Eugene Richards, tìm mầm sống trong nỗi đau tận cùng

26/09/2011 07:07 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Bảo tàng Trung tâm nhiếp ảnh quốc tế mấy ngày nay nhộn nhịp hẳn, người vào ra liên tục, báo chí và truyền hình thay nhau phỏng vấn một ông già tuổi gần 70, mặt khắc khổ, đầu không một sợi tóc, riêng đôi mắt lộ đầy vẻ cương nghị. Tên ông được rất nhiều người trong làng ảnh báo chí thế giới ngả mũ thán phục: Eugene Richards. Bước qua tro tàn là triển lãm mới nhất của ông, kéo dài tới đầu năm sau tại New York (Mỹ).

Trở lại

Đã rất lâu Richards mới trở lại, tính từ bộ sách ảnh Fat Baby phát hành từ năm 2004 đến nay. Sự trở lại lần này của ông mang nhiều ý nghĩa hoài niệm, nhớ lại một quãng thời gian đã qua, nhớ về New York và chiếc tháp đôi đổ vụn dưới sức nặng của khủng bố. “Tôi đang ở Hungary ngày hôm ấy, nghe tin dữ nhưng phải 4 ngày sau mới tìm được vé về Mỹ. Từ trên máy bay nhìn xuống New York thân yêu của mình, tôi nghĩ mình không đủ sức để cầm máy ảnh đi tiếp. Nhưng vợ tôi và người trợ lý thuyết phục rằng, cảm giác sợ hãi ấy thật ra là một cảm giác tội lỗi vì những gì tôi nghĩ trong đầu không giống với hiện thực và hiện thực ấy cần phải được ghi lại. Cuối cùng tôi đã nghe họ, chụp và viết lại tất cả, với tâm trạng rối bời. Nó nhiều mùi lắm, mùi u ám, mùi chát chúa, cảnh sát ngăn chặn từng bước chân của chúng tôi, những tàn tích bốc lên nhắc nhở tới Hiroshima, Sarajevo, Beirut. Bạn cứ thử tưởng tượng, trong một cái chớp mắt, hàng ngàn bức chân dung của Manhattan bỗng dưng biến mất. Kinh hoàng lắm”.

Nhiếp ảnh gia Eugene Richards

Bảo tàng Trung tâm nhiếp ảnh quốc tế hôm 18/9 rất đông người, vì là cuối tuần, vì là vẫn còn trong không gian tưởng nhớ, rất nhiều người đã ra về với đôi mắt đỏ hoe. Eugene Richards làm cho họ nhớ tới thảm họa 11/9 và xa hơn, những câu chuyện nước Mỹ chưa bao giờ giải quyết xong những vết thương hàng ngày. Bước qua tro tàn còn cho người ta thấy những chuyện xảy ra bên ngoài nước Mỹ mà như thể chính nó đã ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống nước Mỹ hôm nay.

Ảnh của Eugene Richards như thể cuộc đời nhưng cuộc đời trong ảnh ông luôn ở phía trước.

Eugene Richards gắn tên mình như thể nhân xưng của một loại công việc nào đó khó định nghĩa. Đi bất cứ đâu, chụp bất cứ gì nhưng phải lột tả rõ nỗi đau, đằng sau nỗi đau là khoảng buồn mênh mông, ai đụng vào khoảng buồn của ông bao giờ cũng cảm thấy ngột ngạt, như thể cuộc sống bên ngoài thiếu hẳn tiếng cười.

Eugene Richards thường chụp nỗi đau. Nỗi đau của ông gắn liền với con người, là những khoảng lặng khi nhìn vào, người xem khó minh định được cảm giác, có thể quặn thắt, có thể đồng cảm như nỗi đau của chính mình. Trong những khoảng vỡ đó, bao giờ cũng lóe lên một tia sống, một mầm hy vọng, có thể từ một ánh nhìn hay một bàn tay chìa đỡ.

Cuộc sống bấp bênh của những người da màu, một chủ đề ưa thích của Richards

Chiều chạng vạng, một người đàn bà hơn 80 tuổi ở một làng quê hẻo lánh tại Niger cõng đứa cháu bé bỏng đi hơn 8 dặm khám bệnh, nhưng đứa bé đã chết trên đường đi. Lủi thủi, người đàn bà lại cõng đứa cháu không còn linh hồn, trở về. Ở tuổi 80, người đàn bà như thể đã chết từ rất lâu ở thời đại của mình. Không niềm vui, không nỗi buồn, cuộc sống như một sự lập trình không thể thay đổi. Ở nhà xác, Eugene Richards đề nghị được chụp ảnh người đàn bà cùng đứa bé, lời đề nghị của ông được chấp nhận với điều kiện: “Ông phải chụp tôi với một đứa bé mập mạp để khi trở về nhà ông sẽ không còn cảm giác tôi sống ở đây với một đứa trẻ đã chết”, người đàn bà yêu cầu. Bộ ảnh Fat baby sau đó trở thành một biểu tượng của ông và cũng từ đó không bao giờ ông dám trở lại Niger, như thể ông sợ số phận xuyên qua mình.

Trong cuộc đời cầm máy của Richards, những chuyện như vậy chẳng còn phải là điều quá lạ lùng. Cho nên ông không định nghĩa được công việc của mình, một nhà hoạt động xã hội hay nhiếp ảnh gia, một người bên ngoài nhìn ngắm nỗi đau hay xem những nỗi đau ấy như của chính mình. Tất cả dồn cục, hiển hiện rõ nét trong những bức ảnh đen trắng không màu của ông.

Đi tới

Richards sinh năm 1947 ở Massachusetts, bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội từ thập niên 60 thế kỷ trước, sau đó cầm máy và xuất bản các tác phẩm của mình ở thập niên 70. Ảnh ông lộ rõ quan điểm cá nhân, lồng ghép thêm ít chính trị để nhấn mạnh những góc nhìn xã hội ở điểm gai góc, gay gắt và gây nhức nhối nhất. Những bố cục của ông được nhiều tay máy sau này tham khảo và phát triển thêm. Góc chụp lạ, thường xoáy vào điểm mạnh nhất của chủ thể và không cần chỉnh ngay thẳng. Những bức ảnh đen trắng của ông thường thể hiện một khoảng chìm hậu cảnh, đưa tiền cảnh và chủ thể lên tầm gắt nhất để tạo tính thị giác. Eugene Richards là thành viên của hãng thông tấn ảnh Magnum, VII khét tiếng, ảnh của ông chu du qua nhiều tạp chí, báo ảnh, nhật báo dữ dằn, tên ông được đặt trang trọng ở nhiều cuộc triển lãm và các cuốn sách ảnh của ông bao giờ cũng bán đắt như tôm tươi. Người ta mua ảnh của Richards không phải để ngắm nhìn nỗi đau mà là tìm thấy mầm sống trong những khoảng buồn tang tóc.

Khẩu súng nằm hờ hững trên giường, phía góc người đàn bà mắm môi ngồi nghĩ ngợi. Một sự xuống cấp của xã hội tiêu dùng khi người ta có thể mua súng như mua một lon bia?

Khẩu súng nằm hờ hững trên giường, phía góc người đàn bà mắm môi ngồi nghĩ ngợi. Một sự xuống cấp của xã hội tiêu dùng khi người ta có thể mua súng như mua một lon bia? Một phụ nữ người Cicilia mắc chứng nghiện rượu ôm chầm lấy chồng ngay khi vừa sinh đứa con đầu lòng, giọt nước mắt của người mẹ trẻ mắc bệnh AIDS dường như không thể rơi thêm khi ôm trong mình một sinh linh bé bỏng. Mầm sống luôn ẩn hiện trong những bức ảnh của Richards kèm theo là những dấu hỏi xung quanh nỗi đau tận cùng.

Eugene Richards vẫn đi chụp ở tuổi gần 70. Sức nặng thời gian khiến ông không đi lại được nhiều nhưng không làm mất đi tính nhân văn trong những tác phẩm của mình. Ngoài chụp ảnh, ông còn quay nhiều bộ phim tài liệu, viết văn và hoạt động xã hội. Bước qua tro tàn của ông được trao giải thưởng sách Golden Light, một loạt các dự án nghệ thuật và tác phẩm nhiếp ảnh của ông được trao nhiều giải nhiếp ảnh uy tín khắp thế giới. Thế nhưng với Richards, được đi và khám phá cuộc sống mới là phần thưởng đẹp nhất của cuộc đời. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách mà đến giờ bạn không thể tìm thấy ở đâu ngoài eBay và phải đấu giá rất mệt mỏi mới sở hữu được. Nhiều người bảo ảnh của Rihcards như thể cuộc đời, nhiều người thêm vào: ảnh ông như thể cuộc đời nhưng cuộc đời trong ảnh ông luôn ở phía trước, nó không bi lụy, nó giúp người ta đứng dậy sau tro tàn. Và vì thế, nước Mỹ sau sự kiện 11/9 lại cần đến ông hiện diện ở New York, như thể xoa dịu, như thể quên đi và bước tới

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm