà 146 Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội).

Câu chuyện của những hộ dân này không có gì mới, bởi nếu truy cập Google và gõ “146 Quán Thánh” thì sẽ thu được rất nhiều kết quả về việc nước cống dềnh lên khắp sân, tràn vào nhà dân, gây mất vệ sinh nghiêm trọng, dù những người dân đang sống chung với nước cống thường nhật này ở một trong những quận trọng điểm của Hà Nội. Đây quả thực là một sự “nổi tiếng” mà chẳng người dân nào mong muốn!

Nước cồng dềnh lên, kéo theo rác rưởi bao vây các căn hộ. Ảnh: Trung Hiếu

Cái mới với họ lúc này có lẽ là sau rất nhiều nỗ lực của báo chí, của chính quyền cơ sở, thì họ vẫn tiếp tục phải sống với… nước cống. Tính tới giờ là đã gần 600 ngày, những người dân tại đây phải “sống cùng nước cống”. Và khi cả Hà Nội ẩm ướt, ủ dột vì tiết trời mưa phùn không dứt, 60 nhân khẩu ở số 146 Quán Thánh lại càng thấm thía hơn nỗi khổ kéo dài từ cuối tháng 7/2013 cho đến nay của họ.

Bước chân tới khu dân cư số 146 Quán Thánh, tôi giật mình khi ngay từ đầu ngõ, mùi hôi thối đã tấn công dữ dội. Vào tới nơi thì quả thực kinh hoàng, mọi thứ đều ướt lép nhép, từ sàn nhà cho tới những cục gạch, tấm ván bắc cầu, nhưng kinh hãi nhất phải kể tới khoảnh nước cống đang dềnh lên, chực chờ liếm gọn đoạn cầu “tự chế”.

Có lẽ vì thế mà “phong cách thời trang” của những người dân nơi đây cũng rất đặc trưng, ai bước ra khỏi nhà cũng phải “xắn móng lợn”, kẻo “giẫm phải quần mà trượt xuống nước cống thì... khỏi nghĩ nữa”, như lời cô Trần Thị Oanh, một người dân đang ngày ngày “chiến đấu” với nước cống - chia sẻ.

Nhưng có lẽ chẳng cần phải nghe bà Oanh ca thán, chỉ một lần đứng trên những tấm ván để chứng kiến dòng nước cống đen ngòm quẩn quanh các căn hộ, người ta mới hiểu thái độ bức xúc của người dân vẫn là…rất kiềm chế.

Khu bếp bị phá hủy bởi không khí ẩm thấp và nước cống bao vây nên không sử dụng được nữa. Ảnh: Trung Hiếu

Theo lời chia sẻ của bà Oanh và cụ Nguyễn Thị Tư (86 tuổi), thì số nhà 146 Quán Thánh trước đây là một khu biệt thự do người Pháp xây. Sau đó, nơi đây mới được phân thành các căn hộ để người dân ở, và tất cả đều có chung một số nhà. Mọi sự diễn ra bình thường trong suốt 60 năm cụ Tư sống tại đây, nhưng sự bất thường bắt đầu từ cuối tháng 7/2013, khi “hộ gia đình nhà ông Nguyễn Xuân Minh chuyển về, bít đường cống của cả khu, từ đó, nước thải của mọi nhà chẳng đổ được đi đâu, ứ lại, dềnh lên như thế này. Vào ngày mưa nhỏ thì nó lập lờ như thế, chứ mưa to thì đổ hết cả vào nhà!” (lời chia sẻ của cô Oanh và cụ Tư).

Thấy có người lạ đứng hỏi chuyện, ông Trần Đình Tuấn (chồng bà Oanh) chạy ra. Và khi biết về mục đích của tôi khi tới đây, chú... lắc đầu quầy quậy bởi “không biết bao nhiêu phản ánh” mà mọi sự vẫn như vậy.

Ông Tuấn dẫn tôi đi theo hệ thống ván cầu “tự chế” vào sâu phía trong. Càng vào trong, nước cống càng dềnh lên, có chỗ đặc quánh, đen ngòm bùn, có chỗ loãng ngoẹt thì nổi lềnh phềnh rác rưởi, xác ruồi muỗi... Cụ Tư kể: “Nhà tôi kín mọi bề đều phải chăng lưới, để chống ruồi muỗi. Vào ngày không mưa thì ruồi muỗi nhiều kinh khủng, vơ tay cũng được cả nắm”.

Cụ Tư chỉ vào "hệ thống" mắt lưới giăng kín các cửa để chống ruồi, muỗi. Ảnh: Trung Hiếu

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nước cống “sống” với nhà dân đã được chỉ rõ từ lâu, song dù chính quyền cơ sở từng định tiến hành một số biện pháp mạnh tay nhưng tới nay thì “mọi sự đâu vẫn hoàn đấy”.

“Nhà tôi ở đây bao nhiêu đời, còn có cả miếu thờ giữa sân đây, mà giờ nước cống bao vây thế này, chẳng thờ cúng được nữa. Gian bếp trước có cửa cao 1m9 mà phải tôn nền lên cao mãi. Thành ra chẳng sử dụng được. Bột trắng rải khắp mặt nước cống là bột khử khuẩn đấy, tôi phải đổ xuống như thế chứ không thì còn kinh khủng nữa!” -  ông Tuấn bộc lộ sự bức xúc dồn nén qua từng ngày.

Những câu chuyện khổ cực của người dân sống tại đây dường như chẳng có hồi kết, mà nghe qua, nhiều người tưởng là chuyện phi lý giữa lòng Hà Nội. Cánh cửa sắt nhà ông Minh cũng ở đó, đóng im ỉm như thể nó vẫn điềm nhiên quay lưng với nỗi khổ của 12 hộ dân, 60 nhân khẩu nơi đây.

Nguyễn Trung Hiếu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm