Nhà thơ Trúc Thông: Trở lại "Cao Bằng"

11/01/2009 14:08 GMT+7 | Văn hoá

 
Sau khi qua Đèo Gió
Ta lại vượt Đèo Giàng
Lại vượt Đèo Cao Bắc
Thì ta tới Cao Bằng
(TT&VH) - Gặp nhà thơ Trúc Thông, mấy lần hỏi ông địa chỉ và số điện thoại nhà để tiện liên lạc; tôi bắt gặp một thói quen của ông có thể khiến người ta liên tưởng đến Einstein là dùng mu bàn tay bóp vào trán như cố lục lọi trong trí nhớ, xong thì lắc đầu. Vậy mà cầm sổ đọc cho ông nghe một bài thơ của ông làm cách đây hơn hai chục năm, tự dưng ông mỉm cười rồi cắt giọng khách đọc hết thảy bài thơ như lên đồng. Đọc xong rồi, ông còn “phê” và “bình” cho nghe rất say sưa… thơ của mình cho khách nghe: “câu này phải thế này mới đúng, câu kia chép sai rồi…”.

Xúc động thay khi đứng trước nhà thơ, diện kiến một con người đã nên lão sau hành trình nhớ quên của cả cuộc đời (sức khoẻ ông đang hồi phục trở lại sau cơn tai biến năm ngoái khiến sau đó ông phải bắt đầu từ việc tập đi, tập nói), thì điều còn lại sau cùng vẫn sẽ là thơ?!
 
Luôn dẫn đầu lớp về văn thời đi học

Nhà thơ Trúc Thông sinh năm 1940, tại Bình Lục, Hà Nam, tên thật: Đào Mạnh Thông. Từ năm 15, 16 tuổi, ông đã bắt đầu làm thơ, rồi từ đó gắn cả cuộc đời với văn chương. Ông kể lại, ngay từ khi còn bé, ông đã rất ham văn và yêu văn. Cậu học trò Đào Mạnh Thông lúc nào cũng đứng đầu lớp về điểm môn văn . Nhỏ ham học văn, đến khi vào Đại học Tổng hợp văn (khóa 7), tốt nghiệp ra trường, ông làm biên tập viên văn học tại Đài Phát thanh cho tới khi nghỉ hưu.

Nhà thơ Trúc Thông
 
Ông tâm sự: Cả cuộc đời này tôi đã dành trọn cho thơ ca. Được nhiều mà mất cũng không ít. Tôi cũng không biết rằng thơ đã chọn tôi hay tôi chọn thơ nữa. Nhưng dẫu là gì thì một khi đã gắn nó vào cuộc đời mình, mình phải không ngừng nỗ lực để đi đến tận cùng với thơ.

Vậy là, từ cậu học trò Đào Mạnh Thông ham văn thời trẻ, nhà thơ Trúc Thông đã trở thành một cái tên được độc giả ghi nhận với những nỗ lực không ngừng cống hiến cho thơ ca. Ông cho rằng: Trong khi gắn chặt với đất nước, thời đại, con người, nhà thơ (hoặc người viết thể loại khác) phải có đóng góp nhất định vào mở rộng, nâng cao những đặc điểm nghệ thuật của thơ Việt Nam (cũng như ở văn, kịch… và các loại hình nghệ thuật khác). Ông từng nhiều lần “đăng đàn” với ý kiến được đúc rút từ chính kinh nghiệm sáng tác của bản thân rằng: “Tính nghề nghiệp “thuần túy” trong sáng tạo văn học nghệ thuật phải được thể hiện từng bước đi lên qua các tác phẩm. Làm được đến đâu còn do “lực”. Nhưng “tâm” phải nguyện canh cánh với nhiệm vụ, lương tâm đó đến hơi thở cuối”.

Có một điều ở nhà thơ Trúc Thông, sự “tận lực, tận tâm” với thơ của ông không chỉ thể hiện ở những tinh chất thơ ca của chính ông, mà đó còn là sự “chăm sóc” đầy nồng nhiệt với những cây bút trẻ. Ông phát hiện, cổ vũ và định hướng cho những cây bút trẻ đi đúng hướng trên con đường thơ chính mình. Ông nói: Một người làm thơ, đặc biệt với những nhà thơ trẻ, muốn tiến bộ thì ngoài yếu tố thiên bẩm, cần chịu khó lăn lộn vào cuộc sống. Để từ những hình ảnh của cuộc sống và tình cảm của bản thân sẽ nảy nở và tạo ra những bài thơ hay và sâu sắc. Cái cần nhất của một nhà thơ chính là sự rèn luyện ngôn ngữ, phải riết róng trong từng câu chữ để làm mới, để làm hay mà không bị lặp lại bất cứ ai hay chính bản thân mình.
 
Trở lại “Cao Bằng”

Sau khi qua Đèo Gió
Ta lại vượt Đèo Giàng
Lại vượt Đèo Cao Bắc
Thì ta tới Cao Bằng

Cao Bằng rõ thật cao!
Rồi dần bằng bằng xuống
Đầu tiên là mận ngọt
Đón môi ta dịu dàng

Rồi đến chị rất thương
Rồi đến em rất thảo
Ông lành như hạt gạo
Bà hiền như suối trong

Còn núi non Cao Bằng
Đo làm sao cho hết
Như lòng yêu đất nước
Sâu sắc người Cao Bằng.

Đã dâng đến tận cùng
Hết tầm cao tổ quốc
Lại thì thầm trong suốt
Như suối khuất rì rào.

Bạn ơi có thấy đâu
Cao Bằng xa xa ấy
Vì ta mà giữ lấy
Một dải dài biên cương.

(SGK Tiếng Việt 5, kì 2, bộ mới)

Năm 1982 nhà thơ Trúc Thông, lúc đó đang công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, cùng với một đoàn các văn nghệ sĩ đã tự tổ chức một chuyến đi thực tế Cao Bằng. Chuyến đi ấy đã để lại trong ông nhiều ấn tượng xúc động và kết qủa là sự ra đời của bài thơ “Cao Bằng”.
 
Nhà thơ Trúc Thông cho biết, đến Cao Bằng, ông đã ấn tượng ngay với cảnh vật và con người nơi đây. “Sau cả quãng đường ô tô khá xa chúng tôi còn phải đi bộ và leo những dốc núi rất cao… đèo Gió cao tới 804 thước, đèo Cao Bắc 810 thước mới đến được các bản làng. Chúng tôi đi đến bản của người Tày, người Dao và cả người H’mông nữa. Những người dân tộc phần nhiều là ít nói nhưng họ đón tiếp khách thì rất thân mật. Tôi đã gặp ở đó những cụ già, những em bé và những người con gái. Tất cả hộ đều chất phác, hiền hậu”.

Cảnh vật và nhất là những con người miền núi non Cao Bằng hùng vĩ đã gợi cảm hứng sáng tạo và ngay sau khi từ Cao Bằng về, nhà thơ Trúc Thông đã viết bài thơ Cao Bằng như là một tri ân, một tình cảm sâu sắc mà ông dành cho mảnh đất và con người nơi đó. Bài thơ được đăng đầu tiên ở báo Văn nghệ, sau đó được chọn in trong tuyển tập thơ của NXB Kim Đồng.

Với nhà thơ Trúc Thông, Cao Bằng không phải là một bài thơ tiêu biểu nhất của ông nhưng nó mang nặng những tình cảm chân thành nhất và hơn nữa nó được chọn làm tác phẩm giảng dạy trong SGK. Đã có trong tay tới 5, 6 tập thơ nhưng có một bài thơ in SGK là điều rất thú vị, bởi bài thơ đó đã được các con, các cháu chính nhà thơ đọc và học, lại có nhiều cơ hội hơn để các thế hệ học trò biết đến và ghi nhớ.
 
Ít làm thơ cho thiếu nhi vì….khó!

Trúc Thông được độc giả biết đến là một nhà thơ với rất nhiều những nỗ lực trong việc cách tân thơ, nhưng ông lại tự nhận mình ít làm thơ cho thiếu nhi vì…khó.

Theo ông, đã là làm thơ thiếu nhi thì thường cần có sự kết hợp vần điệu một cách trôi chảy để các em học sinh dễ đọc, dễ học. Hơn nữa thơ cho thiếu nhi thì cần phải thật hồn nhiên, trong sáng. Không dễ dàng gì để viết cho các em và lại càng khó khăn để viết được những tác phẩm hay, tạo được sự hứng thú ở những bạn đọc nhỏ tuổi.

Theo đánh giá của nhà thơ Trúc Thông, văn chương trong nhà trường ít có những bài hay. Điều đó khiến các em học sinh thường ít quan tâm đến thơ văn, mà nguyên nhân cũng chính là từ tác phẩm. Ông bày tỏ quan điểm: “Đã là học văn thơ thì phải đọc được tác phẩm hay mới kích thích được đam mê. Còn khi đọc một tác phẩm tẻ nhạt thì sao có thể có hứng mà học cho được. Nguyên nhân một phần do việc làm sách theo chủ đề chủ điểm nhưng một phần nó đặt ra câu hỏi cho chính những người cầm bút. Nếu các tác giả có thể làm được những bài thơ, những truyện ngắn hay thì dù có gắn chủ đề chủ điểm gì đi chăng nữa các em học sinh vẫn có cơ hội được học những tác phẩm thực sự xuất sắc. Và chính bởi thế, sự ham thích thơ văn của các em học sinh, chất lượng dạy văn học văn trong nhà trường đi đến đâu, có lẽ, câu hỏi đó đang cần sự lên tiếng từ chính những người cầm bút hôm nay”.
 
Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm