Bay trên bầu trời Hà Nội ngày Đại lễ

07/10/2010 15:08 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - 6 giờ sáng ngày 6/10, sân bay Gia Lâm như được hâm nóng lên bởi không khí chuẩn bị cất cánh tất bật của các tổ bay phục vụ cho Đại lễ.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Sau gần 2 tháng luyện tập tại sân bay Hòa Lạc (Sơn Tây), ngày 30/9, toàn bộ đội hình trực thăng bay treo cờ diễu binh, diễu hành đã được lệnh cơ động về sân bay Gia Lâm để tiếp tục huấn luyện, tham gia bay sơ duyệt, tổng duyệt và phục vụ cho Đại lễ ngàn năm.

Tiến vào nội đô
Phi công dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị

Trung tá Trần Quốc Cường - Tổ trưởng máy bay động cơ 7849 của Đơn vị C54 (Đoàn B72) cho biết: “Chuẩn bị cho ban bay huấn luyện hôm nay, đội ngũ kỹ thuật viên phải làm việc cho tới khuya để đảm bảo kỹ thuật cho máy bay. Các đồng chí phi công cũng phải dậy từ 3 giờ sáng để làm công tác chuẩn bị. Mặc dù là ban bay tập dượt đội hình bay diễu hành qua Quảng trường nhưng chúng tôi tập trung đảm bảo với hệ số kỹ thuật cao nhất. Huấn luyện càng nhiều càng thuần thục, bay trong nhiều điều kiện thời tiết phức tạp khác nhau sẽ giúp chúng tôi tự tin đảm bảo bay thành công trong ngày Đại lễ”.


Trực thăng sẽ được dùng chuyên chở phóng viên báo chí trong Đại lễ
Trong số 13 chiếc máy bay trong đội hình sẽ có 1 chiếc dành cho tổ phóng viên. Do điều kiện tác nghiệp trên máy bay nên BTC rất hạn chế số lượng phóng viên tham gia bay. Như tại chuyến bay ngày hôm nay, ngoài tác giả bài viết, chỉ có thêm ê-kíp đạo diễn và quay phim của điện ảnh quân đội. Tất cả chúng tôi, trước khi lên máy bay đều đã được phổ biến về công tác an toàn và kiểm tra an ninh chặt chẽ. Tổ bay cũng đã tổ chức luyện tập các phương án bảo đảm an toàn cho quá trình tác nghiệp trên máy bay như thắt dây an toàn, chọn cự ly, góc máy hợp lý để quay phim, chụp ảnh trong ngày Đại lễ.


Góc nhìn từ buồng lái
Men theo sông Hồng tiến về Quảng trường

Hà Nội sau những ngày oi bức bỗng chuyển sang se se lạnh. 7 giờ sáng rồi nhưng cả sân bay Gia Lâm vẫn bảng lảng trong sương. Gió lạnh mơn man. Đúng 7 giờ 25 phút, từ đài chỉ huy, Thượng tá Đàm Văn Toản - Chính ủy Đơn vị C16, chỉ huy đội hình bay ra lệnh cất cánh. Chiếc máy bay Mi-171, số hiệu 8416 do Thượng tá Đinh Phương Tâm - cơ trưởng, Thượng tá Phạm Văn Thường - cơ phó, Thượng tá Trần Hùng Cường - cơ giới trên không điều khiển đưa trực thăng quan sát rời đường băng, bám sát phía sau đội hình treo cờ. Khi ra khỏi khu vực sân bay, chiếc 8416 tăng dần độ cao và thoát ly lên trên, chếch về bên trái đội hình. 12 chiếc máy bay tạo thành hình mũi tên xuyên vòng lượn là là men theo triền sông Hồng.


Rời sân bay Gia Lâm, bay trên bầu trời ngoại thành Hà Nội
Từ trên cao nhìn xuống sông Hồng uốn lượn mềm mại như một dải lụa đào vắt qua thành phố. Trong màn sương hiện lên hình ảnh những cây cầu Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy, Thanh Trì sừng sững hiên ngang bắc qua sông Hồng. Nắng trải vàng như rót mật. Những dãy nhà cao tầng hiện đại xen lẫn với những mái ngói cổ rêu phong san sát. Và kìa! Hồ Gươm hiện ra lung linh huyền ảo. Mặt hồ Gươm xanh được tô điểm thêm hàng chục quả bóng bay đủ màu. Phía dưới chúng tôi là những cánh bay in hình cờ đỏ sao vàng mang dòng chữ “Không quân nhân dân Việt Nam” tựa đàn sâm cầm tìm về đất mẹ.


Bay qua sông Hồng
Đội hình bay cơ động theo triền sông Hồng hướng ra phía cầu Thăng Long rồi vòng trái qua làng hoa Nhật Tân, Nghi Tàm, hồ Tây để vào Quảng trường Ba Đình. Với tôi đây là phút giây hồi hộp thấp thỏm khó tả. Lần đầu tiên được ngắm nhìn quần thể Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cột cờ Hà Nội... từ trên cao xuống.


Quay phim của Điện ảnh Quân đội đang tác nghiệp từ cửa trực thăng
Ngắm nhìn trái tim của Tổ quốc từ trên cao

Tất cả chỉ thoáng qua rất nhanh, đội hình máy bay treo cờ nhanh chóng thoát ly khỏi Quảng trường trở về căn cứ. Vừa xuống máy bay, tôi đã gặp ngay tổ bay Mi-8, số hiệu 7849 của Đơn vị C54 (Đoàn B72) do Thượng tá Hoàng Quang Hà làm cơ trưởng. Anh không giấu được niềm xúc động: “Thú thật, cả đêm qua tổ bay chúng tôi không tài nào chợp mắt nổi vì hồi hộp chờ chuyến bay này. Trong suốt thời gian quân ngũ, chúng tôi đã có rất nhiều chuyến bay tuần tiễu, bay tìm kiếm cứu nạn, bay thả hàng cứu trợ cho đồng bão lũ lụt ở miền Trung và nước bạn Campuchia... nhưng chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác như thế này. Lần đầu tiên chúng tôi được ngắm nhìn trái tim của Tổ quốc từ trên cao”. Tất cả đã sẵn sàng cho sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô.


Niềm vui tràn ngập trong cuộc trao đổi sau giờ bay của các phi công và chỉ huy

Nguyễn Thành Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm