(Thethaovanhoa.vn) - Chính sử ghi lai Hồ Tây xưa đã từng tấp nập nhộn nhịp ngư phủ (người đánh bắt cá), ngày cũng như đêm, đông cũng như hạ...
Và, hẳn nhiều người còn nhớ huyền tích Lý Nhân Tông ngồi thuyền Mục Thận xem đánh cá, gặp sương mù, có thuyền tới gần, trên có hổ, Mục Thận quăng lưới bắt hổ, hóa ra đó là Thái sư Lê Văn Thịnh... Tên Dâm Đàm nghĩa là hồ mù sương có từ ngày ấy...
Nay, việc đánh bắt cá trên Hồ được Nhà nước thống nhất quản lý chặt chẽ... Ngoài việc đánh bắt tập trung, chính quy của các Công ty quản lý và khai thác Hồ, còn một hoạt động bắt cá khác: phi tập trung, phi chính quy nhưng cũng hồi hộp hơn, thi vị và đẹp mắt hơn: "Câu cá trộm"...
Không còn đơn thuần là việc "câu cơm", câu cá Hồ Tây đã trở thành một thú chơi gây nghiện cho nhiều người. Xuân, hạ, thu, đông; sáng, trưa, chiều tối... Hồ Tây chả bao giờ vắng bóng "Người câu".
Cầu câu, cần câu, cách câu, khung cảnh câu... và nhất là người câu pha trộn với nhau tạo nên một hình ảnh rất nhiếp ảnh: vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa rộn ràng gấp gáp vừa chấm phá thủy mặc, vừa nghệ sĩ vừa giang hồ phảng phất chất Lương Sơn...
Nếu một ngày Hồ Tây vắng bóng các cần thủ thì hẳn nhiều người trong đó có tôi lại phải thở dài tiếc cho một hình ảnh đẹp lại theo nhau trở thành quá vãng...
Ls Trung