Bài 2: Tài xế đường trường

22/09/2009 08:51 GMT+7 | Thế giới

Ghi chép của Việt Thường

(TT&VH) - Dọc đường dài, không thiếu những vết xe phanh cháy mặt đất thành những vệt đen lớn đầy đe dọa; những mảnh kính vỡ, nhựa vỡ vung vãi khắp nơi của một vụ tai nạn vừa được chuyển đi trước đó…


3. Nắng vàng như mật. Xe chúng tôi chở 30 chiếc Sirius cơ 5C69 mầu xám bạc, 20 chiếc Jupiter đĩa 5B99 màu đen, được chằng buộc cẩn thận trên hai tầng của khoang hàng. Khá nhẹ so với tải trọng cho phép được chạy đường trường của xe hai cầu. Hai người bạn đường của tôi không cho nói tên, thôi được, từ đây tôi gọi hai anh là Tài và Xế.


Cả hai người trông rất đàn ông và vững chãi, đều đã từng là lính nghĩa vụ, và đã nhiều năm làm nghề lái xe trên các tuyến đường. Cả hai đều quê vùng chiêm trũng, đã cưới hai thôn nữ làm vợ hiền, và đã là bố của vài đứa trẻ. Nhà Xế có sào bảy lúa, nhà Tài có ba sào lúa. Mỗi độ mùa về, hai anh tạm nghỉ nghề về giúp các nàng dần sàng, gặt đập. Cấy lúa chả ăn thua, mồ hôi đổ xuống đồng chỉ coi như lấy công làm lãi.

Thu nhập của hai gia đình trông cả vào nghề lái. Mỗi chuyến chạy Hà Nội – TP.HCM – Hà Nội, hai anh được giả công mỗi người một triệu đồng, cộng với 100 ngàn tiền ăn mỗi ngày. Một chiều Bắc Nam trung bình chạy mất 44 – 49 tiếng, hai ngày bốc dỡ hàng, vị chi mỗi tháng chạy tối đa được 4 chuyến. Chi dùng dọc đường trong khoản 100 ngàn mỗi ngày, số dư khoảng 3 – 4 triệu đồng thì mang về quê cho nàng và các cháu. Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, một tháng may ra về với các bà xã được độ dăm ngày. Cái khoang nhỏ phía sau vô – lăng là tổ ấm, người nọ lái thì người kia mệt mỏi lăn ra ngủ. Cả hai chạy xe đều cẩn thận, bởi mắt đã thấy nhiều tai nạn trực diện do hai xe đối đầu nhau thường làm người lái gãy cả hai chân, buộc phải bỏ nghề. Nghề nào cũng vất vả, nhưng lái xe ở một xứ ý thức giao thông kém cỏi như ta là một nghề nguy hiểm.



Tính Tài có vẻ hơi gia trưởng, còn Xế lại hay cãi lý. Xế kể với tôi về một vụ anh bị “làm luật”. Khi chở mấy chục tổ ong đất xe anh đã bị một trạm kiểm dịch động vật chặn lại và “xét hỏi”. Xế nhảy xuống cãi lý, đây không phải là động vật mà đây là côn trùng chứ? Động vật thì phải có xương sống chứ? Các ông chặn xe chở trâu bò gà vịt chứ chặn gì xe tôi? Xế hỏi, cãi thế có đúng không? Tôi cười, ong cũng là động vật, trừ khi anh chở chuối, dứa, dưa hấu đi qua thì người ta mới không có quyền xét hỏi anh. Xế tần ngần, “ồ thế à, vậy sao tôi cãi thế mà họ “tịt” đấy. Cuối cùng họ dọa tôi alo gọi CSGT. Toàn kiếm chuyện chành chẻ, ăn chưa đủ miếng đã hoạnh” – Xế nói. Buồng lái thi thoảng lại nhộn lên vì một chủ đề nào đó. Đường xa mà không ai nói gì cả, thì kể cũng buồn.

Tài xế đường trường xa nhà lâu ngày, có tí nhu cầu “mát mẻ” thì sao? Có cầu thì có cung, không thiếu. Xe chúng tôi chầm chậm tìm chỗ đỗ ở V., một thị trấn ven đường nhỏ của miền Trung. Ánh đèn pin từ các quán nhỏ thi nhau nháng lên loang loáng. Tài nói: “Các em nó đấy. Ông đừng có xuống xe vội nhé, không có các em lao ra co kéo, hai em xốc hai bên, tay xốc nách tay rờ rẫm người ông đấy, như chú Xế đã bị đây này”. Ăn uống, tắm, nghỉ ngơi, có đấm lưng, bóp vai, “nặn cho cái trứng cá đây nè, nhổ cho cọng râu thừa  đây nè”, nếu muốn gì thêm đều có cả. Khi lên đường các em lưu luyến ra tiễn chân tận ca – bin: Đi nhé, khi về quay lại nhé. Tài dặn: “Ông về đừng viết chuyện các em nó nhé. Bọn nó đều nghèo”. Vâng, tôi đã viết gì đâu?

Không ít người tài xế, khi có một khoản thu nhập kha khá đã mở cửa hàng ăn, mở cây xăng dọc đường quốc lộ, để phục vụ xe đi xe lại. Quán Tài – Nga ở Đèo Nhông, Bình Định là một ví dụ. Nấu nướng rất ngon, gà luộc ngọt mềm, giá cả vừa phải. Lái xe Bắc Nam nếu ghé qua trước tết còn được chủ quán tặng mỗi người một chai rượu sáp ong loại tốt về dùng. Trên tường của quán, có cả một bài thơ ngẫu hứng của Sáu Thanh, tài xế xe 54N3191: “… Từ trong thành phố xa xôi/ chuyên tuyến Nam Bắc lâu rồi hóa quen/ Cần gì biết họ biết tên/ chủ nhận ra khách hiện lên nụ cười/ Khách quen không phải chào mời/ quán quen xe chạy đến nơi thì dừng/ Người quen thấy mặt là mừng/ món ăn quen gọi chẳng cần thực đơn”. Tài xế đường trường có “đạo” riêng của họ, có “luật” riêng của họ, thẳng và đơn giản.

Quốc lộ 1A từ lâu đã không còn cướp cạn. Vài toán cướp ở khe Nước Lạnh giáp ranh Thanh Hóa – Nghệ An chẳng hạn, đã bị xóa sổ. Leo nóc rạch bạt “ăn hàng” chỉ còn ở những cung đường xa xôi. Cách đây hai tháng, chiếc xe này vừa bị moi trộm mất 44 thùng mít khô khi chạy từ TP.HCM về tới gần cửa khẩu Ka Long, Móng Cái, 500 ngàn đồng/ thùng, mất một lúc 22 triệu mà không biết. Mất như thế thì chạy bao nhiêu chuyến đường dài cho lại vốn?


4. Chiếc Hino của chúng tôi nếu chạy xe không tốn 16 lít dầu/100km; chạy từ Hà Nội tới TP.HCM, nếu chở nhẹ thường tốn khoảng 4 triệu đồng tiền dầu, chở nặng thì từ 5 – 6 triệu đồng. Chạy với tốc độ 60 – 70km/h sẽ tốn thêm trên 100 ngàn đồng cho mỗi ca lái 4 – 6 tiếng. Tài khẳng định, xe anh chưa bao giờ chạy quá tốc độ 70km/h. Lái cho tư nhân phải như vậy, tiết kiệm tới từng cái đạp ga.

Doanh nghiệp quốc doanh thì cạnh tranh vận tải làm sao nổi với tư nhân? Hút bớt dầu, thay lốp mới bằng lốp cũ, chở thêm hàng, hai lái một chủ lúc nào cũng kè kè cạnh nhau, thế mà có lái xe còn lừa cả chủ uống rượu say để moi hàng bán trộm. Cuộc chiến giữa quốc doanh với tư nhân trong vận tải đường bộ, phần thắng bại đã ngã ngũ lâu rồi.

Tài nói với tôi một số tiểu xảo nho nhỏ của dân xe tải. Trước hết là độn nhíp để chở thêm hàng, nhưng chiêu này chỉ dùng với những chiếc xe đã cũ, sau đó là “tăng trộm” cỡ lốp, từ 1.000 lên 1.100 chẳng hạn. Khi đã nâng cỡ lốp, có xe tài xế đã cho chạy tới khi nào mòn vẹt gai lốp cao su, mòn dải chafer, cho tới khi nào lộ ra lớp bố thép mới thôi. Ngoài khung xe, lốp là bộ phận quan trọng nhất gánh chịu toàn bộ sức chở của xe hàng. Chở quá nặng, tiếng lốp nghiến sẽ lộp rộp xuống mặt đường. Chở nặng chạy quá nhanh, lốp sẽ nổ. Và một đặc điểm nữa của xe chở nặng, là lốp tỏa ra hơi nóng một cách bất bình thường. Một số xe chuyên chở nặng, tài xế biết rõ điều này, và họ đã làm một số đường dẫn nước nhỏ, vừa chạy vừa “tưới” cho sức nóng của lốp xe dịu lại. Người trong nghề lái, khỏi cần lên thùng kiểm tra, chỉ cần nhìn độ lún của lốp, độ ướt của lốp vừa được tưới, cảm thấy hơi nóng của lốp, nghe tiếng máy gằn gắt không đều… cũng có thể biết xe nào chạy quá tải hay không. Tôi nghe “phụ đạo” ít bữa đã bắt đầu phân biệt được xe nào “tải nhỏ”, xe nào “tải nặng”. Tiếng tải nhỏ lốp nghiến nhẹ lẫn trong tiếng máy, tiếng tải nặng lốp nghiến trì trọng mặt đường, dù đó là xe chạy ngược chiều và âm thanh chỉ đập vào buồng lái của chúng tôi trong khoảnh khắc.

Hung thần quá tải đường trường không phải là xe tải, mà là các đầu kéo container. Tài kể, anh đã thấy những chiếc kéo phôi sắt mà tổng trọng lượng chắc chắn không thể nào dưới 100 tấn được. Tất nhiên, số lượng xe này không nhiều, bởi lời lãi từ việc chở quá tải trở nên không bõ bèn gì với những chiếc xe trị giá hàng tỉ đồng, nếu chúng gây ra tai nạn. Còn hung thần tốc độ là các xe chở khách. Các xe khách mang biển 36, 37, 38, 77 (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định) nổi tiếng từ trước đến tận bây giờ về “chạy láo”. Xế nói, đôi khi mở cửa kính buồng lái, họ chạy vượt qua mình mà bay cả tóc. Tài xế xe khách lấy tốc độ làm đầu, nhanh rời bến, nhanh xuất bến, chạy càng nhanh “vòng tiền” đổ về càng lẹ. Trong đêm, xe khách có thể “phang” tới 120 – 130km/h, thấy khách cách 100m họ thường bỏ qua, vì không phanh kịp. Xe khách an toàn hơn xe tải, nhưng lái xe tải khó về tải trọng. Đủ tải cách 20m đạp thắng là ăn, quá tải thì phanh đương nhiên ăn chậm.


Một thiền sư hành lễ lúc 3h50’ sáng ngày 13.09 tại chân đèo Rọ Tượng – Khánh Hòa, phải có các Phật tử mặc áo phản quang, đèn  tín hiệu đi chắn phía ngoài để phòng tai nạn

5. Tôi để ý dáng ngồi lái của bạn đồng hành: không biết do mệt mỏi hay thói quen, đôi khi họ chống cả hai khuỷu tay lên vô – lăng để đỡ cơ thể của mình. Và cũng đôi khi thôi, họ bật đài Tiếng nói Việt Nam một chút để nghe chương trình thời sự, rồi lại âm thầm bẻ lái, hết sức chú tâm tới các hình khối di chuyển dọc đường. Xế nói, anh có thể lái quanh năm ngày tháng. Như tôi thì hẳn không thể làm nghề tài xế được, bởi cái tính ngó nghiêng mắt mũi đảo như rang lạc hai lề. Theo cả hai người, nguy hiểm nhất là vào khoảng 4h30 tới 5h30 sáng, mắt trĩu nặng vì buồn ngủ, dù thức bao nhiêu đêm rồi vẫn chưa quen. Khoảng thời gian đó, mắt vẫn nhìn nhưng phản ứng chậm đi trông thấy. Nghề lái xe thì có bệnh tật đặc trưng gì nhỉ? BS Nguyễn Bình Tuynh, Thường trực Hội đồng Giám định Y khoa của Bệnh viện Giao thông (Bộ GTVT) nói với tôi rằng, ông biết Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường đã từng có nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp của lái xe, vì có lần ông được mời tham gia hội chẩn phim, nhưng chuyện đã qua 5 – 6 năm rồi mà không ai nói kết quả ra sao. Hình như vẫn chưa nghiệm thu thì phải.

Và cũng không rõ mỗi năm Quốc lộ 1A “đóng góp” cả thảy bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, nhưng hiển nhiên đây là cung đường nguy hiểm nhất, bởi lưu lượng xe đông vô kể. Ngay gầm cầu chui Pháp Vân, nơi chúng tôi khởi hành đã chứng kiến vụ tai nạn đầu tiên: một xe 7 chỗ phanh không kịp rúc vào đuôi xe tải. Dọc đường dài, không thiếu những vết xe phanh cháy mặt đất thành những vệt đen lớn đầy đe dọa; những mảnh kính vỡ, nhựa vỡ vung vãi khắp nơi của một vụ tai nạn vừa được chuyển đi trước đó (xem chùm ảnh). Tôi khó mà có thể quên được chi tiết trong bài viết của một đồng nghiệp: có người đi bộ sơ ý băng qua đoạn Phủ Lý – Cầu Giẽ trong đêm, bị xe đâm, hết chiếc này đến chiếc khác nối đuôi nhau đè lên, đến lúc bình minh thi thể đã “mỏng tang” rồi.

Hơi dẹo dẹo bánh sau, Tài nói, thủng lốp rồi, chạy cố một đoạn rồi ghé vào vá ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi. Ở đây có một điểm vá lốp ven đường thành thạo có tiếng, giá chỉ 60.000đ/ miếng, chủ tiệm là một người đàn ông hai vợ tuy thọt mất một bên chân. Khi tôi đang say mê ngồi xem một chiếc lốp ô tô được vá thế nào, thì Xế đá cho tôi một cái. Đừng ngồi nhô ra ngoài vệ đường như thế! Một người đi xe máy trờ tới nói với chủ tiệm, nhắc mai đi đám ma người láng giềng bị tai nạn giao thông. Chủ tiệm nói, tai nạn quanh đây nhiều lắm, người nào mà đã “bị nặng” rồi thì thà chết đi còn đỡ khổ hơn.

Bài 3: Những “chốt chặn” dọc đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm