Những ý kiến đa chiều về sử dụng tiếng Việt

06/10/2016 08:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Qua 10 bài viết, ghi ý kiến của nhiều tác giả, nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực như: nhà ngôn ngữ học, nhà ngữ học, dịch giả, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ… và qua rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, diễn đàn đã dấy lên không khí tranh luận sôi nổi, cởi mở nhất là khi đề cập đến vấn đề nghệ danh tiếng nước ngoài.

Chúng tôi tạm tổng kết những vấn đề mà diễn đàn đã nêu ra như sau:

Về việc dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp tiếng Việt:

- Một số ý kiến cho rằng, tuyệt đối không dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp tiếng Việt.

- Một số ý kiến khác thì cho rằng, từ nào mà tiếng Việt có, thì phải dùng tiếng Việt. Và tiếng nước ngoài được dùng trong các trường hợp sau: không có từ tiếng Việt để diễn đạt hoặc diễn đạt bằng tiếng Việt thì dài dòng, đôi lúc không rõ nghĩa, dùng tiếng nước ngoài thì ngắn gọn hơn. Ví dụ: switch (thiết bị chuyển mạch), lệnh future (lệnh giao dịch tương lại), chat, showbiz, futsal, DJ, MC, SOS…


Nhiều giáo sư, dịch giả, nhà văn, nhạc sĩ… tham gia Diễn đàn

- Hiện tượng dùng tiếng Anh + tiếng Việt có khi rơi vào tình trạng “tiếng Anh giả cầy”: đó là trong một cụm từ vừa có tiếng Anh, vừa có tiếng Việt và xảy ra việc phát âm “đầu Ngô mình Sở”. Ví dụ VTV Awards (VTV đọc bằng âm Việt; Awards đọc bằng âm tiếng Anh).

Về việc lấy nghệ danh, tên bằng tiếng nước ngoài:

“Đối thoại”với TS ngôn ngữ học

Để có thêm một góc nhìn từ lĩnh vực ngôn ngữ học về những hiện tượng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp bằng tiếng Việt (như diễn đàn đã nêu ra và thảo luận), kính mời độc giả đón đọc bài phỏng vấn Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương về những nội dung mà bài viết này đã tổng kết.

- Bản thân người có tên, nghệ danh nước ngoài cho rằngviệc này là để thuận tiện trong giao dịch, sinh hoạt -để người nước ngoài dễ đọc, dễ nhớ tên, nghệ danh của người Việt. Với các nghệ sĩ thì họ cho rằng như vậy dễ “hòa nhập” với bạn bè thế giới. Với các nhân viên kinh doanh tiếp thị khi giao dịch với khách hàng người nước ngoài, khách hàng dễ nhớ tên của mình hơn.

- Một số ý kiến “cởi mở” thì cho rằng đó cũng chỉ là cái tên, họ tôn trọng tự do lựa chọn của cá nhân. Một số khác cho rằng “hòa nhập” và để lại ấn tượng với thế giới hay không là do chất lượng tác phẩm chứ không phải cái tên. Một số khác nữa thì nói rằng phải để lại dấu ấn Việt ở tác phẩm và ngay cả cái tên của nghệ sĩ.

Về hiện tượng dùng tiếng nước ngoài tràn lan như hiện nay:

- Có ý kiến cho rằng ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nó tồn tại và phát triển theo nhu cầu và thực tiễn xã hội. Một số từ nước ngoài được dùng như một sự “Việt hóa” làm cho tiếng Việt thêm phong phú. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại việc lạm dụng quá đà của sự “Việt hóa” này.

- Một số ý kiến cho rằng ngôn ngữ có cơ chế tự điều chỉnh không phải lo gì cả; nhưng cũng có vài ý kiến cho rằng phải giáo dục cho giới trẻ để họ có ý thức trong việc sử dụng tiếng nước ngoài trong giao tiếp bằng tiếng Việt.

Diễn đàn cũng đã tổ chức lấy ý kiến thăm dò (trên thethaovanhoa.vn) về thực trạng dùng tiếng Anh tràn lan như hiện nay và kết quả tính đến 17h ngày 5/10/2016 như sau:

1. Nhất trí với ý kiến của ông Dương Tường: tiếng Việt đang bị tiếng nước ngoài (Anh) xâm thực, cần báo động - chiếm tỷ lệ 36%.

2. Quá lo xa, tiếng Việt tự bảo vệ nó như đã từng trong quá khứ - chiếm tỷ lệ 12%.

3. Sự giao thoa như vậy là cần thiết để giúp giới trẻ dễ hòa nhập với thế giới - chiếm tỷ lệ 47%.

4. Ý kiến khác - chiếm tỷ lệ 3%.

Diễn đàn văn hóa: “Tôi yêu tiếng nước tôi” chân thành cám ơn các tác giả đã gửi bài tham gia, đặc biệt cám ơn sự quan tâm theo dõi của độc giả. Chúng tôi mong muốn rằng sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ, cộng tác của độc giả và của các tác giả trong những diễn đàn văn hóa sắp tới.

BTC Diễn đàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm