20 năm ngày mất của Serge Gainsbourg - Người “chọc giận” nước Pháp

05/03/2011 14:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - 20 năm sau khi Serge Gainsbourg (1928) qua đời, ông vẫn là một trong những nhân vật văn hóa nổi tiếng nhất song cũng gây tranh cãi nhiều nhất thế giới. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông (2/3/1991), nước Pháp tổ chức nhiều sự kiện tôn vinh ông.

Cho đến giờ, Gainsbourg vẫn là một trong những nghệ sĩ lớn cuối cùng của nước Pháp, người đã thách thức một cách nghiêm túc không chỉ tới nền âm nhạc, mà còn tới cả nền văn hóa và xã hội của nước này. “Ông là ca sĩ đã kết hợp xuất sắc giữa thơ và nhạc để tạo nên nền nhạc pop Pháp”, Alain Wodrascka - tác giả của 2 cuốn sách về Gainbourg, trong có có cuốn Gainsbourg, Gainsbarre phát hành tháng trước - nhận định.

Là nguồn cảm hứng cho nhiều sự kiện văn hóa

Nhân dịp 20 năm ngày mất của ông, nhiều cuốn sách và tuyển hợp âm nhạc đã được tung ra; nhiều chương trình nghệ thuật, truyền hình, phát thanh đặc biệt thể hiện lòng tôn kính tới ca sĩ/nhà soạn nhạc này. Sinh thời, Gainsbourg thường say mê nghiên cứu, phản ứng và đùa bỡn với các truyền thống Pháp, nhưng sau khi qua đời ông đã trở thành một chuẩn mực cho nhiều nghệ sĩ khác. Năm 2005, hãng thu âm Virgin Records đã phát hành album Monsieur Gainsbourg Revisited, trong đó gồm bản cover bằng tiếng Anh các ca khúc của Gainsbourg do các nghệ sĩ Franz Ferdinand, Portishead, Placebo, Marc Almond và Michael Stipe thu âm.

Chỉ riêng trong 5 năm qua, Gainsbourg đã là nguồn cảm hứng cho nhiều cuộc triển lãm, dự án điện ảnh và âm nhạc. Ít nhất 115.000 người đã tới triển lãm tôn vinh ông mang tên Gainsbourg 2008 ở Paris. Năm 2010, bộ phim Gainsbourg (vie héroique) làm về cuộc đời ông đã đoạt nhiều đề cử giải César của Pháp - và cuối cùng đoạt 3 giải, trong đó có giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Biến sự khiêu khích thành nghệ thuật

Gainsbourg từ giã cõi đời này đã 2 thập niên, song ông vẫn không ngừng được nhắc tới, được tôn vinh. Bởi từ đó đến nay chưa ai có thể thúc đẩy, kích động và khiêu khích được văn hóa Pháp thành công như ông.

Năm 1969, Gainsbourg đã khiến người yêu nhạc điên cuồng với nhạc phẩm Je T’aime... Moi Non Plus mà ông song ca cùng đối tác lâu năm Jane Birkin. Ca khúc này đã gây sóng gió trên toàn cầu. Đài BBC cấm phát sóng, còn tòa thánh Vatican thì chỉ trích dữ dội.

Gainsbourg còn chọc tức nước Pháp khi đã táo bạo trình bày bản quốc ca nước này - La Marseillaise - bằng nhạc reggae. Việc làm đó đã khiến những người yêu nước phẫn nộ đến mức họ cho rằng ông phải nhận tội chết. Trong khi nhà báo Michel Droit của tờ Le Figaro đã chỉ trích ông thậm tệ với một bài viết và cáo buộc Gainsbourg “kích động tinh thần bài Do Thái”.

Song có lẽ việc làm gây sốc nhất của Gainsbourg là ông song ca nhạc phẩm Lemon Incest cùng con gái Charlotte. Cùng với băng video có hình ảnh cô con gái Charlotte 12 tuổi bán khỏa thân nằm trên giường cùng với người cha ngực trần, ca khúc Lemon Incest đã bị phản ứng dữ dội khi “đụng chạm” đến điều cấm kỵ là sự loạn luân. Thế nhưng, scandal đó lại càng khiến cho lượng đĩa bán ra tăng mạnh.

Để lại lỗ hổng lớn trong nền văn hóa Pháp

Tài năng âm nhạc và scandal đã khiến Gainsbourg trở thành một nhân vật có một sức hút lớn đối với các phương tiện thông tin đại chúng và công chúng. Sự ra đi của ông đã để lại một lỗ hổng lớn trong xã hội và nền văn hóa Pháp và cho đến nay chưa ai có thể lấp đầy được khoảng trống đó.

Frédéric Sanchez - người tổ chức triển lãm Gainsbourg 2008 ở Paris - mô tả ông là “một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất thế kỷ 20”. Đối với Sanchez, Gainsbourg là người thích gây sự trên công luận song cũng là một nghệ sĩ đầy tài năng. 2 yếu tố đó đã tạo nên sự nghiệp của một thiên tài âm nhạc, một cuộc đời với nhiều sự hấp dẫn song cũng nhiều chuyện “ầm ĩ”.

Nhiều người Pháp cho rằng, chưa ai có thể “tái tạo” được thế giới kể từ khi Gainsbourg qua đời. Và chính vì lẽ đó, sau 20 năm ông mất, nước Pháp vẫn thương nhớ Gainsbourg.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm