Cá trê chui ống

12/04/2009 13:15 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Cá trê chui ống, lời thề Sở Khanh” là lời dặn nhắc chúng ta phải hết sức cảnh giác với những lời hứa hẹn của nhà đầu tư và nhà thầu về xử lý hậu quả với môi trường do việc kinh doanh hay công trình của họ gây ra.

Tin tưởng nhau trong làm ăn là điều kiện đầu tiên, xưa đã thế mà nay lại càng phải thế. Nhưng tin với nhẹ dạ, cả tin lại rất khác nhau. Không làm cáo nhưng cũng không nên bị coi là gà. Trong luận chứng và cam kết, vấn đề môi trường dĩ nhiên đều được đặt ra như một điều kiện của luật (luật môi trường). Nhà đầu tư có thiện chí hay không đều có thể viết những lời cam kết “có cánh”, còn kèm theo mức phí định chi cho môi trường. Ví như trong khai thác, sản xuất thì mỗi mét khối hay tấn quặng mỏ, mỗi tấn nguyên liệu chế biến, mỗi sản phẩm sản xuất ra sẽ chi để xử lý môi trường là bao nhiêu, tổng cộng đầu tư ban đầu và sau đó duy trì và bảo tồn là bao nhiêu. Sẽ hoàn thổ lại đất đai, sẽ làm sạch dòng chảy, sẽ trồng cây gây rừng tươi đẹp như xưa, có là bùn đỏ chứ bụi phóng xạ cũng là chuyện nhỏ, “trăm điều hẵng cứ trông vào một ta!”. Thu hồi đất của dân thì ngoài tiền đền bù còn hứa hẹn đủ điều: đào tạo rồi nhận con em người mất đất vào làm việc, tổ chức tái định cư cho dân có điều kiện sống tốt hơn trước đây, nghe thật mát dạ.

Nhưng khoảng cách từ tờ giấy hay lời hứa đến việc làm thường xa như từ đất lên trời. Cũng như sự đời muôn thuở, được chim thì bẻ ná, các nhà đầu tư khi đã cầm được tờ giấy phép, khi đã thu được đất thì việc họ quan tâm đầu tiên là làm sao nhanh chóng thu hồi lại vốn, rồi gia tăng lợi nhuận càng nhiều càng hay, là ai thì cũng vậy mà thôi. Tiền thuế họ không thể đặng đừng không nộp nhưng môi trường ư? Đó luôn luôn là việc khó, quá khó, chúng tôi đang và sẽ cố gắng, sẽ làm… Chỉ đến khi cả một dòng sông bị giết chết như sông Thị Vải và một vài con sông khác, khi cả một vùng quê yên lành trước nay bỗng xuất hiện làng ung thư, xã ung thư thì đầu tiên chủ nhà và sau đó là khách mới tá hỏa lên nhớ lại lời thề Sở Khanh thì đã quá muộn. Cuối cùng là không ít dự án đầu tư làm đã nghèo hay giết chết một vùng đất, lợi được ít tiền thuế thì mất mát môi trường là thứ khó tính toán nổi.

Bảo vệ, khôi phục được môi trường là vấn đề khó và hết sức tốn kém, nhiều khi lại vô hình như chất độc ngấm vào đất hay hòa tan vào không khí theo gió bay đi, thủ phạm dễ lẩn trốn trách nhiệm. Có thể một số nhà đầu tư không muốn bị coi là Sở Khanh, nhưng họ xót tiền, họ sợ bị lỗ nếu triệt để xử lý môi trường như đã cam kết.

Tiền trách kỷ hậu trách nhân. Trước hết xin hãy trách chủ nhà, điều khó hiểu là trong chuyện môi trường như trường hợp VEDAN, hình như chúng ta luôn nắm đằng lưỡi và người ta nắm đằng chuôi! Không hiểu sao có người lại tự nguyện làm gà để thiên hạ tha hồ hóa cáo! Hoặc là, dân có quyền nghi ngờ cả hai cùng là cáo và đang chia mồi trên non sông gấm vóc và tương lai của con cháu muôn đời mai sau!

Nguyễn Quang Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm