Ai mua cát sạch cuối năm…

26/01/2011 14:59 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Từ khoảng 15 tháng chạp Âm lịch, đến Huế ta sẽ bắt gặp hình ảnh những chị nông dân sau ngày mùa lam lũ lại quảy quang gánh nặng trĩu đến chợ Tết hay dọc theo những con phố Huế trầm mặc. Sản phẩm họ quảy trên vai chính là thúng cát trắng tinh, thứ mà người dân Huế dùng để thay cho cát cũ trong bát nhang đón Tết.

Cát ở đây phải là cát thật trắng, không pha lẫn tạp chất, chủ yếu được lấy từ vùng rú cát thuộc hai huyện Quảng Điền và Phong Điền và một số nơi có cát trắng.

Đãi cát như đãi gạo

Thay cát bát nhang ngày Tết

Công việc thay cát trắng trong bát nhang được người Huế hết sức coi trọng và trở thành phong tục, nét văn hóa đón Tết không thể thiếu trong mọi gia đình người Huế. Không phải đi đâu tìm kiếm xa xôi, đã có những người phụ nữ mang cát đến từng ngôi nhà, ngách phố.

15 tháng chạp hàng năm, chị Lê bán cát ở chợ Tây Lộc, TP. Huế lại mang cát trắng đem bán. Cát tuy không phải mua nhưng để có cát trắng sạch đem bán được thì công sức bỏ ra cũng không ít. Từ những ngày Hè, vợ chồng chị đi tìm nơi cát thật trắng và mịn ở rú cát huyện Quảng Điền rồi mang về nhà nhặt nhạnh rác rến, đá sỏi rồi mới mang xuống sông để gạt đãi tiếp những tạp nham, bụi đất. Sau đó anh chị gánh về nhà phơi cho cát thật khô và đóng vào bao, chăm chút như thóc, như gạo để đến những ngày cuối tháng chạp mới đưa đi bán.

Cát trắng không bán theo cân mà bán theo lon, 1 nghìn đồng/lon. Mỗi ngày chị bán khoảng 100 lon cát. Với những người dân quê nghèo như chị, đây cũng là nguồn thu nhập quan trọng trong những ngày gần Tết để có tiền lo cho cái Tết thêm tươm tất.

Khi mua cát thay bát nhang, không ai mặc cả dăm xu ba hào vì “của một đồng, công một nén”. Hơn nữa, trong cát bát nhang mang đậm sắc thái tâm linh, chỉ cần cát mịn màng, trắng sạch và khô ráo là mua. Mỗi gia đình mua ít nhất cũng một vài lon, có nhiều gia đình mua cả chục lon tùy vào số lượng bát nhang trong nhà.

Để một mai tôi về làm cát bụi

Bà Sử, năm nay đã 75 tuổi cho biết: “Năm nào tôi cũng mua năm lon cát trắng để về thay bát nhang. Người ta đã làm sạch nhưng mỗi khi mua về, tôi đều đãi lại bằng nước sạch rồi phơi thật khô mới thay vào bát nhang. Năm nay do mưa lạnh liên tục, không có ngày nắng nên tôi phải dùng chiếc chảo mới mua để rang trên bếp lửa cho khô mới thay”.

Thời gian thay cát bát nhang thường diễn ra từ ngày 20 - 22 tháng chạp, lúc này các gia đình sửa soạn lại nơi thờ tự ông Táo để đưa ông Táo lên trời. Trước khi rước ông Táo mới về, bát nhang thờ ông Táo và tất cả bát nhang thờ tự trong gia đình cũng phải được thay cát mới.

Người dân Huế mua cát trắng trong phiên chợ ngày Tết
Tuy nhiên cũng có nhiều gia đình thay cát bát nhang vào ngày giáp Tết, miễn sao hoàn thành trước khi làm “Lễ lên nêu” mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Điều quan trọng khi thay cát, người ta thường đổ hết cát cũ đi và lau rửa bát nhang thật sạch, cũng có người chỉ bỏ đi một phần trên của bát nhang cũ và phủ lên 1 lớp cát mới, nhưng cũng rất tươm tất, sạch sẽ; những chân hương năm cũ phải được hỏa táng, không vứt lung tung.

Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình, là nơi lưu giữ nhiều ký ức tình cảm giữa các thế hệ, chính vì thế bát nhang là cầu nối tâm linh của các thế hệ trong gia đình nên cát trong bát nhang phải cực kỳ sạch sẽ và tinh khiết.

Ngày Xuân, thắp hương chúc Tết ông bà. Hình ảnh những bát nhang đầy cát trắng sạch tinh khiết nhắc nhở ta nhớ đến những người đã khuất.

Chợt nhớ lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi - con người sinh ra từ cát bụi và cuối cùng cũng trở về với cát bụi. Hình như trong bát nhang đầy cát đó, ta thấy một phần cái hồn của tổ tiên về sum họp với con cháu trong những ngày Tết, lấp lánh niềm vui đoàn tụ, niềm tin một năm mới an bình, tô điểm thêm cốt cách mùa Xuân.

Trần Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm