12 ngày đêm nhìn từ bàn đàm phán Paris (kỳ 2 & hết)

15/12/2012 15:46 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hội nghị Paris đã phơi bày bộ mặt giả trá của Nixon và cũng là minh chứng cụ thể nhất cho sự tác động của "chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội 40 năm trước.

Ông Lưu Văn Lợi - Thư ký của cố vấn Lê Đức Thọ trong gần 5 năm đàm phán Hiệp định tại Paris - nói: "Dù có rải hàng vạn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc song “Hiệp định ký tắt và ký chính thức tháng 1/1973 không thay đổi gì nhiều với Hiệp định ký tắt hồi tháng 10/1972”.

“Con diều hâu” hiện nguyên hình

* Bối cảnh ngoại giao tại Paris trước 12 ngày đêm B-52 dội bom trên bầu trời Hà Nội và các tỉnh lân cận ra sao, thưa ông?

- Trước 12 ngày đêm B-52 đánh phá Hà Nội - Hải Phòng, không khí "dễ thở" vì tất cả tưởng đã xong: Nixon đã gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nói rõ Hiệp định coi như đã hoàn chỉnh. Kissinger tuyên bố "hòa bình trong tầm tay". Sau khi ta đưa ra dự thảo Hiệp định, ta đã thảo luận với họ rất nhiều, mọi thứ đã sẵn sàng để các bên đặt bút ký.

* Cụ thể, năm 1972, trước và sau bầu cử Mỹ, thái độ của Nixon thay đổi như thế nào?

- Nixon nhún nhường rất nhiều. Từ "con diều hâu", Nixon biến thành "con bồ câu". Nhưng khi tái đắc cử, "con diều hâu" lại hiện nguyên hình. Sau khi Nixon tái cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 37 của nước Mỹ, Nixon lập tức trở mặt. Nixon dùng B-52 như biện pháp cuối cùng và tự tin rằng B-52 là bất khả xâm phạm.

Những phi công bị bắt ở Hilton cũng thừa nhận ý đồ muốn dùng B-52 để áp đặt ta tại bàn đàm phán Paris của Mỹ.

Ông Lưu Văn Lợi nhớ về những ngày tháng đấu tranh ngoại giao căng thẳng tại Hội nghị Paris

*Trong 12 ngày đêm B-52 oanh tạc Hà Nội và các tỉnh lân cận, ta có cuộc đàm phán nào với Kissinger không thưa ông?

- Không. Ngày 14/12/1972, Kissinger nói có một số vấn đề phải về Mỹ bàn với Tổng thống. Ngày hôm sau, ông Lê Đức Thọ trực tiếp về Hà Nội báo tin chuẩn bị tình huống xấu nhất là kẻ thù huy động B-52. Chúng ta cảnh giác, quân đội đã sẵn sàng, dân đã sơ tán nên tránh được thiệt hại rất nhiều.

* Vậy đôi bên nối lại đàm phán khi nào thưa ông?

- Ngay ngày 18/12, ngày B-52 bắt đầu oanh tạc Hà Nội, Mỹ đã gửi thư đòi ta quay lại bàn đàm phán sau ngày 26/12, nhưng ta không chấp nhận. Vì quay lại bàn đàm phán khi quân thù vẫn trút bom trên bầu trời Hà Nội là ta khuất phục. Ta dứt khoát không trả lời, để quân đội chiến đấu. Đến 8/1/1973, khi B-52 đã rút khỏi trời Hà Nội hơn 1 tuần, ta mới trả lời.

Ngày 8/1/1973 các bên quay lại bàn đàm phán; 23/1 các bên ký tắt; 27/1 Hiệp định Paris được ký chính thức. Dù B-52 thảm bại ở trời Hà Nội, lúc quay lại đàm phán, phái đoàn Mỹ vẫn ngoan cố giằng co. Song hiệp định ký tắt và ký chính thức tháng 1/1973 không thay đổi nhiều với Hiệp định ký tắt hồi tháng 10/1972. Và đây là minh chứng cụ thể nhất về chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không".

* Trong những ngày tháng 1/1973 chuẩn bị ký kết hiệp định, ta có đề phòng phía Mỹ lại lật lọng, tấn công ngược trở lại miền Bắc để tiếp tục ra sức ép trên bàn ngoại giao?

- Không. B-52 là sức mạnh lớn nhất và nỗ lực cao nhất của chúng rồi.

Máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi, phơi xác trên cánh đồng ngoại thành trong những ngày cuối tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền!

*Thực tế, ta liên tiếp mở các chiến dịch lớn vào năm 1968, 1972 trùng với những năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Điều đó có tác động như thế nào trong cuộc đấu tranh với đế quốc Mỹ, thưa ông?

- Ta tranh thủ bầu cử để gây sức ép với các Tổng thống Mỹ. Vì trước bầu cử, các Tổng thống Mỹ đều phải có cương lĩnh để thuyết phục cử tri. Ước vọng chung của dân chúng Mỹ là muốn kết thúc chiến tranh, tránh hi sinh tổn hại cho con em họ và nguồn chi phí chiến tranh khổng lồ. Nên ta đẩy mạnh các mặt trận chiến đấu trong thời điểm này.

*Theo ông, Hội nghị Paris đã để lại bài học gì trong việc ứng xử với các cường quốc?

Như Bác đã nói: "Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Đấy là bài học không chỉ ở Hội nghị Paris, còn là bài học muôn thưở trong ngoại giao của Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, ta cũng luôn độc lập về chủ trương và biện pháp. Đồng thời, từ Hội nghị Paris, ta phải nhấn mạnh tinh thần đoàn kết. Chỉ có đoàn kết ta mới chống được ngoại xâm và có đường lối ngoại giao đúng đắn.

*Xin cảm ơn ông!

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm