Đến Brazil hãy tìm cô gái Ipanema

12/07/2014 08:35 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - Cô gái ấy giờ đã quá lục tuần, chẳng ai biết Helo Pinheiro bây giờ dáng vóc ra sao, làn da rám nắng có còn như xưa nhưng họ vẫn gặp lại nàng qua đĩa nhạc, vẫn ám ảnh, khêu gợi và thanh xuân. Vì thế, với The girl from Ipanema, suốt hơn nửa thế kỷ qua, đây vẫn là bài hát được nghe nhiều nhất thế giới.

Hãy đến với Ipanema và đắm say

Năm 1962, Ipanema là thiên đường của tình yêu, của nước biển trong vắt và những quán bar bản địa suốt ngày xập xình điệu bossa nova. Ngày đó, chỉ mới 17 tuổi, “xinh đẹp nhất vùng”, Helo Pinheiro đi ngang qua bãi biển Ipanema mỗi ngày, khi thì đi học, lúc lại đi mua thuốc lá cho mẹ hay cuối tuần lại diện bikini khoe làn da mịn màng cùng nắng trời. Nàng đẹp kinh khủng. Đẹp đến nỗi mà hai tửu khách quen thuộc của quán Veloso ngày nào cũng ngồi chờ nàng đi ngang qua. Thực đơn của họ chỉ có bia Brahma và… Helo Pinheiro.

Hai gã này là ai? Lúc ấy, năm 1962, họ là hai nhân vật thượng thặng của làng văn nghệ Brazil. Một là nhạc sĩ huyền thoại Antonio Carlos Jobim, người đem bossa nova trở thành đặc sản xứ samba ra thế giới. Người còn lại là nhà thơ cách tân nổi tiếng, Vinícius De Moraes. Cả hai đều đã lập gia đình, riêng Moraes thì đã cưới… 9 lần. Nhưng không sao, trước biển, con người thường cô đơn. Jobim và Moraes uống bia như nước và những lúc ấy họ thường ngồi ở Veloso.


Helo Pinheiro và nhà thơ Vinícius De Moraes sau này đã trở thành bạn bè

Thời điểm ấy, sau thành công vang dội của bộ phim Black Orpheus (1959) mà cả hai cùng viết nhạc, họ đang xây dựng ý tưởng về một vở nhạc kịch nói về một gã sao Hỏa ghé thăm Trái đất. Vậy điều gì sẽ gây ấn tượng mạnh nhất nếu gã này đến đây? Lúc ấy cả Jobim và Moraes cùng bật lên: Đúng rồi, sẽ là một nàng nóng bỏng trong bộ bikini trước biển. Nghĩ đến đó xong thì cả hai cùng tắc tị. Họ đã viết được hai phần của một ca khúc mang tên Menina Que Passa (Cô gái đi ngang qua) nhưng họ biết, phần quan trọng nhất, tinh thần của bài hát vẫn chưa được đả động đến, họ cần một hương vị lạ lẫm mà quyến rũ. Đúng lúc ấy, Helo Pinheiro đi ngang qua…

Theo như giai thoại kể lại, bài hát đã được hoàn thành trên tấm khăn giấy lấy ở quầy bar và lần này, khi viết xong, nó được mang một tên gọi khác, Garota De Ipanema (The Girl From Ipanema, Cô gái từ xứ Ipanema).  

The Girl From Ipanema mang tiết tấu bossa nova và nó trở thành sứ giả quan trọng nhất đưa điệu nhạc này lên tầm thế giới. Nhưng đó là chuyện sau này, còn lúc ấy, cả Jobim và Moraes đều khoan khoái vì đã viết một bài hát ưng ý. Họ rất thích phần lời nói về một cô nàng da rám nắng, mát lạnh, vô tình, làm đau buốt bao chàng trai “Nhưng mỗi ngày đi tắm biển/Cô chỉ nhìn thẳng mà không đoái hoài đến tôi/Cô gái Ipanema cứ đi/Tôi mỉm cười khi cô đi qua/Nhưng cô không nhìn, cô không nhìn”. Ngày xưa đã thế, bây giờ vẫn không khác đi. Những cô nàng Ipanema chẳng ban phát một cái nhìn nào cho những gã si tình vì nàng biết lưng nàng đã nóng ran bởi những đôi mắt còn nóng hơn cả Mặt trời.

Ngày 2/8/1962, ca khúc Garota De Ipanema được chơi trong một tửu quán ở Copacabana, và kéo dài suốt 40 đêm. Bộ ba Antonio Carlos Jobim, Vinícius De Moraes và tay guitar vĩ đại Joao Gilberto đã làm say mê người nghe. Đầu năm 1963, Garota De Ipanema được cả thế giới Latin đón nhận qua tiếng hát của Pery Ribeiro. Nhưng Astrud Gilberto, vợ tay guitar lão luyện Joao Gilberto, mới là người đưa ca khúc này ra khỏi biên giới Brazil. Astrud thời điểm ấy là ca sĩ hạng A ở Brazil, tiếng hát trong vắt, nhẹ nhàng và gợi cảm. Phần thu âm được làm tại Mỹ với thành phần toàn “hảo hán”, đặc biệt là tay kèn huyền thoại Stan Getz.

Năm 1964, Hãng Verve danh tiếng phát hành album Getz/Gilberto trong đó Astrud lần đầu tiên hát phiên bản tiếng Anh với tên gọi, The Girl From Ipanema. Kể từ đó, ca khúc này đã trở thành huyền thoại. Năm 1964, ca khúc đoạt giải Ghi âm của năm tại Grammy và leo lên cao nhất ở hàng loạt bảng xếp hạng tại Mỹ và nhiều quốc gia. Ngoài vũ điệu samba và danh thủ Pele thì ca khúc này trở thành mặt hàng xuất khẩu hình ảnh quan trọng nhất của Brazil, thậm chí có tờ báo còn ví von nó quan trọng hơn cả mặt hàng cà phê. Giờ đây, The Girl From Ipanema là ca khúc được nghe và chơi lại nhiều nhất mọi thời, chỉ sau ca khúc Yesterday của nhóm The Beatles.

Mãi mãi tuổi 17

Tửu quán Veloso ngày xưa giờ đã đổi tên thành nhà hàng & bar Garota De Ipanema. Chỗ mà Jobim và Moraes ngồi, tên đường cũ là Rua Montenegro nay đã trở thành Rua Vinicius De Moraes. Lịch sử đã đặt chỗ ngồi mới cho họ. Còn Helo Pinheiro?

Nàng bây giờ đã có 3 con và tất cả vẫn đều đang ở Ipanema. Ngày xưa, nàng chẳng biết hai gã nghệ sĩ kia là ai. Vài năm sau khi The Girl From Ipanema phát hành và nổi tiếng thì Helo Pinheiro mới biết bài hát đó dựa trên cảm hứng về mình. Nàng rất vui về điều ấy. Và sau đó họ thân nhau và thậm chí Jobim từng ngỏ lời cưới nàng nhưng nàng từ chối. Nàng, sau đó lấy một kỹ sư và vẫn sống cùng nhau đến tận bây giờ. Jobim sau này gặp nàng và thổ lộ rằng ông đã cưới vợ mới và người ấy có hình dáng giống nàng.

The Girl From Ipanema đã biến Helo Pinheiro (tên đầy đủ: Heloisa Eneida Menezes Pais Pinto) trở thành một ngôi sao. Nhưng nàng cũng chẳng đoái hoài lắm. Chỉ có điều năm 1987 nàng đồng ý lên Playboy để thế giới chiêm ngưỡng sắc đẹp của mình. Đến năm 2003, một lần nữa, nàng lại lên Playboy và lần này là cùng với cô con gái Ticiane. Năm 2001, nàng mở một cửa hàng quán áo ở Rio và lấy tên là The Girl From Ipanema. Chuyện sẽ chẳng có gì vì nàng xứng đáng nhưng sau đó những người thừa kế của 2 nghệ sĩ kia kiện nàng ra tòa về bản quyền tên gọi. Dư luận dậy sóng. Gần như một đời nàng chẳng nhận một xu từ hai vị nghệ sĩ kia vậy mà giờ đây bị kiện ngược. Cuối cùng, tòa đã đứng về phía Helo Pinheiro.

Nhưng sau tất cả, The Girl From Ipanema vẫn là ca khúc để đời và để lại nhiều ám ảnh. Trong số này có Murakami, văn hào nước Nhật. Ông từng viết một truyện ngắn vào năm 1982 về Helo Pinheiro và The Girl From Ipanema. Trong đó có đoạn “Xinh đẹp, thon thon, nâu rám cô gái xứ Ipanema đi lướt qua trong nhịp vũ khúc samba uyển chuyển đung đưa, cô gái bước... Nhưng nàng chẳng nhìn ta mà chỉ mải mê nhìn ra mặt biển... Cô gái xứ Ipanema đã nhìn biển như thế vào năm sáu mươi ba. Và bây giờ, vào năm tám mươi hai, cô gái xứ Ipanema đang nhìn biển hệt như thế. Nàng không già đi. Nàng đã bị niêm khắc vào trong hình ảnh của bản thân và cứ như vậy mà trượt trôi chậm rãi trên mặt biển thời gian... Nàng vẫn đó, trong chất giọng tenor - saxophone êm dịu của Stan Getz - mãi mãi là cô gái 17 tuổi dịu dàng và thon thả xứ Ipanema. Tôi bật máy, hạ chiếc kim xuống mặt đĩa - và lập tức hình hài thon nhỏ của nàng hiện ra”.

Đến Brazil, đừng tìm Helo Pinheiro của ngày hôm nay mà hãy tìm những cô gái Ipanema.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm