9 ngư dân Lý Sơn trở về an toàn và sẽ tiếp tục vươn khơi

27/10/2010 11:07 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đúng 11 giờ, ngày 26/10, tàu của Đoàn công tác thuộc Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cùng toàn bộ 9 ngư dân và tàu cá QNg 66478 TS đã về đến bến cảng số 1 Dung Quất an toàn sau gần 20 giờ vượt sóng.

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng 8 thuyền viên trên tàu đánh cá mang biển kiểm soát QNg 66478 TS đã được tàu cứu hộ của Cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 6006 đưa về đất liền bình an sau đúng một tháng rưỡi nổi trôi trong sự mòn mỏi mong chờ của người thân và chính quyền.

Hạnh phúc đã trở lại

Cảng biển nước sâu Dung Quất (Quảng Ngãi) sáng nay bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi một sự kiện được nhiều người đón đợi trong niềm vui sướng tột cùng xen lẫn nước mắt.

Buổi đón 9 ngư dân ngay tại bến cảng số 1 Dung Quất có các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, huyện Lý Sơn và các ban, ngành liên quan còn có nhiều người thân nhân của các ngư dân và nhân dân địa phương. Cuộc trở về từ Hoàng Sa - nơi hàng mấy trăm năm trước cha ông chúng ta đã cắm mốc chủ quyền - của 9 ngư dân Lý Sơn đã trở thành hiện thực. Khi con tàu khổng lồ mới chỉ là một chấm nhỏ xuất hiện trên biển, hàng trăm người đón chờ trên bờ, không ai bảo ai đã ôm nhau rơi nước mắt.


Vợ chồng thuyền trưởng Mai Phụng Lưu - Phạm Thị Lan
trong niềm vui đoàn viên. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm

Vừa đặt chân lên cầu cảng, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu đã ôm chầm lấy người thân, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt sạm nắng nhưng cương nghị của người thuyền trưởng quả cảm. Mắt anh ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ bến. Trong vòng tay của chồng, chị Phạm Thị Lan người đã từng khóc hết nước mắt vì chồng, vì con trải lòng: “Đúng anh rồi! Đúng những đứa con của em đây rồi. Nhiều đêm rồi, cả nhà mình không ngủ được, mong trời mau sáng để đón anh và các con về”.

Sóng biển vẫn ồn ào như thể chia sẻ niềm vui của những người vợ, người mẹ.

Tôi nhìn sang các ngư dân khác, vốn là những con người mạnh mẽ nơi đầu sóng ngọn gió nhưng mắt ai cũng đỏ hoe trên khuôn mặt rạng ngời niềm hạnh phúc. Chờ phút ngẹn ngào qua đi, tôi đến bên đôi vợ chồng ngư dân trẻ Bùi Văn Minh - Phạm Thị Lành bắt chuyện. Chị Lành khóc, chỉ nói được một câu: “Em cảm ơn mọi người đã mang đến hạnh phúc trở về với mẹ con em”.

“Kình ngư” Bùi Văn Minh ôm đứa con chưa tròn 16 tháng tuổi đã phải vất vả theo mẹ từ Lý Sơn đang mùa biển động vào bến cảng Dung Quất để kịp đón cha với một niềm cảm xúc không nói nên lời. Anh úp khuôn mặt thơ ngây của con vào ngực, như thể để tim mình thấu được phút giây hạnh phúc ấy...

Mỗi chuyến ra khơi không chỉ là cuộc mưu sinh


Ngư dân Nguyễn Đảng ôm con gái trong giọt nước mắt hạnh phúc. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm

Những ngày ở đảo Lý Sơn để chờ tin anh Lưu cùng các bạn chài, tôi hiểu tấm lòng của những con người nơi đầu sóng ngọn gió này dành cho nhau. Dù suốt ngày trên đảo có mưa, có hôm mưa rất to nhưng ngay từ sáng sớm, hàng trăm người không ai bảo ai đã kéo nhau ra bến thuyền hướng mắt ra khơi xa chờ mong. Có cảm nhận được điều đó mới thấy được ý nghĩa của ngày đoàn viên to lớn và hạnh phúc đến nhường nào.


Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã ra tận cảng để đón ngư dân. Những ánh mắt, nụ cười, những bàn tay nắm lấy bàn tay gần gũi, thân thương đến lạ!

“An toàn rồi! Chúc mừng các anh em. Cảm ơn những chiến sĩ tàu 6006” - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Cao Khoa nói rất to dưới chân cầu cảng khi hai bàn tay ông nắm chặt tay của hai thuyền trưởng: thuyền trưởng Quản Dương Bình tàu 6006 và thuyền trưởng QNg 66478 Mai Phụng Lưu. Giọt nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt của ông Phó Bí thư Tỉnh ủy thường ngày vốn cương nghị là vậy.

Giọng ông hào sảng: “Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá trên biển từ bao đời nay. Mỗi chuyến ra khơi không chỉ là vì cuộc mưu sinh mà còn là cùng với Đảng, chính quyền kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Nhân dân Quảng Ngãi sẽ luôn sát cánh cùng ngư dân mỗi chuyến đi biển và có những việc làm thiết thực để hỗ trợ, sẻ chia giúp ngư dân vượt qua thiên tai, rủi ro trên biển”.

Buổi gặp mặt 9 ngư dân, đã có nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ mỗi ngư dân bị nạn với tổng số tiền gần 15 triệu đồng. Ngoài tiền mặt, UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/tháng trong vòng 3 tháng đối với 9 hộ ngư dân gặp nạn.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 6006 Quản Dương Bình kể với tôi: “Sau hơn 18 giờ đồng hồ vượt sóng cấp 5, cấp 6, đúng 15 giờ 5 phút ngày 25/10, tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp cận và đón 9 ngư dân tàu QNg 66478 TS. Vừa gặp nhau, những thủy thủ tàu và các anh em ngư dân không kìm được xúc động. Nhiều anh em đã khóc...”.

Cũng là cuộc hành trình vượt qua những con sóng dữ, nhưng hành trình đón ngư dân trở về lần này thật không thể nào tả hết được. Khi đón ngư dân và lai dắt tàu về ngay trong đêm 25/10, dù rất mệt sau chặng đường dài lênh đênh trên biển nhưng không ai chợp mắt. Họ kể cho nhau nghe nỗi niềm mong đợi, nỗi khát khao trở về. Có lẽ đây cũng chính là lý do để cán bộ, chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 6006 (Cục Cảnh sát biển Việt Nam) và Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) được UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng Bằng khen trong ngày trùng phùng của gia đình các ngư dân.


Tàu cứu hộ 6006 của Cảnh sát biển Việt Nam đưa các ngư dân cập cảng Dung Quất Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm
Mới được phong thuyền trưởng hồi tháng 9/2010, đến nay Quản Dương Bình đã có 2 chuyến vượt sóng ra khơi. Cả hai chuyến hải trình này đều là vì tàu cá QNg 66478 TS. Lần thứ nhất, tàu nhổ neo lúc nửa đêm ngày 15/10 thẳng hướng Hoàng Sa tìm kiếm tàu cá QNg 66478 TS trên đường trở về nhưng không liên lạc được. Các anh em trên tàu lòng như lửa đốt cho đến khi nhận được tin 9 ngư dân này đã cặp đảo Trụ Cẩu an toàn. Chuyến thứ hai, là chuyến ra khơi đón 9 ngư dân do Trung Quốc bàn giao.

Quản Dương Bình tâm sự: “Đó là kỷ niệm không thể nào quên trong đời đối với tôi. Trong suốt hành trình cùng những ngư dân Quảng Ngãi, tôi hiểu thêm về niềm khát khao bám biển mưu sinh và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Tiếp tục vươn khơi

Nghe thuyền trưởng Quản Dương Bình tâm sự, bất chợt tôi nhớ lời của vị Chỉ huy trưởng ngư trường Hoàng Sa - Lão ngư Dương Chính, rằng: “Với mỗi ngư dân Lý Sơn nói riêng và ngư dân cả nước nói chung, hết thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hải sản, bởi nơi ấy không những là ngư trường giàu hải sản mà hàng mấy trăm năm trước cha ông chúng ta đã từng khai thác, nơi ấy còn là một phần máu của Tổ quốc, của chúng ta”.

Đại tá Trần Trung Kiên - Chính ủy vùng Cảnh sát biển 2 chia sẻ với ngư dân: “Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm để mỗi chuyến ra khơi của ngư dân được an toàn, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quốc tế; khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam”. Tàu cá QNg 66478 TS sau khi được lai dắt về Dung Quất đã được UBND tỉnh chỉ đạo để tàu lại đất liền sửa chữa, nhanh chóng “hạ thủy” vươn ra khơi xa.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Trong thời gian tới huyện sẽ thành lập 10 đội tàu làm dịch vụ hậu cần có công suất mỗi chiếc 2000 CV để tiếp tục vươn ra các vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa để cung cấp lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu vừa vận chuyển hải sản ngư dân khai thác được vào đất liền, đảm bảo cho ngư dân có đủ điều kiện đánh bắt hải sản dài ngày trên biển.

“Các kình ngư Lý Sơn chắc chắn có mặt trong đội tàu hùng mạnh của huyện đảo Lý Sơn nói riêng và của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, tiếp tục vươn xa” - Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu nói trong tiếng cười. Nụ cười của người thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm. Hào sảng và đầy kiêu hãnh.

5 ngày trôi dạt trên biển

“Ngày 11/10 khi tàu trên đường trở về thì bị hỏng máy, mọi nỗ lực đều vô vọng. Con thuyền cứ thế lênh đênh trôi dạt trên biển. Nhưng chúng tôi là những "kình ngư", những người can trường. Tôi vừa động viên anh em bình tĩnh, mặt khác tôi lệnh cho các thuyền viên dùng tất cả các vật dụng có thể dùng được, kể cả chăn màn quần áo làm cánh buồm cho tàu trôi đi để nuôi hy vọng sống còn. Tàu trôi dạt trên biển suốt 5 ngày liền thì gặp tàu Trung Quốc và họ kéo tàu của chúng tôi về đảo Trụ Cẩu. Khi đặt chân lên tàu Cảnh sát biển 6006 trong lòng chúng tôi ai cũng có cảm giác là mình đã đặt chân lên đất liền của Tổ quốc trong sự đùm bọc của đồng bào” (Ghi theo lời kể của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu)


Đoàn Hữu Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm