'Without You': Bản tình ca buồn bã

03/06/2015 15:31 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Gần nửa thế kỷ, chính xác là 45 năm, kể từ khi ra đời, Without You luôn là một bản tình ca đẹp và là thách thức cho những ai muốn thể hiện nó. Đến nay, thế giới ghi nhận có gần 200 phiên bản Without You, trong số đó có rất nhiều giọng ca nổi tiếng. Nhưng “người không có mặt” trong những phiên bản nổi tiếng này, buồn thay, lại chính là tác giả ca khúc.

Without You được Pete Ham và Tom Evans, 2 nhân vật quan trọng nhất của nhóm nhạc được xem là huyền thoại của Anh quốc, Badfinger, viết. Badfinger từng được xem là phiên bản tiếp theo của The Beatles nhưng những bi kịch, quản lý yếu kém đã đưa Badfinger trở thành một nỗi buồn của lịch sử âm nhạc.

Không Badfinger không có Without You

Without You ra đời vốn không phải một bài hát hoàn chỉnh. Nó là hai phiên bản được ghép vào nhau với hai câu chuyện của hai thủ lĩnh trong nhóm Badfinger, Pete Ham và Tom Evans.

Without you do Badfinger trình bày:


Ý tưởng đầu tiên thuộc về Pete Ham. Đó là một buổi chiều năm 1970, lúc ấy Badfinger đang bắt đầu bận rộn với những tour diễn, hợp đồng ghi âm và tất nhiên, những buổi party thâu đêm suốt sáng đúng kiểu các nhóm rock khi ấy. Bạn gái khi ấy của Ham, Beverly Tucker muốn cùng anh ra ngoài đi chơi cho thư giãn đầu óc. Thật ra đó là buổi đi chơi hiếm hoi của cả hai bởi Ham quá bận rộn. Nhưng rồi, khi vừa ra cửa chợt trong Ham nổi lên ý tưởng về một bài hát. Anh nói với Bev: “Để lúc khác được không, anh có ý tưởng mới, mình sẽ đi hôm khác. Anh hứa đấy”. Bev trả lời: “Vậy anh cứ làm việc đi, lúc khác cũng được, em ổn thôi”. Nhìn vào mắt Bev, Ham cảm thấy đó là một lời động viên không được thoải mái cho lắm: “Sao môi em cười mà mắt em buồn thế”. Bev không trả lời và bỏ đi.

Tối hôm ấy, những đoạn đầu tiên của Without You ra đời và được đặt tên là If Its Love. Những ca từ ướm vào đã được giữ nguyên cho sau này: “Anh không thể quên được ngày mai khi anh nghĩ về tất cả những nỗi buồn sẽ đến. Anh có em đấy nhưng lại để tuột em đi xa...”. Nhưng chỉ đến đấy thôi, đoạn điệp khúc thì Pete Ham tắc tị.


Tom Evans (ngoài cùng phải), Pete Ham (ngoài cùng trái), hai đồng sáng tác bài Without you, cùng các thành viên nhóm Badfinger

Một thời gian ngắn sau, điệp khúc được thành viên cốt cán còn lại của nhóm là Tom Evans lắp vào, cũng là câu chuyện tình của riêng anh nhưng có vẻ thống thiết hơn. Nguyên do là Evans yêu một cô nàng bên Đức, Marianne, người sau này trở thành vợ anh. Nhưng lúc ấy tình cảm của họ khá bấp bênh. Lúc vui Marianne sang London ở cùng Evans, lúc buồn nàng lại bay về Bonn, khiến chàng nhạc sĩ lãng tử cứ buồn vui theo tâm trạng của nàng. Rồi đến một hôm, vì quá nhớ Marianne, Evens bay sang Bonn và tặng nàng bài hát vừa sáng tác, I Can’t Live. Bài hát có đoạn điệp khúc rất hay “Anh không thể sống nếu đời này thiếu vắng em” nhưng đoạn đầu thì không mấy hấp dẫn.

Sau đó “đầu” của Ham, “đuôi” của Evans được ghép vào và Without You chính thức trình làng trong album No Dice. Đó là tháng 11/1970. No Dice là album xuất sắc trong lịch sử của rock và chính vì trong album này bài nào cũng xuất sắc nên giá trị của Without You không được để ý nhiều lắm.

Trở thành cơ hội cho người khác

Sức sáng tác của Badfinger được xem là vô song nên vì thế Without You dù không ra single, dù không thành công lắm về mặt thương mại cũng không làm nhóm nhạc này bận tâm lắm. Nhưng nó lại là nỗi thèm muốn của người khác.

Năm 1972, ca sĩ Harry Nilsson quyết định cover bài này. Lúc đầu, khi nghe tại một quán cà phê, Harry lại tưởng đó là một ca khúc mới của Beatles nhưng sau đó mới nhận ra đây là sản phẩm của 4 chàng trai có cái tên khá hóm hỉnh, Badfinger. Như sau này nhớ lại, Nilsson cho rằng Without You có một giai điệu và ca từ quá đẹp nhưng phần phối không làm cho người nghe thăng hoa. Anh quyết định đưa thêm dàn dây, mở đầu bằng tiếng piano chậm rãi và đưa bài hát lên cao trào và đẫm kịch tính hơn. Khi Nilsson đưa bản mới cho Badfinger nghe thử thì cả nhóm đã ngạc nhiên. Tom Evans nói rằng đây mới thật sự là bản phối mà nhóm này muốn thể hiện mà không thể nghĩ ra được.

Chỉ với Without You, Harry Nilsson đã vụt thành sao sáng và bài hát này được xem là bài hát rực rỡ nhất trong sự nghiệp của anh. Năm 1973, Nilsson giành giải Grammy với Without You và từ đó trở đi Without You được xem là của riêng Nilsson, gần như không ai biết đến bản nguyên thủy của nó, đến những chuyện tình cay đắng đằng sau bài hát ấy.

Without you do Harry Nilsson biểu diễn:


Without You thành công vang dội khắp nơi. Từ khi Nilsson cất tiếng hát, sau đấy có thêm gần 200 phiên bản mới. Bài hát có giai điệu đẹp ấy được xem là một thử thách bởi đoạn điệp khúc cao chót vót mà không phải ai cũng làm cho nó mềm mại đi được. Phải tới hơn 20 năm sau, Without You mới một lần nữa sáng chói trở lại. Lần này là qua một giọng nữ, một người vừa mới bước ra ánh sáng và nhanh chóng trở thành một diva tương lai, Mariah Carey.

Phần thể hiện của Mariah Carey có thể được xem là phiên bản lộng lẫy nhất của Without You khi nó được trưng bày bằng tất cả cột hơi đẹp nhất, quyến rũ nhất. Trước Mariah Carey cũng có nhiều giọng nữ cover bài này nhưng không ai đem đến được một cảm xúc cao chót vót khi điệp khúc ai oán dâng trào “Anh không thể sống thiếu em”. Without You từng đưa Nilsson lên thành một ngôi sao sáng chói và sau đó hai thập niên, nó đã đưa Mariah Carey trở thành giọng ca được yêu thích nhất. Nhiều người từng dè bỉu số phận của những bài hát cover không thể có sức sống bằng nguyên tác. Without You là một ví dụ phản biện. Hoặc I’ll Always Love You, phiên bản của Whitney Houston, cũng đã từng chứng minh.

Without you do Mariah Carey thể hiện:


Cũng cần kể lại rằng, Without You tuy là một sáng tác của Badfinger nhưng nó không đem lại thành công thương mại cho nhóm này mà tệ hơn, sau đó cuộc đời của nhóm nhạc này lại đẫm phần bi thảm. Ngày 27/4/1975, Pete Ham treo cổ tự tử. Tháng 11/1983, người sáng tác còn lại của bài này, Tom Evans cũng làm điều tương tự. Cả hai chết vì cùng quẫn và vì buồn chán cuộc đời. Trong tờ giấy tuyệt mệnh để lại, Evans viết “Tôi muốn đến nơi mà Pete Ham đã đến”. Lời lẽ cũng gần y như ca từ của Without You.

Mariah Carey sau này nhớ lại rằng cô quyết định cover Without You là vì quá mê phiên bản của Nilsson. Năm 1994, khi ca khúc này của Carey trình làng, nó đã đứng hạng nhất ở Anh, Mỹ và châu Âu suốt nhiều tuần lễ.

Có một chi tiết cũng cần nhắc lại. Mariah Carey phát hành bài này vào ngày 15/1/1994 và cũng đúng ngày ấy, Nilsson qua đời.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm