VPF qua những góc nhìn

17/01/2012 14:18 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Đánh giá về năng lực thực sự của VPF chỉ sau vỏn vẹn 3 vòng đấu của Super League và giải hạng Nhất 2012 chắc chắn không phải là một việc làm khách quan và chính xác. Bởi thế, TT&VH xin được trích giới thiệu một số bài viết đáng chú ý liên quan tới VPF được đăng tải ngày hôm qua trên các tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Công an Nhân dân.

“Cần xem lại việc phân công giám sát, trọng tài”, báo Thanh Niên ngày 16/1/2012

“Nhưng để xảy ra những yếu kém của TT dẫn đến bất bình của lãnh đạo, HLV, cầu thủ các đội chính là việc phân công rất khó hiểu của ban TT và BTC giải. Rất nhiều người xem VTV3 truyền hình trực tiếp không đồng tình khi trợ lý 1 Trần Thanh Liêm liên tục căng cờ báo phạt đội khách Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trên sân Chi Lăng trong vài tình huống không đáng phạt (riêng hiệp 1 có đến 7 tình huống phạt trực tiếp) và TT bàn Nguyễn Văn Đông cũng ngó lơ không hỗ trợ cho TT chính Hoàng Phạm Công Khanh khi cầu thủ Đà Nẵng (ĐN) phạm lỗi rất rõ ràng ngay trước khán đài A.


Các cầu thủ K.KH (trái) phản đối quyết định của  trọng tài Bùi Quang Thông ở trận Hà Nội-K.KH

Phải chăng vì trợ lý TT là người Quảng Nam và TT bàn có mối quan hệ đặc biệt với HLV trưởng đội ĐN nên thích thì phạt, không thích thì thôi? Chưa hết, càng khó hiểu hơn khi cả giám sát trận đấu Nguyễn Trọng Lợi lẫn giám sát TT Phạm Chu Thiện đều là người TP.HCM mà lại làm nhiệm vụ trận có Sài Gòn FC đá với Kiên Long Bank Kiên Giang. Cách bố trí như vậy thì còn đâu là sự khách quan. Nếu VPF không chấn chỉnh thì bình mới rượu cũ vẫn tiếp tục tái diễn”.

“Mong các bác sớm kết thúc cuộc chiến...”, báo Tuổi Trẻ ngày 16/1/2012

“Vòng 3 Super League 2012 đã hoàn tất để ăn Tết Nhâm Thìn. Ba vòng đấu trong một cuộc đua marathon 26 vòng là quá ít để có thể bình luận một chuyện gì đó liên quan đến chuyên môn.

Tính đến giờ này, sự quan tâm lớn nhất của những ai quan tâm về Super League đều nằm ở những chuyện ngoài sân cỏ, chứ kết quả thắng thua giữa các đội chỉ là thứ yếu. Ví dụ, người ta soi xem Giải vô địch quốc gia dưới cái tên mới rất kêu "super" (ngoại hạng) có xứng với tên mới? Có lẽ chính vì thế nên dù các vòng đấu diễn ra sát tết, thời điểm mà nhà nhà người người chạy đôn chạy đáo lo một cái tết sao cho tươm tất hơn là theo dõi bóng đá, nhưng khán đài vẫn thu hút được bình quân 5.000 người/trận là một con số không đến nỗi tệ. Hay người ta chú ý đến giải đấu này vì nó được chuyển đổi qua một hệ thống điều hành mới, được điều khiển bởi những ông bầu cực mạnh về tài chính liệu có đạt yêu cầu như kỳ vọng? Chuyện này có lẽ phải đợi thêm thời gian, chứ nếu chẻ sợi tóc làm tám để tìm lỗi thì không hẳn không có khi VPF còn quá mới”.

“VPF đã làm được gì cho bóng đá Việt Nam?”, báo Công an Nhân dân ngày 16/1/2012

“Hãy thẳng thắn, sòng phẳng đặt ra câu hỏi: VPF từ khi ra đời đã thực sự xây dựng Bóng đá Việt Nam hay chỉ làm rối loạn Bóng đá Việt Nam? Những nhân vật “được ăn được nói” trong ngôi nhà VPF đã thực sự vun đắp cho một nền bóng đá trong sáng, phát triển bền vững, hay đã phá hoại những mầm mống tốt đẹp đang có, để xây dựng mọi thứ phù hợp với lợi ích của mình?

Sẽ có người hỏi: Lợi ích ở đây là lợi ích gì vậy? Thì những  người hiểu việc cũng đã bàn tán, xì xầm từ lâu rồi đấy: Một bộ phận các ông bầu dường như muốn mượn bóng đá để đánh bóng thương hiệu mình và doanh nghiệp của mình(?) Họ muốn làm chủ các giải bóng đá, muốn làm chủ bản quyền truyền hình bóng đá dường như để “đón trước” cái đề án cá cược thể thao mà các cơ quan chức năng đang nghiên cứu – cái đề án mà nếu được đưa vào thực tiễn thì những ông bầu đó, trong tư cách của những nhà điều hành giải đấu chắc chắc sẽ thu lại bội tiền(?)

Với những xảo thuật tinh vi ẩn dưới lá cờ “vì sự phát triển của Bóng đá Việt Nam” VPF đã đánh lừa được một bộ phận dư luận, nhưng chắc chắn không thể đánh lừa được toàn dư luận. Với những phát biểu giật gân, “phô” ra những hứa hẹn mĩ miều, họ có thể dọa dẫm được những người yếu bóng vía, chứ không thể dọa dẫm nổi công lý của cuộc đời.

Mà cũng đã đến lúc công lý cần phải đối xử ngược trở lại với những kẻ lộng ngôn, ngông cuồng như thế. Nói thẳng ra: Đã đến lúc VPF cần phải được giải tán, vì chỉ có như thế Bóng đá Việt Nam mới được “cứu rỗi”, và tất cả những ai muốn mượn Bóng đá Việt Nam (nếu nó có thật) để tìm lợi ích cá nhân mới không thể hiện thực hóa những ý đồ cục bộ của mình. Đã đến lúc Bộ VH-TT và Du lịch cần xem xét lại có nên để VPF có vai trò với bóng đá Việt Nam hay không?”

H.H (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm