Góc Hồng Ngọc: San Marino cũng có thể hợp lý hơn Brazil

10/07/2014 06:42 GMT+7 | Bán kết

(Thethaovanhoa.vn) - Chất lượng nhân sự và lối chơi của Đức là điều không phải bàn cãi. Nhưng Brazil sụp đổ chủ yếu do sai lầm trong nhận định chiến thuật và sức ép của khán giả Brazil.

Thật ngạc nhiên khi Brazil nhập cuộc với việc tấn công ào ạt. Đó không còn là phong cách và không phù hợp với năng lực của họ tại giải này. Và nó càng không phù hợp khi đối thủ là Đức, đội chỉ chấp nhận bị tấn công duy nhất trước bậc thầy về cầm bóng Tây Ban Nha, nhưng sau 1 năm Guardiola làm việc tại Bayern thì điều này cũng không chắc còn đúng.

Đức hiện tại hưởng lợi từ việc Guardiola mang đến lối chơi pressing ở Bayern (quá nửa cầu thủ đá chính của đội Đức), và việc Brazil phiêu lưu tấn công đã bị trừng phạt khi giăng đội hình ra, nhưng không thể giữ bóng ngay ở phần sân nhà. Một loạt những pha mất bóng của Marcelo, Fernandinho, Luiz đã khiến Brazil thua vỗ mặt khi các cầu thủ Đức đoạt được bóng và tiếp cận khung thành đối phương chỉ sau 2 đường chuyền.

Nhưng Scolari không phải là một HLV mơ viễn vông đến nỗi không biết mình là ai. Có thể ông chỉ định cho Brazil tấn công dồn dập chừng 15 phút đầu trận để gây bất ngờ cho Đức, sớm có bàn dẫn giúp chủ động trong việc phòng ngự - phản công, nhưng kế hoạch bị đổ bể khi Brazil bị thua quá sớm (11') và không lâu sau đó sụp đổ chóng vánh với 4 bàn thua liên tiếp trong 7 phút (23'-29').

Chúng ta đều có thể nhận ra đó là những bàn thua từ việc mất bóng khi bị pressing, chứ không phải là sản phẩm của những pha tấn công được dàn xếp bài bản hay những khoảnh khắc thiên tài của các cầu thủ tấn công Đức. Nếu có Thiago Silva hay Neymar mà theo đuổi giải pháp này thì tình hình có lẽ cũng sẽ không khá hơn bao nhiêu.

Vậy tại sao Scolari lựa chọn giải pháp đó? Một là sức ép khủng khiếp của Brazil trên sân nhà khiến họ phải thể hiện những khoảnh khắc gần với truyền thống, và phải mạo hiểm để giành chiến thắng. Tại sao là mạo hiểm? Vì đá với Đức nhỉnh hơn về sự cân bằng và hơn hẳn về lối chơi, Brazil có rất ít cửa. Người Đức chơi kiểu gì cũng nguy hiểm, dù tấn công hay phản công. Và Scolari có lẽ hy vọng rằng việc Đức học lối chơi pressing khiến cho họ không còn nhuần nhuyễn trong lối chơi phản công như 4 năm trước, khi họ tàn sát Argentina ở tứ kết, và thực tế ở giải này Đức chưa thể hiện nhiều trong lối chơi phản công. Đơn giản là vì không đối thủ nào dám mạo hiểm tấn công họ như Brazil đã làm.

Chứ đá phù hợp với những gì mình có, có lẽ San Marino cũng không thua Đức đậm như vậy, đừng nói là Brazil.

Hồng Ngọc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm