Các DNNN phải đi tiên phong ngăn chặn suy giảm kinh tế

17/12/2008 10:43 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Bằng mọi nỗ lực phải ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%, khó đến đâu cũng phải giữ mức 6% thì mới đảm bảo công ăn việc làm cho 43 triệu lao động. Nếu giảm thấp hơn nữa, sẽ không đảm bảo an sinh xã hội”.

Đó là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi làm việc với lãnh đạo 104 tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước hôm qua 16/12 để triển khai nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2009.

Đừng nghỉ Tết, hãy đi tìm kiếm hợp đồng

Xuất khẩu chiếm tới 60% GDP cả nước, chưa khi nào xuất khẩu lại gặp khó khăn như hiện nay khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng lúc tác động tới cả Mỹ, EU, Nhật Bản – 3 thị trường vốn chiếm tới trên 50% kim ngạch xuất khẩu của VN. Dự báo kinh tế Mỹ - 0,7%, EU -0,5%, Nhật Bản - 0,2%. Năm 2008 cả thế giới vẫn tăng trưởng trên 3%, năm 2009 dự báo tụt xuống còn 2%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc


Năm 2008, hơn 2 triệu lao động ngành dệt may đã tạo ra kim ngạch xuất khẩu tới 9,1 tỷ USD. Ông Lê Quốc Ân – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may (Vinatex) nói, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may của VN năm 2008 đạt 9,5 tỷ USD là khả thi nhưng không ngờ từ tháng 10, kinh tế Mỹ suy thoái trầm trọng. “Chúng tôi đang trong tâm trạng rất lo âu vì dệt may tồn tại chủ yếu nhờ xuất khẩu, chiếm 2/3 sản lượng. Dấu hiệu cho thấy càng ngày càng xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của người lao động”, ông Ân nói. Đặc biệt các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan chỉ để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đã phải đóng cửa. Ông Ân khẳng định, Vinatex cố gắng để không một lao động nào mất việc. Trước đó, ít ngày tại một cuộc bàn thảo tìm giải pháp chống suy giảm kinh tế do Bộ KH&ĐT tổ chức, Vinatex đã cảnh báo, nếu không có những giải pháp quyết liệt, năm 2009 có tới 15% lao động ngành dệt may mất việc.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kêu gọi: “Giờ này các năm trước, DN đã có hợp đồng sản xuất đến hết quý I, hết 6 tháng đầu, nhưng năm nay đến giờ này vẫn chưa có. Các bộ, Hiệp hội cùng tập đoàn, TCty phải hỗ trợ để DN có hợp đồng. Đừng nghỉ Tết, tất cả hãy ra ngoài giành hợp đồng về, công nhân đang chờ đợi”. Để thúc đẩy xuất khấu, Thủ tướng đã đồng ý tăng kinh phí xúc tiến thương mại. Tinh thần chung là duy trì việc làm, chăm lo hơn cho người lao động, phối hợp với công đoàn để giải quyết tình trạng đình công, bãi công.

Xây mới 10.000 căn hộ chung cư trong năm 2009

Trong gói tài chính trị giá 1 tỷ USD kích cầu đầu tư tiêu dùng, Chính phủ dự kiến dành một phần để xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, học sinh sinh viên. Bộ trưởng XD Nguyễn Hồng Quân cho biết đã đề xuất dành 2.500 tỷ đồng để xây 10.000 căn hộ chung cư dạng nhà ở xã hội ngay trong năm 2009 để vừa giải quyết an sinh xã hội, vừa góp phần kích cầu đối với ngành xi măng, sắt thép… Bộ sẽ khẩn trương đưa ra các thủ tục cần thiết, các tiêu chí được mua căn hộ này, không để xây dựng xong không có người đến ở như các dự án bất động sản hiện nay.

Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà đề xuất, nên có cơ chế cho người làm công ăn lương cho vay ưu đãi để mua nhà. Ví dụ, ở Trung Quốc, khi mua căn nhà đầu tiên, người mua chỉ cần có 20% số tiền, 80% còn lại là NH cho vay ưu đãi với thời gian trả nợ bằng số năm từ lúc vay cho đến lúc 60 tuổi. TGĐ Vietinbank Phạm Hùng cho rằng việc cho vay mua nhà, cơ chế hoàn toàn do các NHTM quyết định. Theo ông, nên kết hợp giữa các DN xây dựng với NH và người mua để có thể bán trả góp trong 20-30 năm, người mua phải trả trước 50%.

Sử dụng 1 tỷ USD kích cầu sao cho hiệu quả?

“Làm sao sử dụng 1 tỷ USD này cho có hiệu quả, nên chăng sử dụng làm quỹ bù lãi suất để lãi suất giảm đi, làm tăng vốn vay khả dụng” – Thủ tướng gợi ý đối với gói 1 tỷ USD.

Nhưng ông Trần Bắc Hà đề nghị nên lập Quỹ kích cầu đầu tư, hình thành từ dự trữ ngoại tệ, trái phiếu; chỉ nên bố trí 15-20 dự án, không nên dàn đều vì thế không đảm bảo mục tiêu. Trong đó, vốn tự có của chủ đầu tư 10-15%, vốn “mồi” 25-30%, phần còn lại  do NH thu xếp. Theo ông, nên tiếp tục giảm lãi suất xuống còn 0,65% - 0,7%. Không nên cấp bù lãi suất cho NHTM mà khấu trừ vào thuế thu nhập DN 25%. TGĐ Lilama Phạm Hùng đề nghị nên tiếp tục hạ lãi suất xuống 8%/năm, vì FED đã kiến nghị hạ xuống 0%, Nhật Bản còn 0,25%/năm. Đáng lưu ý, ông Hùng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm thêm thuế, đặc biệt từ 2009 áp dụng thuế thu nhập cá nhân, nên xem xét giảm trần thuế suất từ 35%  xuống 25%-30% vì thu nhập của VN ở mức thấp, nếu thuế cao sẽ triệt tiêu tiêu dùng, hạn chế cầu.

Nên tăng đầu tư

DNNN đang chiếm tới 40% GDP, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các tập đoàn, TCty là yếu tố quyết định GDP đi xuống hay không, quyết định thời gian suy giảm ngắn hay dài. Mỗi đơn vị phải tìm ra con đường của mình. “Sản xuất khó khăn thì phải sản xuất vừa phải để tiêu thụ nhưng là cơ hội để đầu tư.  Phải tăng tiền, tăng vốn đầu tư. Đây là cơ hội vì lãi suất đã và sẽ còn giảm, còn đầu tư, còn tăng trưởng”, Phó Thủ tướng nói. Ông tái khẳng định tổng gói kích cầu năm 2009 tối đa tới 110.000 tỷ đồng. Trong đó, có tới 1,5 – 2 tỷ USD sẵn sàng bảo lãnh cho DN vay, các DN nên mạnh dạn vay vì khi lãi suất tiếp tục giảm thì sẽ được điều chỉnh khấu trừ nợ lãi. Vấn đề còn lại là đầu tư cho nhanh, sớm có tác dụng.

Dù khó khăn nhưng có vốn, giá vật tư nguyên liệu giảm, DN cần sớm đầu tư để đón đầu khi kinh tế thế giới phục hồi. Chẳng hạn, một chiếc tàu trọng tải 50.000 tấn cách đây ít tháng giá 60 triệu USD, nay giảm xuống dưới 20 triệu USD. Tập đoàn Cao su VN sớm đầu tư cải tạo giống, phá bỏ vườn giống cũ năng suất thấp, để đón đầu 5 năm tới…

TGĐ Lilama Phạm Hùng đề nghị sửa đổi quy định về đấu thầu. Bởi Luật đấu thầu hiện nay dựa vào các quy định quốc tế; vừa qua một số gói thầu nhiệt điện ở Quảng Ninh, Hải Phòng, lên tới 7-8 tỷ USD, đều rơi vào nhà thầu nước ngoài. Họ đem từ công nhân cho đến cấp dưỡng, nấu ăn sang. Nếu nhà thầu trong nước trúng, thì đã giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho bao nhiêu người.

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các DN trong nước chủ động liên kết để chia sẻ lợi ích. Đồng ý cơ chế để tăng quyền cho các chủ đầu tư. Sắp tới sẽ sửa đổi luật pháp về đấu thầu để cho phép chỉ định thầu đối với các công trình cấp thiết. Trước mắt, Thủ tướng đã cho phép các DN, địa phương lập danh mục cần chỉ định thầu trình lên để Thủ tướng thay mặt chịu trách nhiệm. Đối với các dự án đình giãn để kiềm chế lạm phát năm 2008 lên tới hơn 39.000 tỷ đồng, các DN cũng lựa chọn để tái khởi động lại. Năm 2009, NSNN sẽ bội chi để đủ chi. Nới lỏng chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả.

Thế Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm