3 ngày tại 'khúc ruột' Quảng Bình

01/09/2013 02:03 GMT+7 | Thế giới

(Khám phá - TT&VH) - Trước đây, khái niệm “du lịch biển” trong tôi là những chuyến đi nghỉ dưỡng cùng cơ quan bố mẹ, những chuyến đi gói gọn trong khách sạn – tắm biển – khách sạn.



Chuẩn bị lên đường

Bởi vậy, tôi không dành nhiều hứng thú lắm khi lũ bạn lớp Đại học rủ biển Quảng Bình – quê một cô bạn trong lớp. Những gì tôi biết về Quảng Bình chỉ là đó là miền đất cát trắng gió lào, nơi hẹp nhất đất nước và là nơi cô ca sĩ Hồ Ngọc Hà chào đời. Thế rồi, sau 2 cốc nhân trần và 3 cái bánh bột lọc đặc sản nơi Quảng Bình nắng gió, cộng với một chút máu điên nổi loạn của tuổi thanh niên, tôi gật đầu đồng ý với chuyến du lịch 3 ngày tại mảnh đất miền Trung.



Bánh canh quán Sương Hồng bùi, ngọt, cay, hăng

Chuyến đi diễn ra vào đầu hè, ngay sau khi những kì thi ở trường đã kết thúc êm đẹp.  Xe khách đến Đồng Hới lúc 5h30 sáng, cảm giác giống như đặt chân tới một đất nước khác vậy. Không khí trong lành, đường phố vắng tanh, gió biển quyện với gió sóng ùa vào từng góc nhỏ trong cơ thể khiến tôi không còn nhớ rằng chỉ cách đó 10 tiếng, tôi vẫn ở mảnh đất thủ đô nắng nóng, oi bức và ngột ngạt.

Ngày 1:

Người bạn chủ nhà thết đãi lũ chúng tôi bữa sáng là bánh canh Sương Hồng đường Lê Văn Hưu. Giống như tính cách người Quảng Bình mộc mạc, chân chất, về hình thức cháo canh không đẹp mắt và cầu kỳ như phở. Loại sợi bánh canh này được làm thủ công, từ nhào, cán, cắt mỏng nên khá to, dày, cứng. Thêm nước dùng sền sệt với sự kết hợp của cá, tôm, thịt heo nạc... Bát bánh canh được rắc lên hành, ngò thái mỏng thơm lừng, ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ tạo cảm giác bùi bùi, cay hăng khi thưởng thức. Quan trọng hơn cả là cái giá 20000đ/bát thực sự phù hợp với túi tiền sinh viên. 



Quảng Bình quan

Mượn gia đình được 3 chiếc xe máy, cả lũ lòng vòng thăm quan đường phố, qua cầu Dài, cầu Ngắn, cầu Nhật Lệ, Quảng Bình quan... hít hà cho đầy lồng ngực bầu không khí trong veo không khói bụi. Con người Quảng Bình mộc mạc, giản dị và chân thành. Giọng miền Trung quả thật hơi... khó nghe với tôi, nhưng đó đâu phải bức tường cản trở chúng tôi kết nối tình cảm.



Bữa cơm trưa thịnh soạn, linh đình

Bữa trưa hôm ấy, lũ sinh viên vốn chỉ biết đến mỳ tôm, cơm trắng, hoặc cùng lắm là đồ ăn nhanh được phen tròn xoe mắt với bữa cơm do gia đình cô bạn chuẩn bị. Cá kho cay nồng (khá là khó ăn vì vị cay rất đậm – mục đích để khử tanh cho đồ biển), canh dưa hấu non xanh vị mát nhẹ, mà nếu không có chuyến đi này có lẽ tôi chẳng bao giờ biết đến món ăn này.



Cá kho siêu cay đậm vị miền Trung

Buổi chiều khi hoàng hôn xuống, cả đám chúng tôi lao ra biển Bảo Ninh như những chú chó con bị nhốt lâu ngày. Cuối tháng 6 là tầm bão tan nên bầu trời trong xanh và sâu thẳm, xóa tan cái quan niệm “Quảng Bình cát trắng gió lào” trong tôi. Biển hiền dịu vỗ từng đợt sóng rì rào vào bờ cát trắng phau trải dài không một bóng người. Phải nói là chúng tôi đã gặp may. Ngoài việc được bầu trời chiêu đã cảnh hoàng hôn đẹp không thể tả hết bằng ngòi bút viết, chúng tôi còn được bắt gặp cầu vồng đôi và ngay sau đó là một bầu trời đêm dày đặc sao, điều mà ở thành phố khó có thể thấy.



Mực tươi to và giòn thịt

Gia đình cô bạn tôi thật chu đáo, đã chuẩn bị chiếu, bạt, đèn biển, củi, dầu để đốt lửa trại và một mâm cơm hoành tráng với bánh canh, mực tươi, cháo, nem cuốn, dưa hấu... Theo các bác nói lại thì tại vùng biển Quảng Bình có một dòng hải lưu nóng chảy qua, vì vậy các hải sản nơi đây có vị ngọt, vị thơm rất riêng vì ăn những sinh vật ở dòng hải lưu đó. Ăn bữa tối “hảo hạng” trên bờ biển vắng tanh bên đám lửa trại bập bùng, bên trên là bầu trời sao lấp lánh và tiếng sóng biển vỗ bờ rì rào bên tai, tiếng bạn bè trêu đùa vui vẻ, cảnh tượng ấy có lẽ tôi mới chỉ được thấy trong phim Mỹ. 


Ngày 2

Nhắc đến Quảng Bình, có lẽ ai cũng sẽ nghĩ đến Phong Nha, Kẻ Bàng, Hang Tám cô và mong muốn được một lần đặt chân đến đó. Tuy nhiên với tôi, cảnh vật 2 bên đường đi cuốn hút tôi hơn nhiều.



Hoàng hôn xuống trên bãi biển Bảo Ninh vắng vẻ và yên bình.

Mất 1 buổi sáng để thăm quan động, chúng tôi quay lại thành phố với món bún thịt nướng đường Bà Triệu cho bữa trưa. Đó là một món ăn có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt và hương thơm của vừng quyện với thịt nướng bốc lên ngào ngạt, đủ để đánh thức các giác quan đã thấm mệt sau một buổi sáng đi bộ. Một bát bún như vậy có giá 25000 đồng, và quán còn phục vụ thêm nem lụi và bún mắm nêm.


“Buổi chiều ẩm thực” được bắt đầu bằng bánh bột lọc và bánh nậm đặc sản Quảng Bình. Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng cho bánh chỉ là loại nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng, vừa mặn mòi vị biển. Ở Quảng Bình ngon nhất là bánh lọc của mệ Xá - Đồng Hới. Loại bánh dày công, đủ chất bổ dưỡng ấy lại rất rẻ. Chỉ vài chục nghìn là cả nhà có thể có được bữa liên hoan hoặc mang đi xa thành một món quà quý.



Chuẩn bị lửa trại

Tiếp đó là bánh bèo vườn ở địa chỉ ngõ 27 Lê Thành Đồng, đó là những đĩa bánh tràn đầy từng chiếc mỏng, trắng đến tinh khôi, với tôm chấy vàng rải đều cùng một ít tóp mỡ nằm trên. 20 chiếc bánh tròn, đều tăm tắp được xếp theo hình vẩy cá rất khéo léo trên chiếc đĩa. Bên cạnh đó là hai bát nước mắt được pha loãng, một bát không ớt và một bát có ớt.


Khi ăn, dùng thìa cho nước mắm rải đều trên bánh. Chúng tôi được thưởng thức vị mát dịu của chiếc bánh, cùng với vị thơm bùi của tôm, cảm giác giòn tan của tóp mỡ, và sự đậm đà của nước mắm giữa cảnh vườn yên bình tĩnh lặng, tiếng bì lợn gặp nước nổ lép bép nghe thật vui tai.


Đồng Hới là thành phố gần biển nên giá thành nguyên liệu rẻ và chủ quán rất thân thiện chứ không hề “kẹo kéo”. Giá cho mỗi đĩa bánh to ụ như vậy là 15000 đồng – có thể nói là “sốc” với dân Thủ đô chúng tôi.



Bữa cơm trên bãi biển với những món ăn miền biển gần gũi và giản dị

Kết thúc buổi chiều, chúng tôi dừng chân tại quán ốc ở hồ Đài Truyền Hình. Ngoài ốc ruốc ra thì món ốc ăn vặt ở đây chỉ có ốc xào dừa. Nước xào cay đậm vị, cùi dừa thơm và bùi và thịt ốc săn chắc, quả thật có đi và thưởng thức mới thấy được sự khác biệt của ẩm thực ba miền. Ngoài ốc, quán này cũng khá nổi tiếng với những món ăn vặt độc đáo như đuôi lợn nướng và chân gà “siêu mẫu” nướng.


Buổi tối chúng tôi được “tư vấn” nên đi ăn đồ biển ở các quán dọc bờ biển Bảo Ninh và Nhật Lệ , rất ngon và rẻ. Song lúc này đứa nào cũng no căng rồi nên đành... tạm nghỉ.


Ngày 3

Bắt đầu bằng việc dậy thật sớm đón bình minh lên. Đó là một cảnh tượng kì diệu, mặt trời đỏ hồng từ từ nhô lên phía đường chân trời trong sự hân hoan của dân chài lưới và cả dân du lịch. Có lẽ đây là món quà dành cho nỗ lực dậy sớm của những cô cậu sinh viên quen ngủ nướng chúng tôi. Bữa sáng sau khi “ăn mặt trời” là chiếc bánh mỳ kẹp trứng, patê và sữa đậu. Nghe quen thuộc vậy thôi, nhưng chúng tôi đều phải bất ngờ khi cầm chiếc bánh dày cộp trên tay, và cốc sữa đậu nành ngọt lịm vị đậu chứ không phải vị đường hóa học.



Cảnh vật trên đường đến Phong Nha, Kẻ Bàng

Buổi chiều hôm ấy được dành để mua quà bánh về cho gia đình và chuẩn bị đồ đạc lên xe về Hà Nội. Thứ quà được ưu tiên là khoai deo và bánh bột lọc vì để được lâu. Khoai deo là một món ăn khá đặc biệt, nó ngấm cái nắng chói chang và gió mang hơi mặn của biển Quảng Bình. Khoai deo được chế biến từ những củ khoai lang sống. 


Theo người dân ở đây, khoai lang sau khi thu hoạch về không làm ngay mà phải chất đống một thời gian để khoai được ráo nước, nhưng không được mọc mầm (khoai mọc mầm khi ăn sẽ rất độc). Khi khoai bớt tươi, bề ngoài củ không còn căng mọng và sáng màu thì đem rửa sạch rồi luộc chín. Sau đó bóc vỏ, thái lát mỏng đem phơi dưới trời nắng thật to từ 7 đến 9 ngày. Lát khoai deo ngon phải có màu cánh gián, khi ăn có độ dẻo, ngọt và thơm mùi khoai.



Bún thịt nướng - một món ăn có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt

Lần đầu tôi ăn khoai deo chỉ có cảm giác nó “cứng gãy răng”. Nhưng sau đó biết cách, cắn từ từ từng miếng nhỏ một, bắt đầu nhai thì thấy được cái dẻo mềm cùng vị ngọt nhẹ còn thơm mùi khoai rất ngon miệng. Lúc ấy tôi mới hiểu tại sao khoai deo lại được người Quảng Bình ưu ái gọi là “sâm đất”, nó mộc mạc, xù xì là vậy, song đầy dưỡng chất, và cách thưởng thức nó phần nào nói lên tính cách của con người nơi đây: từ tốn và có chút chịu đựng, kham khổ.



Bánh bèo, tôm chấy và bì lợn

Quảng Bình mang trong mình những bài hùng ca của một thời anh dũng nay bình yên và giản dị với những phong cảnh tuyệt vời và các món ăn ngon đặc sản, khó quên. Quảng Bình, không chỉ là dải đất miền Trung nổi tiếng với vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận di sản thế giới, bờ biển đẹp cùng những câu chuyện lưu giữ lịch sử hào hùng của dân tộc.



Ốc xào cay

Đó còn là tên một vùng đất chứa trong mình nhiều đặc sản mang hương vị đặc trưng khiến cho người đến đây cứ lưu luyến mãi chẳng quay về.



Bình minh lên trên biển Bảo Ninh

Kết thúc chuyến đi 3 ngày, tôi cứ lăn tăn mãi chẳng muốn rời xa mảnh đất này. Một chuyến đi vui vẻ bên bạn bè, một chuyến đi của tuổi thanh niên sôi nổi, chuyến đi đến với một vùng đất mới với khí hậu hiền hòa, những món ăn đặc trưng giản dị mà đậm đà ngon miệng, cùng những con người chân chất, hiền hậu và đong đầy tình cảm.


Hòa mình vào dòng nước biển ban sáng, tắm trọn ánh nắng mặt trời.



Món bánh mì rẻ, nhiều và ngon cho bữa sáng

Bài dự thi "Nơi tôi đã đến" Nguyễn Hồng Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm