Bản Di chúc bất tử

19/05/2009 09:56 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cách đây 40 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh lần cuối cùng Bản Di chúc lịch sử, để lại “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Di chúc là “bản tổng kết” cả một cuộc đời, là những lời dặn dò tâm huyết của một con người trước lúc mãi mãi đi xa, là những tình cảm sâu sắc nhất mà con người đã từng gắn bó suốt đời.

Đọc lại Di chúc của Bác Hồ để thêm một lần nữa chúng ta hiểu hơn trong những dòng chữ rất ngắn, rất súc tích đó, Hồ Chủ tịch đã muốn nhắn gửi rất nhiều điều...


Nhà sàn Bác Hồ

Trước hết, cuộc đời vĩ đại, trong sáng và dung dị mà Hồ Chủ tịch đã thực hiện suốt đời mình chỉ gói gọn thành một chân lý cũng giản dị như chính cuộc đời Người: “Hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Tổ quốc luôn luôn là điều thứ nhất, điều phải đứng trước, đứng trên tất cả mọi điều. chúng ta thật sự xúc động là Bác Hồ chỉ nói về mình có 79 chữ thôi: “Về việc riêng - Suốt đời tôi hết lòng hết sức...”. Phải chăng Người đã tiên liệu được “lần đi xa" đã cận kề và, phải chăng Người đã nghĩ và tin rằng, mỗi chữ cho một năm sống cũng đã là đủ?

Thứ hai, trong một bản Di chúc dài trên dưới 1.000 chữ mà Hồ Chủ tịch đã 8 lần nhắc đến hai từ Đoàn Kết, đủ để khẳng định điều tâm huyết nhất của Bác là việc giữ gìn, phát huy đoàn kết – nhân tố quan trọng nhất trong mọi yếu tố làm nên thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Bác đã căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Ở đây cần phải hiểu hai điều. Một là, từng đảng viên đều có tinh thần đoàn kết; nhưng khi đã tập hợp lại thành một tổ chức, dù là “trung ương” hay “chi bộ” thì việc thật sự đoàn kết là rất khó. Đứng về mặt ngữ nghĩa của ngôn từ mà xét, thì cụm từ “toàn thể đảng viên cần phải đoàn kết” ngắn gọn hơn. Trong trường hợp này, Bác Hồ sử dụng một mệnh đề dài hơn như trên tất nhiên là có dụng ý rõ ràng. Hai là, khi Bác dùng đến từ “con ngươi của mắt mình” là hàm ý chỉ ra rằng mất đoàn kết là một thực tế cần phải liên tục cảnh báo. Lẽ tự nhiên, xu hướng mất đoàn kết là một “thuộc tính” của cuộc đời, duy trì và gìn giữ nó bao giờ cũng là nhiệm vụ khó khăn.

Sáng mai, 20/5, Lễ khai mạc triển lãm “40 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và Hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giá trị lý luận và thực tiễn” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (19- Ngọc Hà- Hà Nội).

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt Tổ quốc, Nhân dân trước tất cả những vấn đề khác. Trong Di chúc có hai lần khắc ghi rõ điều này: “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng” và “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng...” (Bác viết hoa hai từ Tổ quốc trong nguyên bản). Cách gửi gắm tư tưởng đó của Hồ Chủ tịch sẽ được chúng ta hiểu rõ hơn nếu đọc ở câu cuối cùng khi Bác đặt Đảng đứng trước hai chữ “nhân dân” để nói về đoàn kết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu...”. Đoàn kết thì Đảng cần phải giữ gìn, phát huy mạnh mẽ hơn, đi trước và lo trước khi xây dựng khối đoàn kết toàn dân; nhưng tình cảm của Bác cũng như của Nhà nước thì phải chăm lo cho dân, cho Tổ quốc trước, cho cách mạng sau.

40 năm đã trôi qua nhưng những Lời dạy của Hồ Chủ tịch vẫn vẹn nguyên sức sống và tính chiến đấu, tư tưởng bất tử của một vĩ nhân mẫn tiệp tuyệt vời. Trong phần Nói về Đảng, Hồ Chủ tịch chỉ căn dặn có 3 điều: Đoàn kết trong tình thương yêu đồng chí, nghiêm chỉnh phê bình và tự phê bình, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân!

Đó là những chỉ bảo sâu sắc, đủ đầy!

Tô Vinh (giáo viên Lịch sử)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm