Pablo Picasso tái ngộ với các bậc thầy

10/11/2008 03:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cung điện Grand Palais ở thủ đô Paris (Pháp) đang tổ chức triển lãm hội họa lớn mang chủ đề Picasso và những bậc thày nhân kỉ niệm lần thứ 35 ngày mất của thiên tài hội họa Pháp gốc Tây Ban Nhanày (1881 – 1973).

 Bảo tàng Grand Palais và poster quảng cáo cho cuộc triển lãm Picasso và những người thày

Đó thực sự là một cuộc tái ngộ giữa Pablo Picasso và những họa sĩ bậc thầy có ảnh hưởng tới sáng tác của ông: Cuộc triển lãm nói trên, còn kéo dài tới ngày 2/2/2009, giới thiệu tổng cộng 210 tác phẩm, trong đó không chỉ có tranh của Pablo Picasso, mà còn trưng bày những kiệt tác của một loạt nghệ sĩ lớn từ thời Phục hưng như Le Titien (1490-1576/Italia), Nicolas Poussin (1594-1667/Pháp), qua Rembrandt (1606 – 1669/Hà Lan), Goya (1746-1828/ Tây Ban Nha) cho đến Renoir, Monet hay Van Gogh v.v… Đó là những họa sĩ ít nhiều có những tác động tới nội dung và phong cách sáng tác của Picasso. Tuy nhiên dù ngưỡng mộ họ, song Picasso không bao giờ sao chép họ, mà chỉ coi họ là nguồn tạo sự cộng hưởng cảm xúc để thể hiện những tác phẩm hoàn toàn theo cách riêng của mình.

Để thực hiện cuộc trưng bày hội họa thuộc loại lớn nhất trong lịch sử triển lãm thế giới này, ngoài việc tập hợp những tác phẩm của danh họa Picassotừ hai viện bảo tàng lớn nhất nước Pháp là Louvre và Orsay, ban tổ chức đã phải mất 3 năm thương lượng với 60 viện bảo tàng lớn trên thế giới và các nhà sưu tập cá nhân để có thể mượn được những tác phẩm của Picasso cho cuộc trưng bày tại Grand Palais. Ban tổ chức đã gặp nhiều khó khăn khi nhiều chủ nhân không muốn cho mượn những bức tranh thuộc loại nổi tiếng nhất của danh họa và đó là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm tốn phí cho cuộc triển lãm.

 Bức "Fernande à la mantille noire" (trái) được treo cạnh bức "Lola de Valence" của Edouard Manet (1862).

Được biết, kinh phí chi cho triển lãm lên tới 5,8 triệu USD. Đây là hoạt động văn hoá có thể gọi là tốn kém nhất trong lịch sử của các bảo tàng Pháp. Tổng số tiền bảo hiểm của các họa phẩm được trưng bày lên tới 2 tỷ USD. Nhưng nhờ đó mà khách tham quan có dịp cảm nhận cách thức mà Picasso “đã quan sát, thưởng lãm, mô phỏng, chuyển dịch và tán dương những người đi trước ông như Goya, Ingres, El Greco hay Velasquez.”

Nhân dịp này một số tạp chí ở Pháp đã đăng tải những bài viết giới thiệu thân thế và sự nghiệp của Picasso, trong đó có bài nêu bật vai trò tình yêu trong hội họa của ông, một hoạ sĩ “đào hoa và đa tình”, người từng thú nhận: “Thật là bất hạnh và cũng có thể là rất may mắn cho tôi sinh ra để khắc hoạ sự vật qua lăng kính tình yêu”. Những người đàn bà trong cuộc đời Picasso luôn giữ cho ngọn lửa sáng tạo trong ông luôn bừng sáng và họ như những thanh củi khô tự thiêu cháy mình để cuối cùng trở thành nạn nhân của thiên tài hội họa. Một trong những phụ nữ như thế là Mari-Terez Valter kém ông 30 tuổi và yêu ông say đắm từ lúc chớm tuổi 17.

Bức "Portrait of Lee Miller" của Picasso (trái) được đặt cạnh bức " Madame Ginoux "của Van Gogh. 

Trong những năm đầu của thế kỷ 20, Picasso chủ yếu miêu tả lớp người dưới đáy của xã hội bằng tất cả niềm thương cảm với họ. Năm 1907, ông và họa sĩ Pháp George Braque (1882-1983) đặt nền móng cho hội họa lập thể. Từ giữa những năm 1990, ông vẽ những bức tranh mang màu sắc của chủ nghĩa cổ điển. Từ những năm 1930 loạt tác phẩm của ông gần với xu hương siêu thực. Nổi bật nhất là những tác phẩm mang tính nhân bản, trong đó phải kể tới Gernica. Picasso để lại cho đời 5.000 tác phẩm sơn dầu, khắc gỗ, điêu khắc và gốm.

Picasso là một họa sĩ đặc biệt được chú ý ở Việt Nam còn vì trong số những nghệ sĩ lớn mà Bác Hồ từng gặp gỡ và kết bạn ở Pháp, có danh họa này. Theo cuốn "Phác thảo chân dung văn hóa Pháp" của nhà nghiên cứu Hữu Ngọc, có lần khi xem tranh vẽ của Bác trên báo Le Paria, Picasso đã nhận xét với Barbuse rằng: “Chỉ mấy nét vẽ đã thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong,nếu tiếp tục con đường hội họa, Nguyễn ái Quốc có thể sẽ là họa sĩ.35 năm sau, năm 1946 khi dự hội nghị Fontenblo tại Pháp, với tư cách một nguyên thủ quốc gia Bác Hồ vẫn không quên đến thăm người bạn vong niên của mình lúc đó đã 66 tuổi. Tại cuộc gặp đó, Picasso đã phác thảo ngay chân dung Bác và tặng Bác bức chân dung đó lúc chia tay.
 
Đào Hùng - DZiệu Lí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm