Cần minh bạch, cụ thể hơn khi thực hiện gói kích cầu kinh tế

27/05/2009 11:33 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 26/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KTXH và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch KTXH và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm với đa số ý kiến nhất trí với báo cáo của Chính phủ.

Nới lỏng dễ dẫn đến nguy cơ lạm phát

Gói kích cầu của Chính phủ là một nỗ lực lớn nhằm giữ ổn định nền kinh tế, nhưng nêu lên những mặt còn hạn chế của gói kích cầu, đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Hoà Bình) phân tích: giải pháp kích cầu mới giải quyết được những vấn đề trước mắt mà chưa có giải pháp dài hạn về phát triển kinh tế, chính sách hỗ trợ còn nặng tính bình quân; việc giảm thuế chưa giải quyết được đầu ra cho sản phẩm và có tác động tiêu cực đến ngân sách nhà nước, làm tăng thâm hụt ngân sách về tài khoá năm 2009. Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đánh giá gói kích cầu của Chính phủ chỉ mới quan tâm tới các doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, một số doanh nghiệp mạnh sẽ được mạnh lên nhưng những doanh nghiệp khó khăn, có nguy cơ phá sản khó có điều kiện tiếp cận vốn thì vẫn chưa được hỗ trợ. Việc miễn giảm thuế vẫn đang tập trung cho doanh nghiệp có thu nhập hiệu quả mà chưa quan tấm đến những doanh nghiệp không có cơ hội việc làm, không có tiền trả lương cho công nhân, không có khả năng tiếp cận vốn ...

Đại biểu Bùi Văn Tỉnh kiến nghị cần có chính sách tài chính để tăng chi tiêu của Chính phủ. Đại biểu đánh giá với số lượng lớn gói kích thích kinh tế, chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng dễ dẫn đến nguy cơ lạm phát; đồng thời cần có chính sách điều chỉnh tỷ giá để giải phóng nguồn ngoại tệ và kim loại quý dự trữ trong dân để thúc đẩy đầu tư, giải quyết việc làm và tăng khả năng xuất khẩu. Kiến nghị không nên để gói kích cầu mang tính bình quân và thiếu trật tự, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng trong gói kích cầu, Chính phủ cần xác định các ngành kinh tế mũi nhọn theo trật tự ưu tiên, ưu đãi; đặc biệt cần quan tâm tái sản xuất kinh tế bảo đảm chống suy thoái và phát triển bền vững; tăng cường đầu tư cho các ngành chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, đầu tư hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm...

Dễ phát sinh tiêu cực, thất thoát, lãng phí

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) đề nghị Chính phủ cần ưu tiên tiếp tục kích cầu đầu tư cho các dự án tạo thêm nhiều việc làm; trong đó lưu ý đến khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là khu vực giải quyết được nhiều công ăn việc làm; đề nghị Chính phủ cho phép quỹ tín dụng nhân dân được cho vay hỗ trợ lãi suất như các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho người dân được vay vốn thuận lợi hơn. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị nêu rõ: các gói kích cầu của Chính phủ là nguồn vốn rất lớn, trong quá trình triển khai rất dễ phát sinh tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí, sử dụng không đúng mục đích: "Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để phát huy hiệu quả của nguồn vốn”.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang), Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) kiến nghị Chính phủ cần chọn trọng điểm cho gói kích cầu kinh tế và nên quan tâm đến đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo đại biểu Sơn, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, trước mắt là hệ thống giao thông sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư tại các vùng nông thôn cũng như tạo cơ sở cho công cuộc thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Thế Thảo (Hà Nội) quan tâm đến tính minh bạch, rõ ràng của quá trình thực hiện và triển khai gói kích cầu của Chính phủ. Theo ông Thảo, Chính phủ cần công bố rõ ràng, đầy đủ các chương trình thực hiện gói kích cầu để tạo điều kiện cho người dân góp ý kiến và tham gia vào hoạt động giám sát kiểm tra quá trình thực hiện gói kích cầu đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

Nhóm phóng viên

Vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên cũng thu hút được mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Lê Thanh Phong (Lâm Đồng) cho biết tỉnh Lâm Đồng xác định đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, các cấp ủy chính quyền, các bộ, ngành cơ sở rất quan tâm thường xuyên kiểm tra nắm tình hình, phối hợp với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nếu có phát sinh.

Đến nay, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi 943 ha đất với 743 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, tiến hành đền bù 586 hộ trong đó có 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền 150 tỷ, xây dựng khu tái định cư cho 731 hộ và nhà ở cho 43 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở thị trấn Lộc Thắng. Đại biểu này nhấn mạnh: "Quan điểm của tỉnh là không vì vấn đề môi trường mà không khai thác tiềm năng tài nguyên của tỉnh để phát triển kinh tế; nhưng cũng không vì mục tiêu phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng mà không đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường! Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ TN&MT giám sát chặt chẽ việc thực hiện của chủ đầu tư theo đúng quy định". Diện tích khai thác bauxite nhỏ so với tổng diện tích đất tự nhiên, đất nông, lâm nghiệp nên cũng không ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong vùng. Khu vực dự án là huyện nghèo, năng suất, sản lượng chè, cà phê rất thấp do tầng phủ mỏng. Sau khi khai thác sẽ phát triển nông, lâm nghiệp thuận lợi hơn.

Đại biểu Điểu K'Ré (Đắc Nông) nhấn mạnh tới việc bảo vệ môi trường tại khu vực khai thác bauxite: Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra các giải pháp bảo vệ môi trường; Lập và trình duyệt Báo cáo tác động môi trường và tăng cường thanh tra, kiểm tra chủ đồng tư thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường. Dự án bauxite alumin Nhân Cơ khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ đào tạo nghề cho 1.600 công nhân công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho khoảng 16 ngàn lao động liên quan, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Sự hình thành vùng kinh tế công nghiệp theo vùng sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế dịch vụ như giao thông vận tải, khách sạn, du lịch vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống...

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị công trình khai thác bô-xít Tây Nguyên phải được coi là công trình trọng điểm quốc gia và được Quốc hội thẩm tra, xem xét quyết định thấu đáo.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm