Những huyền thoại World Cup - Bobby Moore: Thủ quân vĩ đại

25/04/2014 13:49 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - Khi các cầu thủ Anh chuẩn bị lên nhận cúp vàng Jules Rimet ngày 30/7/1966 sau khi đánh bại Tây Đức 4-2 ở Wembley, đội trưởng Bobby Moore đã rửa tay cẩn thận. Người trao Cúp sẽ là Nữ hoàng Elizabeth II và Moore hết sức tôn trọng Hoàng gia.

Cúp Vàng năm 1966 là danh hiệu lớn duy nhất mà ĐT Anh giành được cho đến thời điểm này. “Tam sư” cũng chưa bao giờ có lại một cầu thủ như Moore. Một trung vệ xuất chúng, một thủ lĩnh đầy uy phong, nhưng là một người rất lịch thiệp cả trong và ngoài sân bóng, Moore vẫn là niềm cảm hứng cho bóng đá cả xứ sở sương mù rất nhiều năm sau khi ông đã qua đời.

Bộ óc của tiền vệ công trong cơ thể hậu vệ

“Tôi luôn coi Bobby Moore là hậu vệ vĩ đại nhất thế giới bóng đá”, Rodney Marsh, đồng đội của ông ở ĐT Anh và Fulham trong những mùa cuối cùng sự nghiệp CLB của Moore, nói. “Tôi sẽ đặt Franz Beckenbauer ở cùng đẳng cấp với anh ấy, nhưng Moore có những phẩm chất có một không hai mà không hậu vệ nào khác có được. Bobby có bộ óc của một tiền vệ công trong cơ thể của một hậu vệ. Anh ấy có thể đảm nhận mọi vai trò phòng ngự, là một cầu thủ giỏi chơi đầu, phán đoán tình huống siêu việt, nhưng khi có bóng, anh ấy biết chuyền bóng, biết tìm ra khoảng trống và có những đường kiến tạo tuyệt vời”

Trong những phút cuối của hiệp phụ trước Tây Đức, Moore chính là người đã tạo ra khoảnh khắc quyết định. Tuyển Anh đang dẫn 3-2, không tự tin lắm với lợi thế mong manh do họ đã 2 lần bị Tây Đức bắt kịp trong 90 phút chính thức. Thay vì phá bóng vội vàng, ông đã đón bóng bằng ngực từ một quả tạt và có đường chuyền gần 50 mét lên cho Geoff Hurst hoàn thành cú hat-trick trong trận chung kết. “Sự vững vàng của Bobby trong một tích tắc đó”, Marsh nói. “Chính là sự vĩ đại nơi anh”.

Hầu hết người Anh đều thuộc lòng câu bình luận của Kenneth Wolstenholme qua truyền hình thời bấy giờ: “Và đây là Hurst! Anh đã có bóng… Đã có người tràn xuống sân! Họ nghĩ trận đấu đã kết thúc! Và trận đấu đã kết thúc”.

Sẽ chưa thể kết thúc những người Đức một cách dễ dàng như thế nếu không có sự sáng tạo và trầm tĩnh của Moore. Bình luận viên đài BBC hiện giờ Jonathan Pearce là đồng nghiệp và bạn thân của Moore khi họ làm việc cùng nhau cho Đài phát thanh Thủ đô ở London trong những năm cuối đời của Moore, một người quê West Ham.

“Anh ấy đã nói rằng: Tôi không có tốc độ và không biết đánh đầu, nhưng đã giành chức vô địch thế giới 1966 cho nước Anh”, Pearce kể lại. “Anh ấy đã quá khiêm tốn về tài năng của mình, nhưng rõ ràng không ai có thể đọc được một tình huống phòng ngự tốt như anh ấy”.

Khiến Pele phải đổi áo

Dù ĐT Anh không thể bảo vệ chức vô địch của họ năm 1970, Moore rời Mexico với danh tiếng càng được củng cố. Trận đấu vòng bảng gặp Brazil ở Guadalajara khẳng định tư cách huyền thoại của ông qua pha vào bóng đẹp mắt chính xác từng giây với một Jairzinho đang bùng nổ lúc bấy giờ. Là một hậu vệ, nhưng Moore hiếm khi nào ngã ra đất. Cầu thủ được thừa nhận là vĩ đại nhất hành tinh, ngay lúc bấy giờ, Pele, đã tìm Moore để xin được đổi áo sau trận đấu. Bức ảnh đó, với hai nhân vật vĩ đại bậc nhất của lịch sử bóng đá, tự nó cũng đã là một huyền thoại.

Khi ĐT Anh không thể vượt qua vòng loại World Cup 1974, Moore giải nghệ ở ĐTQG, khi mới 32 tuổi, và đã có 108 trận khoác áo, bao gồm 90 trận đeo băng đội trưởng. Ông kết thúc những năm chơi bóng của mình ở Anh tại Fulham, nơi ông vào chung kết Cúp FA 1975, rồi sang Mỹ đá thêm 2 năm cho các đội San Antonio Thunder và Seattle Sounders.

Bóng đá Anh không bao giờ tìm ra được một thủ lĩnh vĩ đại như thế, từ đó đến nay.

90 Bobby Moore giữ kỷ lục về số trận đeo băng đội trưởng ĐT Anh, cùng với Billy Wright: 90 trận.

0 Moore chưa bao giờ vô địch Anh ở cấp CLB. Ông chỉ có 2 danh hiệu ở cấp CLB trong cả sự nghiệp: Cúp FA 1964 và Cúp C2 1965, đều với West Ham.

6 Năm 2008, CLB West Ham đã treo chiếc áo số 6 của họ để tưởng niệm Moore, 15 năm sau khi ông qua đời.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm