10 đề án lọt vào chung khảo Cuộc thi Tài năng 2013

24/10/2013 09:47 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu 10 đề án cùng tên tác giả đã lọt vào chung khảo Cuộc thi Tài năng 2013.

Bằng cách nào kết nối hai bên bờ sông giữa lòng thành phố? (Tác giả: Trần Hoàng Việt)

Sử dụng kính màu và hệ khung thép tao ra những "chiếc hộp" rỗng 2 đầu và nối với nhau bằng các lối đi ở phía trên sông Kim Ngưu (và những con sông tương tự). Những đoạn nối này có không gian rất thuận tiện cho việc tiếp cận, lưu thông và tổ chức các hoạt động xã hội.

Tái sinh không gian công cộng (Tác giả Huỳnh Đức Trung - Chu Ngọc Huyền - Nguyễn Thị Thái Hà)

Áp dụng ở các sân giữa trong những khu nhà tập thể cũ. Sửa chữa đèn đường, tăng cường cây xanh và kết hợp ghế và hàng rào với độ cao thấp khác nhau nhằm tạo nên một sự biến đổi vừa tăng độ hấp dẫn cho không gian cũng vừa phù hợp với mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay trình độ kinh tế xã hội. Sự đa dạng  trong hình thức sử dụng sẽ làm tăng cường sự tương tác giữa các thế hệ khác nhau, đó là một cách để giáo dục trẻ em kỹ năng giao tiếp.

Cải tạo không gian "phố đường tàu" (Tác giả: Đinh Thị Huyền Trang - Đỗ Bình Minh - Vũ Duy Long.)

Áp dụng cho khu vực giới hạn bởi đường Trần Phú và đường Điện Biên Phủ (Hà Nội), có cảnh quan xấu và mất an toàn vì nạn lấn chiếm. Tích hợp thêm các bồn hoa, cây xanh, cây leo.

Khu phố nông trại (Tác giả: Nguyễn Hữu Tấn Đạt)

Thuộc phường Bình Trị Đông A (TP.HCM). Chọn khu cuối phố và những căn nhà đầu hồi để cải tạo lại thành không gian phức hợp dành cho sinh hoạt cộng đồng và sân chơi trẻ em. Sử dụng các vật liệu tự nhiên như tre, tầm vông, sọ dừa có sẵn tại địa phương để tạo nên hệ thống vườn rau theo chiều thẳng đứng. Tùy theo loại rau trồng mà khoảng cách giữa các chậu là khác nhau. 

Tác dụng của khoảng trống (Tác giả: Đinh Bá Minh Vương - Bùi Văn An)

Tại Bể bơi Tăng Bạt Hổ, Hà Nội (đang bị bỏ hoang), nơi gần với nhiều công trình đặc biệt như Nhà văn hóa Thanh Niên, khu nghệ thuật số 9 Trần Thánh Tông. Các  khu đất xây dựng được lùi lại để tạo ra khoảng không và cây xanh, hình thành một phần nối dài của vườn hoa Pasteur.

Cải tạo không gian chợ dân sinh (Tác giả: Lương Thu Thảo - Nguyễn Trường Linh - Nguyễn Anh Đức - Bùi Thanh Liêm)

Áp dụng tại các khu chợ dân sinh đang xuống cấp tại Hà Nội. Xây dựng hệ thống tổ hợp mái che mới bằng khung thép, tăng không gian và diện tích sử dụng với những đường nét mềm mại, mô phỏng thân cây, cành cây. Sau khi tan họp, chợ sẽ là không gian thư giãn, uống trà, đánh cờ, tập thể dục và khiêu vũ.

Sân chơi nhện (Tác giả: Lê Danh Quân - Ngô Đức)

Áp dụng trong các không gian ngõ hẹp. Tích hợp không gian chơi cho trẻ theo chiều đứng với những khoảng nhỏ hơn và xếp lệch tầng, kết nỗi bởi thang gỗ, cầu trượt và cả những tấm lưới để kích thích trẻ em hoạt động và khám phá.

Tận dụng và cải tạo không gian trống phía dưới cầu cao của đường sắt trên cao (Tác giả: Lê Thị Thanh)

Áp dụng với đoạn đường sắt kéo dài từ đầu công viên Thống Nhất đến cuối cầu Long Biên, trong bối cảnh Hà Nội sắp có hệ thống đường sắt trên cao. Một số không gian cũ sẽ được sử dụng cho hoạt động buôn bán nhỏ, du lịch, với một đoàn tàu cũ dùng làm quán cà phê. Một số bức tường dưới đường sắt được phá bỏ để thành những vòm trống dưới chân cầu sắt. Tạo ra những điểm nhìn đặc biệt, kết hợp dòng giao thông "mềm" của xe đạp và đi bộ với đường sắt mới để trở thành sợi dây kết nối thành phố với cảnh quan đô thị.

Khu Vinh Bùi Viện (Tác giả: Nguyễn Phước Vinh - Phan Thị Khánh An - Hoàng Hữu Gia Hân)

Lựa chọn phố Bùi Viện của TP.HCM, tạo một tầng đi bộ mới bằng bê tông nhẹ, đôi khi có chức năng làm mái che và sân khấu. Vỉa hè lát đá tự nhiên kết hợp với hệ thống cây leo, tạo "kiến trúc xanh" độc đáo cho góc phố có dấu ấn của "Tây ba lô" bình dân này.

Chiến lược thiết kế lại không gian công cộng cho khu phố cổ Hà Nội (Tác giả: Cung Thành Đạt)

Áp dụng cho các ngách nhỏ, con đường nhỏ bên trong các nhà gần khu vực không gian công cộng của phố cổ Hà Nội, vốn có đặc tính giống các đường làng ngõ xóm truyền thống. Cải tạo với những mật độ khác nhau (10%, 13% hoặc 16% các kiến trúc xung quanh) để chuyển đổi thành những hẻm phố với ánh sáng và thông gió tự nhiên.

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm