Mua bán CLB, nhìn từ góc độ VFF

18/10/2009 10:38 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Khi Thể Công mới chỉ rục rịch bán cho TP HCM (nhưng sau đó TP HCM không mua), VFF đã ngồi lại để phán đoán những tình huống có thể xảy ra, và nhất trí sẽ hậu thuẫn tối đa để đội bóng Quân đội đạt được ý nguyện.

Nhưng thực ra, không cần cuộc họp không chính thức ấy, thì thương vụ mua bán trên, nếu cả người mua và bán đều đồng thuận, nó sẽ được hoàn tất chỉ trong vài phút và không ai có thể ngăn cản. Đó là kết luận dựa trên Quy chế bóng đá chuyển nhượng của VFF.

Quy chế rất đơn giản, những thương vụ chuyển đổi chủ sở hữu, sáp nhập thương hiệu, mua bán trao tay CLB, chỉ cần đảm bảo những điều tối thiểu, như không trùng tên với CLB đã có khi nó đặt tên mới, hoặc khi sáp nhập chỉ cần đội bóng mới giữ lại tối thiểu chục cầu thủ của đội bóng cũ. Và khi hoàn thành, các bên liên qua chỉ cần thông báo cho VFF sự việc và CLB mới đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của CLB cũ.

HN.ACB (áo sẫm) đã có 2 lần thay tên đổi họ để tồn tại. Ảnh: VSI


Ở góc độ nào đó, việc mua bán CLB đơn giản như việc người ta vẫn sang tên đổi chủ một chiếc xe hơi ngoài cuộc sống. Nó chính là điều kiện để trong những năm qua, BĐVN đã chứng kiến khá nhiều thương vụ sáp nhập, mua bán CLB. Có thể coi việc LG.ACB mua lại CLB Đường sắt VN là vụ chuyển nhượng CLB đầu tiên của BĐVN thời kỳ mới. Và việc LG.ACB mua lại suất Hàng không Việt Nam ở V-League là vụ sáp nhập đầu tiên. Cho tới khi Quân khu 7 bán suất của họ ở hạng Nhất cho đội hạng Nhì Bộ Công an, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp hầu như không có sự điều chỉnh ở điều khoản chuyển đổi chủ sở hữu, sáp nhập.

Ở đây, người viết chưa có điều kiện để tham khảo các nền bóng đá khác trên thế giới, nhưng nếu căn cứ những gì mà FIFA từng khuyến cáo VFF cũng như các Liên đoàn thành viên khác, nó là điều rất đáng suy ngẫm.

Tháng 1/2008, FIFA đã gửi tới VFF một văn bản khuyến cáo với tiêu đề: Tính toàn vẹn của thể thao và nguyên tắc của việc lên, xuống hạng.

Ở đó, ngoài các vấn đề về tài chính, FIFA đặc biệt chú ý tới yếu tố chuyên môn, thành tích – thước đo tối cao quyết định tới việc lên xuống hạng của các CLB.

Cụ thể hơn, 1 trong 3 điểm mà FIFA coi nó là nguy cơ cần ngăn chặn chính là chuyển đổi sở hữu CLB: “Việc thay đổi hình thức pháp lý và cấu trúc của CLB để thoả mãn các tiêu chuẩn về thành tích thi đấu hoặc để nhận được sự cho phép tham gia giải vô địch quốc gia và làm phương hại đến tính toàn vẹn của giải sẽ bị cấm. Ví dụ: thay đổi trụ sở chính, thay đổi tên hoặc chuyển đổi cổ phần giữa các đội bóng khác nhau. Các quyết định cấm có thể được xem xét bởi cơ quan giải quyết khiếu nại của liên đoàn”.

Nhìn từ khuyến cáo của FIFA, việc VFF không kiểm soát chặt chẽ, và quy định ràng buộc gần như bằng không (chỉ cần 10 cầu thủ được chuyển giao) rõ ràng đã không bám sát tinh thần của tổ chức quản lý bóng đá thế giới.

Ở đây, điều khoản trong quy chế trải qua gần chục năm vẫn chưa có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung. Không phải vì nó đã hoàn chỉnh và nắm bắt được các xu thế, mà nó rõ ràng đã trở nên lạc hậu so với đòi hỏi bóng đá chuyên nghiệp ngày càng là một cuộc chơi chặt chẽ và cần bảo vệ thương hiệu của các giải đấu.

Nếu một suất chơi ở V-League chỉ đáng giá vài tỉ đồng hay hơn, và việc một CLB đang chơi ở hạng Nhì hay Nhất chỉ cần phù phép sáp nhập thương hiệu là có thể xuất hiện ở sân chơi cao nhất, V-League rõ ràng khá rẻ, và nó không tương xứng với vị thế mà chúng ta vẫn tự coi là số 1 khu vực cũng như gần đây đã được định giá bằng tiền tài trợ lên tới gần 1 triệu USD/mùa.

Xem ra, đã tới lúc VFF cần phải xiết chặt lại bằng Quy chế, trước khi bị FIFA tuýt còi.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm