60 năm ký kết Hiệp định Geneve (7/1954 - 7/2014): Ước mơ khắc khoải bên cầu Hiền Lương

21/07/2014 10:56 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - 60 năm, trọn một vòng quay của đất trời, nhưng với người Việt Nam mà đặc biệt là người Quảng Trị sống ở hai bên bờ sông Bến Hải, dường như nỗi đau chia cắt đó chưa thể nguôi ngoai. Chẳng thế mà dù đang chống chọi với ung thư, nhà văn, nhà báo “đất lửa” Tân Linh đã ngồi trên giường bệnh miệt mài cuốn trường ca Hiền Lương bảy nhịp về những ngày đau thương xa tắp...

1. “Nỗi đau chia cắt đó kéo dài 21 năm trời với biết bao nỗi niềm, bao thân phận bên cây cầu, bên dòng Bến Hải và cả đất nước. Tôi viết gấp gáp thảo những dòng thơ về những tháng ngày đó trên giường bệnh với nỗi sợ đeo bám - sợ chết. Chết mà chưa viết được về cây cầu lịch sử, tôi không đành...” - nhà báo, nhà văn, nhà thơ Tân Linh chậm rãi kể.

Nhà văn Tân Linh

Nhà văn Tân Linh

Trên tay anh là tập trường ca đã kịp hoàn thành và ra mắt bạn đọc trong dịp kỷ niệm này (Xem bài Nhà thơ Tân Linh: 7 nhịp cầu Hiền Lương và 754 câu thơ trên TT&VH số ra ngày 18/6).

Hiệp định Geneve được ký kết, đánh dấu sự thắng lợi của nhân dân Việt Nam trước thực dân Pháp. Nhưng cũng từ đây, Bắc - Nam chia lìa, một cuộc chia lìa mà ít người ở thời điểm đó hình dung được sẽ kéo dài tới hơn 2 thập kỷ với biết bao máu xương và nước mắt.

Với những người sống ở đôi bờ sông Bến Hải, họ bỗng trở thành chứng nhân của một giai đoạn lịch sử bi thương nhưng hào hùng. Cậu bé Phạm Quang Tính (tên thật của nhà báo Tân Linh) năm nào là một trong số đó.

Nhà báo Tân Linh kể: Tôi sinh ra bên bờ Bến Hải, tuổi thơ của tôi gắn liền với cây cầu Hiền Lương. Thuở nhỏ, khát vọng của tôi là bước qua vạch sơn trắng giữa cầu (ranh giới chia cắt hai miền - PV). Thời đó, trẻ con tuyệt đối không được bước qua. Chỉ có người lớn, có giấy thông hành mới được sang đi chợ.

Và việc chạy chơi suốt 2 đầu cầu là ước mơ của đám trẻ Vĩnh Linh (Quảng Trị) ngày đó. “Ước mơ đó theo suốt tuổi thơ chúng tôi. Nó cũng là động lực để khi chúng tôi lớn lên, tình nguyện cầm súng bước vào cuộc chiến chinh. Chúng tôi muốn mình được đứng bên kia cầu, được xóa sạch cái vạch trắng ám ảnh. Và hơn thế, chúng tôi muốn tuổi thơ con em mình sẽ có nhiều mơ ước hơn là đi qua cây cầu nối hai bờ quê hương” - nhà văn Tân Linh nhớ lại.   

Và cuộc trường chinh để xóa nhòa “vạch trắng” của dân tộc Việt đã kéo dài 21 năm. 21 năm xương máu, 21 năm ly tán, 21 năm đợi chờ...


Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự hội nghị Geneve

2. Trong 21 năm đó, có lẽ, đôi bờ Bến Hải chứng kiến rõ hơn cả nỗi đau của dân tộc. Đặc biệt là những ngày lễ và ngày Tết Nguyên đán. Nhà báo Tân Linh không sao quên hình ảnh bà con ùn ùn từ các ngả miền Bắc đi bộ, đi xe đạp mấy trăm cây số ra bờ Hiền Lương để nhìn sang bên kia - miền Nam, nơi có người thân. Người miền Nam cũng vậy, họ đứng bên bờ Nam con sông hướng về bờ Bắc với vọng.

Người hai bên bờ sông không sang được bên nhau, chỉ nhìn nhau với cái bóng xa xăm mờ mờ. Rồi cùng gọi nhau. Rồi cùng khóc. Dù chẳng ai biết trong đám đông bên kia bờ có người thân mình không, do cự ly quá xa, song cứ thấy đồng bào mình là thấy được an ủi. Tiếng gọi vang qua dòng sông chỉ í ới không còn rõ lời. Dòng nước mắt rơi chung hòa cùng dòng Bến Hải cũng vậy. Đau đứt ruột!

“Trong những ngày nằm trên giường bệnh viết tập trường ca “Hiền Lương bảy nhịp”, hình ảnh những chiếc nón vẫy vẫy trong vô vọng ở hai bờ Hiền Lương vẫn chập chờn trong tâm trí tôi”- nhà báo Tân Linh kể.

“Nhưng cái gì đến cũng phải đến” - nhà báo Tân Linh nói tiếp - “Tháng 4/1975, non sông liền một dải. Hình ảnh người miền Nam tập kết ở Bắc, người miền Bắc vào Nam chiến đấu được về quê qua cây cầu Hiền Lương (lúc đó là cầu phao do cầu cũ bị đánh sập) sao mà đẹp! Cầu Hiền Lương như vỡ òa trong hạnh phúc. Hết chia cắt, hết ly tán. Hết cảnh người với người chỉ thấy nhau như những cái bóng chập chờn. Cảm giác của những người chứng kiến suốt cuộc chiến tranh như chúng tôi khi thấy cảnh đó thật đúng như lời của cố nhạc sĩ Văn Cao: “Ôi giờ phút, yêu quê hương làm sao, trong Xuân vui đầu tiên...” (Mùa Xuân đầu tiên - Văn Cao).

Thậm chí, có những người đứng trên cầu mà ngẩn ngơ. Suốt 21 năm chia cắt, con người còn chưa quen với... đoàn tụ. Họ không tin rằng giấc mơ canh cánh mà họ đã dành trọn đời để tranh đấu lúc đó đã thành sự thật.

Và nay, gần 4 thập kỷ đã đi qua kể từ ngày vạch trắng trên cầu Hiền Lương bị xóa nhòa, nhà báo đất Vĩnh Linh vẫn bồi hồi khi nhắc lại hai từ “thống nhất”.

Từ ngày 24/6 đến 20/7/1954, phái đoàn Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể nhằm khẳng định giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước Việt Nam.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về Đông Dương bắt đầu được ký kết với nhiều văn kiện. Ngày 21/7/1954 Chính phủ Pháp chính thức ra bản tuyên bố của mình. Trong đó, nêu rõ Pháp sẽ rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia. Thời gian rút quân sẽ theo thỏa thuận của Pháp và Chính phủ các nước liên quan.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm