Anh hùng Lê Mã Lương: Chuyện chưa kể về ca mổ “sống”!

27/07/2012 15:01 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Bác sĩ bảo: không có thuốc tê, mắt trái của cậu cũng phải khoét bỏ ngay. Nếu không, vết thương sẽ nhiễm trùng nặng và có thể dẫn tới mù nốt bên mắt phải. 40 phút ròng rã trong ca mổ “sống” ấy vẫn khiến tôi vã mồ hôi mỗi khi nhớ lại – Thiếu tướng, anh hùng LLVT Lê Mã Lương, kể.

Tên tuổi anh hùng Lê Mã Lương luôn là một huyền thoại gắn với chiến tranh chống Mỹ. Huyền thoại về một chàng trai từ chối đi học nước ngoài để cầm súng. Huyền thoại về một thương binh hỏng mắt trái vẫn trở thành dũng sĩ diệt Mỹ và anh hùng LLVT. Huyền thoại về câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”...Còn trong ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 năm nay, TT&VH muốn ghi lại lời ông về một câu chuyện khác: ca phẫu thuật múc bỏ mắt trái năm 18 tuổi.

Thiếu tướng Lê Mã Lương kể:


 Anh hùng Lê Mã Lương thời trẻ...

* Hành trình 3 tháng

Tôi bị thương vì một quả lựu đạn US tại ngoại vi căn cứ Tà Cơn (Khe Sanh - Quảng Trị). Đó là tháng 3/1968. Cùng nhiều đơn vị khác, trung đoàn 24 của tôi có nhiệm vụ thường xuyên phong tỏa, gây sức ép lên cụm cứ điểm có hơn 4000 lính Thủy quân lục chiến Mỹ này. Lựu đạn nổ ngay trước mặt, mắt tôi hoa lên rồi ngất đi. Tỉnh dậy, đầu và mặt bị băng kín hoàn toàn. Anh em bảo: “mày bị nhiều mảnh lựu đạn vào cổ và mắt trái, máu ra nhiều lắm. Nhưng yên tâm, không vết nào quá nặng”.

Tại trạm quân y dã chiến cách đó vài km, bác sĩ khám rồi chẩn đoán: “mảnh lựu đạn nhỏ, chẻ chéo từ cạnh mũi, qua bờ mi trái rồi găm vào trong”. Vì mảnh đạn không xuyên trực tiếp thẳng vào nhãn cầu, con mắt trái ban đầu vẫn hi vọng giữ lại được. Một chuỗi ngày  điều trị tiếp theo, trừ những lần thay băng, hai mắt tôi  luôn bị bó kín, kể cả khi ăn ngủ, tắm rửa.

Vết thương nặng, phải chuyển về tuyến sau điều trị. Tôi được võng từ Khe Sanh sang Lào, rồi lại từ Lào vượt qua dãy Trường Sơn. Mắt băng kín, nhức nhối kinh khủng vì liên tục tiêm thuốc chống nhiễm trùng. Nhiều lần trên quãng đường, tôi nửa mê nửa tỉnh, chỉ nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên đầu. Tới được Quảng Bình, vết thương đã kéo dài gần 3 tháng . Bác sĩ bảo không thể giữ nổi con mắt bên trái, phải mổ gấp để múc ra.

Người mổ cho tôi là đại úy quân y Nguyễn Văn Dần, chủ nhiệm khoa mắt của Bệnh viện quân y Quân khu V. Phòng mổ được đặt tại một hầm bán âm, chìm 2/3 dưới đất, nôí với các khu xung quanh bằng giao thông hào. Bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ: đó là một căn hầm quây bằng vài trắng, mái lợp lá cọ, còn bàn mổ chỉ là một tấm phản được đặt trên cọc gỗ.


...Và hiện tại

* Ca mổ múc mắt không thuốc tê

Thông thường, những ca mổ như trường hợp tôi phải dùng thuốc mê liều cao, hoặc  ít ra là tiêm 3, 4 mũi thuốc tê quanh hốc mắt. Tuy nhiên, do đường vận chuyển liên tục gián đoạn, kho thuốc của bệnh viện đã cạn hết khi tôi về tới nơi.

Suy đi tính lại, bác sĩ Dần hỏi: “Cố chờ thuốc về thì tôi lo không giữ được cả 2 con mắt. Nhưng mổ “sống” không có thuốc thì Lương chịu được không?”.Tôi cười : “Bác sĩ cứ yên tâm”. Bác sĩ Dần lắc đầu: “Đau lắm đây. Có khi kéo dài cả tiếng.”

Ca mổ đó có 1 y sĩ và 3 y tá làm phụ tá cho bác sĩ Dần. Các y tá định lấy dây trói tôi xuống phản, rồi lấy đũa cả cuốn bông vải ngáng ngang miệng vì sợ nghiến đứt lưỡi khi đau. Tôi xua tay rồi tự bám chặt 2 bên mép phản khi ca mổ bắt đầu. Bác sĩ gắp mảnh đạn ra khỏi vết thương, sau đó múc bỏ con mắt trái.

Đến giờ, tôi cũng rất khó dùng lời để kể hết cảm giác đau đớn trong suốt ca mổ. Để so sánh, có lẽ nó giống với cảm giác bị ai đó dùng đá đè chặt lên đầu. Rồi từ đỉnh đầu, khối đá ấy cứ đè nặng dần xuống, lan ra khắp toàn thân, tới mức không thở được. Tôi nghiến tưởng đến gãy hết hai hàm răng rồi rên hừ hừ. Mồ hôi ướt sũng khắp người.Tới khi ca mổ kết thúc, tôi gần như lịm đi vì quá đau.

Đưa ra phòng hậu phẫu nằm nghỉ, đầu tôi lại càng buốt  nhói, còn máu từ mắt trái thấm đẫm lớp băng, rỉ xuống gò má. Để khỏi rơi vào mụ mị, tôi tự lẩm nhẩm những câu thơ đã đọc. Rồi lẩm nhẩm tự làm mấy câu thơ về mình: Sức đã kiệt nhưng đầu ta vẫn đầy kiêu hãnh/Thân tuy tàn nhưng ý chí ta vẫn kiên cường/Sống là phải đập tan nỗi khổ/ Phải hiên ngang như mãnh hổ trên rừng...

Mấy câu thơ làm vội ấy, tôi đọc đi đọc lại. Rồi, để khỏi gào lên vì đau đớn, tôi đọc to lên lúc nào không hay. Trong lúc chập chờn ở ranh giới của hôn mê ấy, tôi vẫn còn nghe tiếng bác sĩ Dần chạy sang hỏi: “Thơ Lương à, hay đấy. Đọc lại đi để tớ chép...”

* Mắt giả cũng vỡ bị đạn địch

 Bác sĩ Dần hiện giờ đã mất. Năm 1973, tôi gặp anh lần cuối cùng tại Ninh Bình. Khi đó, anh đã là thiếu tá, Giám đốc quân y viện số 5 tại Ninh Bình, còn tôi theo đoàn làm phim “Bài ca ra trận” đi quay một số cảnh tại rừng Cúc Phương nên có dịp ghé thăm anh. Ôn lại câu chuyện cũ, bác sĩ Dần không quên hỏi thăm về bên mắt mà anh phẫu thuật cho tôi.

Năm 1969, sau khi lắp mắt giả, tôi lại tham gia hàng loạt chiến dịch lớn nhỏ trong chiến tranh chống Mỹ. Trong một trận đánh vào năm 1971 tại đường 9 Nam Lào, tôi lại bị thương một lần nữa: 2 viên đạn găm vào đùi còn con mắt giả bên trái cũng nhận một mảnh đạn khác và vỡ ra. Nghe chuyện, bác sĩ Dần cười rồi bảo tôi may mắn.

Hơn 40 năm qua, con mắt bên trái đã trở thành một phần quen thuộc của cơ thể tôi. Có lần, khi đá bóng với bạn bè, tôi đá hăng tới mức con mắt giả bật khỏi hố mắt và văng mất, báo hại anh em phải dừng trận đấu để đổ xô đi tìm. Riêng  2 viên đạn AR 15 trong lần bị thương năm 1971 vẫn nằm trong cơ thể tôi, một viên mới được lấy ra năm 1998 còn một viên nằm lại đến giờ...

Chiêu Minh (ghi)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm