Biển đảo phát triển theo định hướng “Kinh tế xanh lam”

05/04/2013 17:12 GMT+7 | Thế giới

Trong định hướng “phát triển xanh lam” ở biển và đại dương có một số hướng mang tính chủ đạo được quốc tế khuyến cáo như: bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, phát triển thị trường carbon, tăng cường quản lý đáy biển, thay đổi phương thức quản lý nghề cá và nuôi trồng hải sản ở các cấp trong khu vực và quốc gia; đồng thời bình đẳng, không bao cấp và khai thác bền vững, thích ứng với quá trình dâng cao mực nước biển và biến đổi khí hậu.

Cánh đồng trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

Mặt khác quản lý tổng hợp vùng bờ, tăng cường sử dụng bền vững nguồn lợi tài nguyên, kể cả ứng dụng các công nghệ, xác nhận và chấp nhận khả năng lưu giữ carbonnic của đại dương và vùng ven bờ, tổ chức thị trường carbon xanh, xử lý ô nhiễm, chủ yếu là các chất dinh dưỡng trong biển và đại dương theo cơ chế thị trường, phát triển đột phá nguồn năng lượng tái tạo từ đại dương...

Theo TSKH. Nguyễn Tác An, Chủ tịch Ủy ban Chương trình Hải dương học Liên Chính phủ Việt Nam: “Kinh tế xanh lam” có 3 đặc trưng cơ bản trong nguyên lý tồn tại và phát triển. Đó là nền kinh tế “sạch”, mang hàm lượng trí tuệ cao. Đồng thời là nền kinh tế “hài hòa” - xanh hóa cho phát triển, phát triển để xanh hóa. Bản thân quá trình phát triển xanh cũng đã mang lại nhiều giá trị môi trường, xã hội và kinh tế; càng xanh hóa thì lợi ích kinh tế càng cao.

Để đánh giá kinh tế xanh phải dùng tiêu chí GDP xanh. Như vậy GDP trừ đi chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế. GDP xanh sẽ đánh giá toàn diện các mặt tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Những lợi thế về vị thế, sinh thái, môi trường biển, đảo là những điều kiện vô cùng quý giá đáp ứng những nhu cầu “phát triển xanh lam” ở Việt Nam.

Ngoài ra những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam như vốn, công nghệ, nhân lực, phát triển “kinh tế xanh lam” còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, axit hóa đại dương, phát triển nghề cá và nuôi trồng hải sản thiếu bền vững, ô nhiễm và chất thải, mất nơi cư trú, giảm đa dạng sinh học và các loài ngoại lai.

Do đó quy hoạch tổ chức không gian đảo, quần đảo trong phát triển “xanh lam” phải được tiến hành có cơ sở khoa học, kinh tế và xã hội, phù hợp với đặc điểm cụ thể của Việt Nam và của Biển Đông. Đó là một công việc khó khăn và tốn kém thời gian, công sức và tiền của.

TSKH. Nguyễn Tác An cho rằng: Phát triển “kinh tế xanh lam” ở Biển Đông là mô hình kinh tế hiện đại, được tổ chức trong một không gian thống nhất, với 3 vành đai không gian đặc trưng. Trước hết là vùng nội thủy cùng hệ thống đảo sát bờ, dải đất ven biển chứa nhiều tài nguyên, có giá trị vị thế và nhạy cảm về môi trường, kinh tế, xã hội. Mặt khác là vùng căn cứ có vai trò liên kết cung ứng và hậu cần, thị trường đa năng, nguồn lực cho cả không gian phát triển trên Biển Đông.

Tiếp đó là vùng thềm lục địa cùng với hệ thống các đảo trên thềm lục địa như Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Hòn Khoai, Thổ Chu, Phú Quốc...giàu tiềm năng và lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế biển, kể cả các ngành kinh tế có tính “nhạy cảm’ cao. Hệ thống các đảo thềm lục địa là bàn đạp, hậu cần cho vùng khơi xa và là tiền đồn trấn giữ vùng nội thủy.

Còn vành đai không gian đặc trưng thứ 3 là không gian biển khơi với vòng cung hệ thống các đảo Hoàng Sa, Trường Sa là vùng có tính “nhạy cảm’ quốc tế, có vai trò tiền tiêu trong bảo vệ chủ quyền là điểm tựa cho phát triển kinh tế đại dương, khai thác dầu khí, hải sản, vận tải viễn dương và khai thác các tài nguyên biển sâu. Sự phân vùng không gian theo đặc điểm địa chiến lược sẽ giúp ta có tính định hướng, tập trung xây dựng phát triển trọng điểm trong từng lĩnh vực ưu tiên theo các vòng cung không gian tự nhiên biển và hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam .

Mục tiêu chung của quản lý không gian đảo và quần đảo là tối ưu hóa lợi ích kinh tế, xã hội và chủ quyền thu được từ các đảo và quần đảo. Đặc biệt là tổ chức thiết kế phát triển kinh tế biển, đảo theo tiêu chí an ninh lãnh hải; tăng trưởng kinh tế; an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Nhiệm vụ chủ yếu của chương trình quản lý là thiết kế các quy trình thể chế tổng hợp, điều hòa để khắc phục việc phân chia vốn có trong quản lý theo ngành, sự phân chia quyền lực giữa các cấp chính quyền ở vùng tiếp giáp đất liền-biển-đảo. Công cụ hữu hiệu để đạt được sự quản trị kỷ cương là một cơ chế phối hợp kết nối các ngành kinh tế biển và vùng bờ, các cấp chính quyền khác nhau, những người sử dụng và công chúng trong quá trình quản trị.

Đặc biệt là phải tập trung nâng cao giá trị sử dụng đảo và quần đảo bằng cách hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông-vận tải; phát triển năng lượng và các lĩnh vực xã hội, văn hóa, sử dụng khoa học-công nghệ trong phục hồi, tái tạo và phát triển các nguồn tài nguyên tái tạo, các hệ sinh thái nhiệt đới đặc trưng, thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường địa chính trị phức tạp ở Biển Đông.

Vấn đề quản trị và sử dụng bền vững không gian biển, đảo không chỉ có giá trị an ninh, ổn định đến Việt Nam mà còn đối với cả khu vực. Tiếp cận các phương thức quản lý hiện đại, tuân thủ các quy luật khách quan trong khai thác, sử dụng biển, đảo ở Biển Đông và các vùng bờ biển đòi hỏi phải có lý luận, thể chế, kỷ cương và sự hợp tác rộng rãi, hiệu quả. Định hướng có tính chiến lược là triển khai các chương trình quản lý, phòng ngừa, thích nghi và giảm thiểu. Với giải pháp đầu tư để phát triển kinh tế xanh, xanh lam, bảo vệ môi trường, sinh thái quan trọng của biển, đảo, quần đảo...là những đầu tư có tầm nhìn và có ý nghĩa kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh chủ quyền quốc gia.

Như vậy, “phát triển xanh lam” không thể có sự phát triển thực sự đối với hệ thống đảo và quần đảo trừ khi có những chiến lược không chỉ mang lại sự bền vững cho môi trường, mà còn phải phù hợp với những giá trị xã hội, văn hóa và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng và thực hiện quản trị phát triển.

Văn Hào - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm