Khắc tinh của HLV Calisto

20/12/2010 06:41 GMT+7 | Các ĐTQG

Nghiệp cầm quân đội tuyển Việt Nam, HLV Calisto có sáu lần chạm trán Malaysia với ba thắng, một hòa, hai thua.

Ở ba trận thắng (tranh hạng ba Tiger Cup 2002 thắng 2-1, vòng bảng AFF Cup 2008 thắng 3-2, vòng loại SEA Games 25 thắng 3-1), đội tuyển Việt Nam đều vượt qua rất khó khăn nhưng hơn ở quyết tâm và cả may mắn. Hai lần thua và hòa tiếp theo, HLV Calisto cùng các học trò đều ở thế kèo trên nhưng lại bị thầy trò HLV Rajagobal qua mặt và đau nhất là bị loại ở bán kết AFF Cup 2010.

Hậu SEA Games 25, không có ai ngồi lại để đánh giá về quá trình chuẩn bị tâm lý, thể lực và lối chơi của U-23 Việt Nam có quá thừa sự tự tin dẫn đến tự mãn sau khi đè bẹp đối thủ 3-1 ở vòng bảng. Tất cả dường như chỉ xem bàn đá phản lưới nhà của Xuân Hợp trận chung kết là tai nạn mà không thể lý giải vì sao chúng ta chơi bế tắc hay vì sao Malaysia lột xác.


HLV Rajagobal (trái) hai lần buộc HLV Calisto phải ngậm ngùi, một tại SEA Games, một tại AFF Cup. Ảnh: ANH TÚ, theo Pháp luật TPHCM

Đêm 15-12, thầy trò ông Calisto lại ngã ngửa vì không ngờ đến kiểu phá cách tấn công của học trò HLV Rajagobal ở hiệp hai không giống như hiệp một khiến đội tuyển Việt Nam bất ngờ ở khu kỹ thuật và bất ngờ cả trên sân nên trở tay không kịp. Đau hơn ở chỗ đội quân trẻ trung của Rajagobal với mục tiêu lấy AFF Cup để rèn quân cho SEA Games 26 đã vuốt mũi các đàn anh dày dạn kinh nghiệm và đang là nhà vô địch.

Có nhiều ý kiến an ủi đội tuyển Việt Nam chơi sân khách Bulit Jalil vẫn áp đảo cứ như sân nhà là giỏi rồi. Thế nhưng từ một tư tưởng không thua của ông Calisto hòng chiếm ưu thế ở trận lượt về, cho đến khi thua một bàn rồi hai bàn là chuyện của đôi chân cầu thủ hay cái đầu của nhà cầm quân?

HLV Calisto thở than đội tuyển Việt Nam mất bốn trụ cột (Quang Thanh, Việt Cường, Tài Em và Trọng Hoàng) làm giảm đi 30% sức mạnh nhưng cái chính lại nằm ở chỗ đánh giá đúng đối thủ và xác định lối chơi thì ông thầy Calisto chưa đề cập.

Hai cái thua đau của ông Calisto trong vòng một năm trước cùng một đối tượng và đối phương chỉ chú trọng vào lối chơi phá sở trường của học trò mình thì không phải là ngẫu nhiên nữa rồi.

Ông Calisto từng phê phán lối chơi tiêu cực của Philippines khi đặt chiếc xe buýt vào cầu môn để không thua trong khi Malaysia thì lúc cần không thua họ vẫn đặt xe buýt, còn lúc cần giải quyết thế trận họ vẫn tăng tốc gây bất ngờ. Cái đấy trong bóng đá người ta vẫn gọi là đấu pháp và ở đây (hai trận bán kết AFF Cup 2010) đấu pháp của HLV Rajagobal đa dạng hơn. Ngoài ra cũng cần phải kể đến tính kỷ luật trong đấu pháp của các cầu thủ trẻ Malaysia khi họ chủ động cả trong lối chơi phòng ngự và buộc đối thủ phải chơi theo ý mình.

HLV nội của Malaysia Rajagobal vẫn là khắc tinh của thầy “Tô” từ SEA Games đến AFF Cup.

Theo Pháp luật TPHCM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm