Chuyện tử tế: Đại tá phá rào, hiến đất làm đường

06/01/2014 08:56 GMT+7 | Chuyện tử tế

(Thethaovanhoa.vn) - Về xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), nghe câu chuyện người cựu chiến binh già đi “cấp cứu” một con gà của hàng xóm lúc nửa đêm khiến tôi không khỏi tò mò và muốn được gặp ông.

Ông là đại tá Đặng Hồng Quân, bản Khe Đát, xã Tân Đồng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai, hiện đã nghỉ hưu và là Chủ tịch hội đồng Làng văn hóa Khe Đát.

Dựng cọc tre, đưa điện về bản

Con đường từ trung tâm xã vào làng Khe Đát (làng 100% là đồng bào Dao quần trắng của xã Tân Đồng) đi không khó lắm. Sau 15 phút xuất phát từ UBND xã, chúng tôi đã có mặt tại ngôi nhà sàn khang trang theo kiến trúc người Dao của gia đình ông Quân. Mặc dù đã hẹn trước nhưng khi chúng tôi đến nơi thì ông lại không có nhà. Tắt chiếc máy đang thái thức ăn cho cá, bà Gấm, vợ ông Quân mời chúng tôi vào nhà uống nước và nhanh tay lấy điện thoại di động bấm số của ông.

Dáng người thấp, đậm nhưng nhanh nhẹn cùng giọng oang oang đầy sức sống của người từng chỉ huy trong quân ngũ là ấn tượng đầu tiên khi gặp ông. Sau cái bắt tay chắc nịch, ông tươi cười: “Xin lỗi các anh nhé. Tôi đang mải giám sát việc thi công đường giao thông của làng”. Qua câu chuyện chúng tôi biết thêm, việc giám sát là do ông hoàn toàn tự nguyện. Không ai bầu hay trả công nhưng ông vẫn làm bằng sự nhiệt huyết, bởi với ông đó như là trách nhiệm của mình vậy.

Bên chén chè chân tình của người vùng cao, những câu chuyện ông kể về chiến trường và cả cuộc chiến trên mặt trận diệt giặc đói, giặc cổ hủ, lạc hậu trong bản đã cuốn hút chúng tôi một cách đặc biệt. Sinh năm 1950, năm 1968 ông xung phong nhập ngũ lên đường đi kháng chiến chống Mỹ. Năm 1971, ông Quân học sĩ quan pháo cao xạ, sau đó về công tác tại đơn vị pháo cao xạ H43. Năm 1978, ông Quân được điều động về làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Khương và sau đó được bổ nhiệm làm Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai vào năm 1994.

Sau hơn 40 năm cống hiến, năm 2004, ông về nghỉ hưu tại quê nhà với quân hàm Đại tá. Nhớ lại ngày này cách đây gần mười năm, Khe Đát chưa có điện lưới, người dân vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu tăm tối. Sau nhiều đêm mất ngủ, ông bàn với bà Gấm quyết định dùng tiền tiết kiệm hơn mười triệu đồng và vận động thêm một số hộ khá trong làng đóng góp vật liệu, nhân công đào chôn cột tre để kéo đường điện dài gần ba km từ đường trục về làng. Có điện, đời sống người dân trong làng dần tiếp xúc với văn minh, cuộc sống dần thay đổi…

Điện đã có, nhưng người dân trong làng vẫn phải dùng nước bẩn để sinh hoạt và đây chính là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ trong làng bị đau bụng, đau mắt đỏ, ... Lại nhiều đêm ông không ngủ, bàn với vợ rồi lại quyết định dùng những đồng tiền tích cóp của hai ông bà bấy lâu để mua ống dẫn nước từ đầu nguồn về làng. Tuy nhiên, sau khi đưa ý định của mình ra bàn tại của họp của bản thì cả làng cười ồ và cho rằng ông “dở hơi”. Họ cho rằng, bao đời nay vẫn dùng nước như thế, có đau bụng, đau mắt thật nhưng đã có ai chết đâu? 

Ông Quân "điện" kể về những đổi thay ở bản Khe Đát (Ảnh: QĐND)

Nhưng không nhẽ đành chịu? Sẵn kiến thức của người lính pháo binh cùng sự ủng hộ của gia đình, sau hơn một tháng nghiên cứu và thi công, đường ống dẫn dài trên 4 km đã đưa nguồn nước sạch từ đầu nguồn khe đá từ núi Đèo Thao chảy về nhà ông. Có nước sạch, gia đình ông đào ao nuôi cá các loại, cùng vợ con tham gia khai hoang ruộng bậc thang trồng lúa, trồng hoa mầu và đều cho thu hoạch tốt, nhờ đó cuộc sống ngày càng khá giả.

Thấy gia đình ông làm được, mọi người trong bản đều rất phục và xin ông cho dùng chung nguồn nước. Không những đồng ý, ông còn nhiệt tình hướng dẫn bà con cách thức lấy nước, xây bể lọc nước, khai khẩn ruộng bậc thang... Đến nay, cả bản có 96 hộ thì hơn 2/3 số hộ đã có nước sạch dùng, cái đói, cái nghèo đang lùi dần vào quá khứ, bản làng đang từng ngày khởi sắc.

Phá rào, hiến đất

Nói về ông Quân, anh Triệu Văn Ánh, người dân cùng làng cho biết: Cả làng ai cũng quý mến và tin tưởng vào ông. Nhờ gia đình ông hiến 1.200 m2 đất thổ cư do tổ tiên để lại mà làng Khe Đát mới có đất dựng nhà văn hóa. Đây không chỉ là nơi diễn ra các cuộc họp thôn mà còn là địa điểm để tổ chức các lễ hội cầu mùa, trình diễn lễ cấp sắc, hát giao duyên, các trò chơi thể thao truyền thống dân tộc như bắn nỏ, kéo co...

Rồi khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Quân bàn với vợ tự nguyện phá 25 mét hàng rào xây kiên cố, hiến 50 m2 đất thổ cư, chặt hơn 100 cây bồ đề và trên 750 m2 đất đồi để làm đường giao thông nông thôn mà không đỏi hỏi một đồng đền bù. Không chỉ tự nguyện hiến đất, ông còn vận động bà con tích cực tham gia và nhiều gia đình khác cũng hiến đất, ao cá để làm đường giao thông như các hộ Đặng Thị Nhầm, Lâm Văn Minh, Bàn Văn Hiền...

Được nhân dân tín nhiệm bầu là “Chủ tịch hội đồng làng văn hóa Khe Đát” nhưng người dân trong làng thường gọi ông bằng nhiều cái tên trìu mến khác như: ông Quân dân vận, ông Quân điện, ông Quân hòa giải, ông Quân nước sạch, ông Quân hiến đất… Bởi vậy, hầu như tất cả các việc trong làng đều có hình dáng của ông. Vợ chồng xích mích cũng tìm đến ông nhờ giải quyết, hàng xóm xô xát cũng nhờ ông đứng ra giảng hòa, đường ống dẫn nước hỏng cũng chạy sang nhờ ông sửa, rồi đến cả chuyện con gà ốm cũng nhờ ông sang “cấp cứu” lúc nửa đêm…

Ông Phí Văn Chí, chủ tịch xã Tân Đồng khẳng định: Cựu chiến binh, Đảng viên Đặng Hồng Quân là một tấm gương sáng trong việc vận động quần chúng thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các hương ước của làng xã... Ông đúng là một Cựu chiến binh phát huy được bản chất của " Bộ đội Cụ Hồ", trong cuộc sống đời thường và là một con người " ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Với hàng chục Bằng khen, Giấy khen mà các cấp, các ngành trao tặng cho ông đã phần nào nói lên công việc mà ông đã và đang làm. Đặc biệt, trong đợt kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ về thăm Yên Bái vừa qua, ông đã được chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chi Minh.

Chia tay cựu chiến binh Đặng Hồng Quân, chia tay Làng văn hóa Khe Đát khi mặt trời dần khuất sau đỉnh Đèo Thao, tôi nhớ mãi lời ông nói: “Dân có tin thì mới tìm đến mình. Con gà sống hay chết sau cấp cứu là chuyện nhỏ, nhưng đi hay không lại là chuyện không hề nhỏ bởi đó là ý thức của mỗi con người”.

Trung Kiên - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm