Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc

21/03/2009 12:34 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Đầu năm 1977, chỉ hai năm sau ngày thống nhất đất nước, dù đời sống của nhân dân đang đối diện với vô vàn khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại, nhưng sở Giáo dục Bình Trị Thiên (lúc đó còn đang hợp tỉnh) đã quyết định cử một đoàn giáo viên lên công tác ở huyện A Lưới để làm nhiệm vụ xóa nạn mù chữ cho đồng bào dân tộc.

A Lưới là một huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế, đồng bào thiểu số ở đây thuộc dân tộc Tà Ôi, Ca Tu… Trong thời kỳ chiến tranh, cùng với các địa danh như A So, Nam Đông, Khe Sanh…, A Lưới là cơ sở của chính quyền cách mạng, vì thế đã chịu rất nhiều sự tàn phá bởi bom đạn của quân thù. Chứng tích chiến tranh còn đầy dẫy ở các hố bom sâu và rộng rải rác ở khắp nơi. Đồng bào dân tộc là những người đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu, vì thế sau khi đất nước thống nhất, việc chăm lo cho đồng bào biết đọc biết viết là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước…
 
 
Đường 14 ở huyện A Lưới

Rời Huế vào một sáng mùa xuân mưa lạnh. Đoàn chúng tôi lên đường lên A Lưới trên một chặng đường dài hơn 200 km, lý do là lúc đó muốn đi A Lưới phải chạy ngươc ra Đồng Hà, theo đường số 9 lên Hướng Hóa, rồi mới đi dọc đường đến trung tâm huyện. Con đường này vài năm trước đây là đường huyết mạch đưa từng đoàn chiến sĩ từ miền Bắc vào Nam thực hiện sứ mạng giải phóng dân tộc. Bấy giờ con đường chính lên A Lưới đi qua ngã Nam Đông còn hư hại nặng và vì độ dốc rất cao nên chưa thể chạy xe được.

Sau gần một ngày xe chạy, đoàn chúng tôi đến A Lưới khoảng 5 giờ chiều sau khi vượt qua nhiều cái “ ngầm” 9 ( suối ) dày đặc trên con đường 14.….
Ngày hôm sau, chúng tôi được phòng giáo dục huyện phân công đến các bản, các xã...Phương tiện đi lại không có, bấy giờ chỉ có đi bằng ô tô “bước” , xã này cách xã khác có khi đến mấy chục cây số, cùng một xã mà các bản cũng cách nhau 4, 5 cây số đường rừng. Đoàn chúng tôi chừng 15 người trong tổng số khoảng 70 - 80 người của giáo viên toàn tỉnh.

Tôi được phân công vào giảng dạy ở một bản sâu, và được bố trí ăn ở tại nhà 1 người dân rất thật thà, chất phác.

Đêm dạy đầu tiên có khoảng 10 học viên, tất cả đều trên 15 tuổi. Đêm hôm đó, tất cả đều mang đèn, đuốc và bút vở đến để học cái chữ mà đối với họ trước đây thật quá xa lạ…Mấy đêm đầu, thật là khó khăn vì khi tôi trình bày cách đọc, cách viết thì học viên có thể nghe và hiểu, nhưng khi tôi hỏi lại vì không quen giọng nên rất khó nghe, phải mất vài đêm tôi mới nghe quen và hiểu được …Ban đầu, để viết một chữcái, tôi phải viết to hơn cả bàn tay thì đồng bào mới thấy để viết lại vào tập vở …

 
Cứ thế, đêm này sang đêm khác, tháng đầu, học viên đã biết đọc, biết viết và ghép vần xuôi các tiếng có hai chữ cái. Tháng thứ hai thì bắt đầu học vần ngược…Và đêm nào cũng thế, dù trời mưa, trời lạnh, hơn 10 học viên đêm nào cũng siêng năng đến lớp. Trong căn nhà dài khoảng hơn 10 m, hàng đêm dưới ánh sáng của những bó đuốc bập bùng vang lên tiếng đọc vần trọ trẹ…

Ban ngày rảnh rỗi tôi cùng với các học viên lên rẫy, cùng tỉa bắp hay làm cỏ lúa. Cuộc sống của đồng bào lúc đó đang gặp quá nhiều khó khăn để lo cái ăn và cái mặc.

Rồi ngày tổng kết chấm dứt chiến dịch rồi cũng đến. Sau 4 tháng học tập, lần đầu tiên được làm quen với “cái chữ”, nhưng đa số học viên đã đọc được một số tiếng đơn giản.

Đã hơn 30 năm trôi qua, những học viên cũ của tôi ngày đó bây giờ đã thành những người lớn tuổi, có thể họ đã quên, không còn nhớ được những cái chữ ngày đó đã được học, nhưng "có đi rồi mới hiểu” , trong một địa phương xa xôi của vùng rừng núi chưa khắc phục được những hậu quả của chiến tranh, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, thế mà họ đã rất nhiệt tình để tiếp thu những con chữ “ xa lạ”. Đó cũng là tiền đề và điều kiện để tạo dựng một cuộc sống ấm no, có văn hóa cho người dân nơi đây…

A Lưới bây giờ đã thay da đổi thịt. Đời sống người dân đã khá nhiều hơn xưa. Ánh sáng văn hóa chiếu rọi khắp nơi…, điều đó đã cho tôi nghĩ rằng, có thể công việc của chúng tôi ngày đó chỉ như là một viên gạch bé nhỏ, nhưng đã góp phần xây nền cho sự phát triển chung của người dân A Lưới ngày hôm nay…

Nguyễn Phước

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm