Xiếc Việt sẽ diễn 11 chương trình ở Pháp

07/03/2009 13:56 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vở xiếc mới Làng tôi sau khi ra mắt khán giả vào năm 2005 và gây được tiếng vang, đang được Liên đoàn Xiếc VN (LĐXVN) và Hội đoàn Scène de la Terre (Sân khấu Địa cầu) của Pháp cùng đầu tư sản xuất một phiên bản mới. Làng tôi sẽ công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong tháng 5/2009 và sẽ lưu diễn quốc tế trong vòng ba năm, bắt đầu tại Cộng hòa Pháp từ háng 6/2009. Đây là tin vui không chỉ với những nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nghệ thuật xiếc mà còn trở thành niềm tự hào với những ai yêu xiếc Việt.

Nhân dịp ông Jean Luc Larguier - Giám đốc Hội đoàn Scène de la Terre - cùng đoàn 12 nhà báo Pháp vừa có mặt ở VN để thực hiện loạt bài viết quảng bá cho chương trình, báo TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông. Bài phỏng vấn được thực hiện với sự trợ giúp ngôn ngữ của ông Nhất Lý - Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu Việt - một trong 3 nghệ sỹ Việt Kiều khởi xướng và thực hiện dự án Làng tôi tại Hà Nội.
 
Ông Jean Luc Larguier (bìa phải) cùng các nghệ sĩ.

* Tại Pháp, Làng tôi sẽ diễn tại Bảo tàng Quai Branly, một trong những bảo tàng nổi tiếng của nước Pháp được thành lập với mục đích tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa trước nguy cơ đánh mất bản sắc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Cơ duyên nào để các ông ký kết hợp đồng biểu diễn này?

- Quai Branly đã và đang có mối quan hệ với ngành văn hóa Việt Nam thông qua dự án xây dựng một số hạng mục của Bảo tàng Dân tộc học VN. Việc Quai Branly hợp đồng tổ chức biểu diễn Làng tôi trong tháng 6 tới là một sự kiện rất quan trọng có ý nghĩa đối với lịch trình lưu diễn của chương trình trong những năm tiếp theo.

* Trước Làng tôi, có chương trình nào có được hợp đồng 11 suất diễn tại Quai Branly?

- Lần đầu tiên có một chương trình diễn ra với thời gian lâu đến thế. Đó cũng là lý do chúng tôi tổ chức đoàn gồm 12 nhà báo sang VN để viết bài quảng bá cho chương trình.

* Ông đánh giá chất lượng nghệ thuật của Làng tôi ra sao?

- Tôi không muốn đánh giá cụ thể. Là người sản xuất chương trình nên dĩ nhiên, tôi sẽ nói về nó tốt nhất có thể (cười vui).

* Âm nhạc là một trong những thành tố sáng tạo làm nên chất lượng Làng tôi. Nhưng âm nhạc cổ truyền VN có lẽ... không dễ nghe với người nước ngoài?

- Nhu cầu của khán giả khá đa dạng. Có một bộ phân khán giả thích nghe âm nhạc dân tộc. Có người thích chương trình âm nhạc đương đại trên cơ sở nhạc dân tộc...

Tiết mục trong chương trình
xiếc mới Làng tôi 
* Phiên bản mới này giảm từ hơn 80 xuống còn 19 nghệ sỹ tham gia chương trình so với phiên bản trước đây. Vẫn là Làng tôi với ý tưởng đưa các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam vào chương trình xiếc nhưng lấy cây tre làm chất liệu chủ đạo. Ông hy vọng gì ở phiên bản mới?

- Làng tôi thay đổi và phát triển về chất lượng nhưng vẫn là Làng tôi chứ không phải phiên bản mới. Tôi mong muốn thông qua chương trình này để thúc đẩy những nghệ sĩ khác trong công cuộc sáng tạo mới cho nghệ thuật xiếc VN nói riêng và xiếc thế giới nói chung.

* Các chương trình nghệ thuật như Làng tôi có nhận được sự hỗ trợ tài chính nào khác từ Chính phủ Pháp ngoài doanh thu bán vé?

- Quai Branly mua bản quyền 11 suất diễn với giá đã được Chính phủ Pháp tài trợ. Chính phủ còn tài trợ cho các nhà hát quốc gia và nhiều hoạt động văn hóa khác chứ nếu chỉ doanh thu bán vé thì không thể đủ kinh phí để tổ chức biểu diễn. Không chỉ Chính phủ Pháp mà chính quyền các vùng, thành phố đều có cách để tài trợ cho các chương trình nghệ thuật vì Chính phủ Pháp bảo vệ sự đa dạng và bản sắc văn hóa trên thế giới.

* Ông từng giữ cương vị tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại một số quốc gia vùng Đông Nam Á. Xiếc Trung Quốc nổi tiếng khắp thế giới, ông đã bao giờ giới thiệu nó với khán giả Pháp chưa?

- Không thể nói xiếc nước này hơn nước khác. Mỗi nước có thế mạnh riêng. Chẳng hạn, xiếc Trung Quốc mạnh về kỹ thuật. Xiếc Pháp mạnh về đạo diễn và bố cục chương trình. Làng tôi…t hú vị vì không chỉ đơn thuần là một chương trình xiếc rất VN mà còn rất đương đại.

Những gì chúng tôi đang đầu tư cho Làng tôi sẽ tạo ra một sự kiện khác với các chương trình trao đổi văn hóa Việt - Pháp đã diễn ra. Trong công cuộc sáng tạo văn hóa - nghệ thuật, ngoài đầu tư ban đầu về thời gian và chất xám của nghệ sỹ thì đầu tư tài chính của các tổ chức, các nhà tài trợ hay từ phía Chính phủ tương xứng với tầm cỡ của dự án quyết định thành công trong việc khai thác kinh doanh tác phẩm. Đối với nghệ thuật xiếc VN, tôi cho đây là cơ hội để nâng cao trình độ và làm thay đổi sự đánh giá của cộng đồng quốc tế.

* Trước đây, ông đã đưa múa rối VN sang biểu diễn ở Pháp, sao bây giờ ông đến với xiếc?

- Múa rối nước đã xây dựng được một chương trình đưa ra nước ngoài. Từ đó, tôi thấy người ta cứ thế khai thác về kinh tế chứ không có sự sáng tạo thêm. Mà đã 20 năm rồi đấy. Tôi mong muốn Nhà hát Múa rối VN và Nhà hát Múa rối Thăng Long tạo thêm được nhiều chương trình mới chứ không chỉ khai thác các chương cũ như vậy. Tôi vừa xem lại những chương trình này thì còn thấy chất lượng nghệ thuật đi xuống. Tôi mong muốn nghệ thuật múa rối được khởi động lại, có sự tìm tòi và sáng tạo mới. Nghệ thuật chứ không phải kinh doanh.

* Xin cảm ơn ông và mong gặp ông ở các chương trình mới tiếp theo.
 
Hải Đông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm